8 bí quyết chăm sóc trẻ sơ sinh "nhàn tênh" mà bà mẹ nào cũng nên biết
Những bí quyết sau đây sẽ giúp công việc trông trẻ tưởng như vô cùng vất vả và áp lực trở nên nhẹ nhàng.
1. Giấc ngủ ngắn của trẻ
Giấc ngủ ngắn của trẻ sơ sinh là vô cùng quan trọng, chúng ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển cũng như tâm lý của trẻ. Và một trong những bí quyết tạo nên thói quen thích hợp cho giấc ngủ ngắn của trẻ chính là thời gian ngủ. Các chuyên gia khuyên rằng, đối với trẻ từ 0-12 tháng tuổi, thời gian ngủ ngắn 30-90 phút sẽ là tốt nhất để trẻ có giấc ngủ ngon hơn.
2. Quấn tay trẻ vào trong áo khi thay tã
Không ít các phụ huynh cảm thấy "bất lực" mỗi khi trẻ không chịu "hợp tác" để bạn thay tã. Bàn tay của trẻ luôn tò mò, bứt rứt và quấy phá khi bạn đang thay tã cho trẻ, thậm chí có khi trẻ sẽ chạm phải chất thải trong tã.
Tuy nhiên, có một cách "xử lý" đôi tay "nghịch ngợm" đó vô cùng đơn giản mà không phải ai cũng biết. Bạn chỉ cần kéo áo của em bé lên, quấn tay của em bé vào trong áo, giữ cho cánh tay của bé an toàn và không cản trở công việc của bạn.
3. Quấn một chiếc khăn ướt cho trẻ
Tắm cho con có thể là công việc "cực nhọc" đối với không ít các bậc cha mẹ nếu bạn không biết những mẹo khiến trẻ thoải mái và cảm thấy yên tâm khi tắm.
Khi tắm cho trẻ, bạn cần giữ ấm cho trẻ và tránh tuyệt đối không làm trẻ bị trơn trượt, điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy lo lắng, sợ hãi. Hãy quấn cho trẻ một chiếc khăn ướt để giữ cho trẻ ấm áp, chiếc khăn cũng có thể giúp trẻ cảm thấy yên tâm, thích thú và ngừng quấy phá hơn.
4. Mẹo dỗ em bé ngừng khóc
Khóc là hình thức giao tiếp chủ yếu của trẻ sơ sinh, khi đói, mệt hoặc cần kiểm tra tã, trẻ sẽ tìm cách thông báo cho bạn, và đương nhiên cách đơn giản nhất là "khóc". Mặc dù vậy, việc dỗ cho trẻ ngừng khóc lại không phải là chuyện dễ dàng.
Một trong những mẹo dỗ trẻ hữu ích nhất được các bà mẹ chia sẻ đó là thay đổi tư thế bế trẻ. Thay vì bế trẻ ngả ra sau, bạn nên khoanh tay trẻ trước ngực rồi sau đó nhẹ nhàng đỡ tư thế hơi nghiêng về phía trước của trẻ bằng tay trái, trong khi tay phải đỡ mông của trẻ.
5. Lau bụng bằng khăn ướt
Nhiệt độ mát mẻ cùng cảm giác thoáng khí khi thay tã sẽ khiến trẻ cảm thấy muốn đi tè, và đương nhiên trẻ cũng rất có thể sẽ tè vào người bạn. Dù vậy, có một mẹo rất đơn giản để tránh khỏi "tai nạn" này, đó là bạn cần lau nhẹ chiếc khăn ướt có nhiệt độ mát mẻ vừa phải khắp rốn của trẻ trước khi thay tã. Em bé sẽ tè trước khi thay tã vì nhiệt độ lạnh của khăn lau, tuy nhiên hãy lưu ý chỉ sử dụng khăn sạch để tránh vi khuẩn xâm nhập của rốn của trẻ.
6. Làm sạch nướu và lưỡi
Ngay cả khi chưa có răng thì nướu và lưỡi của trẻ vẫn cần được làm sạch thường xuyên để tránh nhiễm trùng do vi khuẩn trong miệng phát triển. Để vệ sinh miệng cho trẻ, bạn có thể sử dụng một miếng băng gạc hoặc miếng vải sạch, quấn quanh ngón tay rồi ngâm trong nước ấm. Sau đó, nhẹ nhàng mở miệng trẻ, bắt đầu xoa bề mặt nướu và lưỡi.
7. Mực nước khi tắm
Lần đầu tắm cho trẻ là một nhiệm vụ đầy thử thách mà cha mẹ nào cũng phải đối mặt vì chỉ cần những sai sót nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
Hãy nhớ rằng bạn nên làm mọi cách để trẻ cảm thấy thoải mái khi tắm. Chú ý đến mực nước tắm là một trong những điều quan trọng nhất, mực nước hợp lý sẽ giúp trẻ sơ sinh tận hưởng cảm giác như đang ở trong bụng mẹ. Khi trẻ đang ngồi, bạn nên đổ đầy nước đến ngang lưng của trẻ, đây là mực nước hoàn hảo để nhiệt độ của em bé ở mức lý tưởng nhất.
8. Tiếng ồn trắng cho giấc ngủ của trẻ
Đa số trẻ sẽ ngủ ngon hơn khi có tiếng ồn xung quanh hơn là hoàn toàn yên tĩnh. Việc sử dụng tiếng ồn trắng, những âm thanh có tần số khác nhau lặp đi lặp lại, để giúp trẻ ngủ ngon hơn cũng là một trong những phương pháp vô cùng phổ biến được phụ huynh áp dụng. Bạn có thể sử dụng tiếng quạt, âm nhạc hay nhiều phương pháp khác nhau để tạo tiếng ồn trắng, giúp tạo ra một môi trường êm dịu cho trẻ sơ sinh, giảm quấy khóc, để trẻ đi vào giấc ngủ dễ dàng và nhanh chóng hơn.