20 năm kết hôn, chồng tôi luôn nói: "Cô chẳng làm được gì cho cái nhà này"
(Dân trí) - Tôi luôn cố gắng vun vén, chăm sóc gia đình nhưng có vẻ chồng tôi không hề coi trọng điều đó.
Tôi là người tỉnh lẻ, sinh ra trong gia đình làm nông. Nhận thức được hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ nhỏ, tôi đã làm việc phụ giúp gia đình và cố gắng học tập để có cơ hội cải thiện cuộc sống. Thi đỗ cao đẳng, tôi lên Hà Nội học rồi ở lại làm việc.
Làm cùng công ty, thấy tôi ưa nhìn, ngoan ngoãn, chị chồng quyết định "làm mai" tôi cho em trai. Chồng và tôi có chút chênh lệch về gia cảnh. Anh là con út, gia đình khá giả nên được chiều chuộng từ nhỏ. Anh học bổ túc rồi đi học nghề, sau mở cửa hàng tại nhà.
Tìm hiểu rồi yêu nhau hơn một năm, chúng tôi quyết định kết hôn. Vài tháng sau khi về chung nhà, tôi đã mang thai con trai khiến anh rất phấn khởi. Tôi đi làm công nhân, thu nhập không cao nên anh chí thú làm ăn để lo cho mẹ con tôi.
Được chồng yêu thương, tôi cũng hết lòng vun vén, chăm sóc gia đình, hiếu thuận với bố mẹ chồng. Tôi cố gắng làm hết việc nhà, lo toan chu toàn việc giỗ chạp, không để bố mẹ chồng phải vất vả.
Năm 2005, nhà chồng tôi bán một phần đất để xây nhà. Hồi ấy, ngôi nhà 3 tầng xây dựng theo dạng biệt thự của gia đình tôi bật so với xung quanh. Ai ở ngoài nhìn vào cũng cho rằng, tôi có phúc, không phải làm việc vất vả mà vẫn sống sung sướng.
"Trong chăn mới biết chăn có rận", họ không hiểu được những góc khuất sau đó. Hơn chục năm đầu kết hôn, tôi làm công nhân, mức thu nhập không cao nên nhiều thứ phải phụ thuộc vào anh. Thời gian đầu không sao nhưng dần dần, tôi có thể cảm nhận được sự coi nhẹ của anh với tôi.
Khi con trai được 7 tuổi, tôi mang bầu con thứ hai. Anh vẫn quan tâm đến tôi nhưng với trực giác của người phụ nữ, tôi cảm nhận anh đang ngoại tình. Tôi âm thầm để ý và đã nghe được cuộc gọi của anh với nhân tình. Chúng tôi cãi nhau, anh kiên quyết không thừa nhận việc ngoại tình.
Trong lúc nóng giận, anh nói: "Cô là con nhà nông, về nhà tôi chỉ có cái hòm đựng đồ. Về làm dâu bao năm, cô làm được gì cho cái nhà này? Tôi phải làm việc vất vả kiếm tiền, còn cô đi làm công nhân rồi về chăm con, lo cơm nước có gì nặng nhọc? Để cho tôi thoải mái, còn làm việc mang tiền về nuôi cái nhà này".
Tôi chẳng thể ngờ, người chồng từng yêu chiều mình hết mực lại có thể nói ra những lời này. Lúc ấy, tôi mới hiểu được giá trị của đồng tiền, của sự phù hợp gia cảnh và cân bằng thu nhập giữa hai vợ chồng.
Khi con thứ hai cứng cáp, có cơ hội được học liên thông lên đại học, tôi quyết định vừa học, vừa làm. Có bằng đại học, tôi xin được lên phòng kỹ thuật làm. Tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều người hơn, có thêm các mối quan hệ và thêm việc bên ngoài nên thu nhập cũng cải thiện đáng kể.
Kiếm được nhiều tiền hơn, tôi cũng chỉ chú tâm chăm lo cho gia đình, đỡ đần anh thời gian trước vất vả. Tôi tưởng khi có sự cân bằng về thu nhập, đỡ gánh nặng tiền bạc cho anh, vợ chồng tôi sẽ trở lại những ngày tháng hạnh phúc như ban đầu.
Nhưng tôi đã lầm. Khi thấy tôi có thu nhập tốt hơn, không còn hỏi chồng nhiều về tiền để chi tiêu thì anh bắt đầu lười làm việc và hay tụ tập rượu chè. Cửa hàng lúc mở, lúc không, lượng khách quen mất đi nhiều.
Nhiều lần chia sẻ, góp ý với chồng về việc hạn chế tụ tập ăn uống, anh đều lý do rằng, đó là đi bàn việc, là chuyện làm ăn. Nhưng thử hỏi, có ai đi bàn bạc công việc mà tuần đi 3-4 hôm, ngồi uống rượu từ sáng đến chiều mới về nhà như chồng tôi không?
Thấy anh không còn chí thú làm ăn, tôi bắt đầu hỏi và yêu cầu chồng đưa chi phí sinh hoạt như trước đây. Tôi cũng chia sẻ với anh, hiện giờ vật giá đắt đỏ, mỗi tháng chi phí cho gia đình 6 người cũng phải lên tới 30 triệu đồng.
Nhưng anh không tin, cho rằng tôi phóng đại và chỉ đồng ý đưa cho tôi 10 triệu đồng mỗi tháng. Tôi nghĩ, thôi thì có còn hơn không nên cứ cầm, rồi thiếu bao nhiêu thì bù vào. Bởi trước đây, anh cũng đã là người "đứng mũi chịu sào", giờ tôi san sẻ cùng anh trách nhiệm đó.
Cố gắng gần chục năm cáng đáng, chăm lo cho cả gia đình, tôi không cảm thấy mệt mỏi. Điều mà tôi buồn phiền chính là chồng không nhận ra sự cố gắng của tôi mà vẫn coi thường, xem nhẹ.
"Cô lấy tôi nhà cửa có sẵn, chỉ mang theo cái hòm đựng đồ về ở. Bao năm, tôi vẫn đưa cô tiền sinh hoạt, không thiếu đồng nào. Việc gì to cũng đến tay tôi lo liệu. Ngoài việc chăm sóc mọi người, cô chẳng làm được cái gì cho nhà này" là những lời quen thuộc mà chồng nói ra mỗi khi chúng tôi cãi nhau.
Tôi đang cố gắng vì cái gì? Tôi thực sự mệt mỏi và không biết làm như nào để chồng có thể nhìn nhận mình một cách đúng đắn. Nếu cuộc sống cứ tiếp diễn như thế này mà không thay đổi, tôi rất nản và muốn ly hôn bởi đã chịu đựng trong cả quãng thời gian dài.
Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.