Điều 60 Luật BHXH: Nói tốt nhưng sao chưa hiệu lực đã sửa?

Chủ tịch Quốc hội: "Nếu còn thiếu sót, xem xét chưa thận trọng, quy định chưa chuẩn, thì chúng ta phải nhận khuyết điểm và sửa ngay".

Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) 2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, tuy nhiên, trong 2 ngày 26 và 27/3/2015, nhiều công nhân tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đã đình công để bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định tại Điều 60 của Luật này về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần.

Chiều ngày 12/5, tại phiên họp thứ 38 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đọc báo cáo của Chính phủ về quy định tại Điều 60 Luật BHXH năm 2014, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Điều 60 rất ưu việt và hoàn toàn đúng đắn, tiến bộ; việc sửa đổi cần được thảo luận, xem xét trên nhiều khía cạnh thực sự thấu đáo và phải được Quốc hội quyết định.
Điều 60 Luật BHXH: Nói tốt nhưng sao chưa hiệu lực đã sửa?
Theo các chuyên gia, điều 60 Luật BHXH là bảo đảm an sinh cho người lao động khi về già (Ảnh minh họa)
Phản ứng về Điều 60 có đại diện cho công nhân cả nước?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh những điểm đúng đắn của Điều 60 và cho rằng, việc phản ứng của công nhân vừa qua chỉ là từ một doanh nghiệp ở phía Nam, chưa thể nói đại diện cho công nhân.

“Vì sao chỉ một bộ phận phản ứng? Một bộ phận công nhân có đại diện cho công nhân cả nước hay không? Trên cơ sở phân tích, đánh giá thì chúng ta mới xem xét được. Rất hiếm có Luật nào mà chưa đến hiệu lực thi hành đã bị phản ứng. Nếu chúng ta không phân tích đúng bản chất thì liệu sau này còn diễn ra nữa hay không? Nhiều đại biểu Quốc hội khi trả lời trên truyền hình nói rằng khi bấm nút chúng tôi chưa nhận thức hết được vấn đề. Nói như thế có nghĩa chất lượng xây dựng luật kém. Bây giờ là chất lượng xây dựng luật hay nhận thức về vấn đề luật. Đây là hai điểm khác nhau” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Điều 60 có thể chưa phù hợp với thực tế cuộc sống hiện tại, nhưng lại phù hợp với chiến lược lâu dài, bởi luật đảm bảo chế độ an sinh xã hội đa tầng, để người lao động không bị “rơi xuống đáy xã hội”, sống dưới mức tối thiểu, đồng thời hướng tới chiến lược đúng đắn là 50% người lao động tham gia bảo hiểm vào năm 2020.

Phó Chủ tịch Quốc hội đã dẫn lại câu chuyện về bài học của 35.000 người nhận chế độ “một cục” (chế độ 176 năm 1989) và nhấn mạnh, 20 năm sau, khi bà làm Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, nhưng nhiều cử tri vẫn chất vấn với những câu rất nặng nề về chế độ 176 như kiểu “chiếm đoạt tiền của người lao động”. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây là điều rất đáng suy nghĩ.

Nói Điều 60 là tốt sao lại phải sửa?

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, làm luật, bổ sung, sửa đổi luật là trách nhiệm của Quốc hội, tuy nhiên phải có căn cứ, nguyên tắc. Để công nhân phản ứng, theo Chủ tịch Quốc hội, đó là do công tác phổ biến, tuyên truyền thực hiện luật chưa tốt cho nên khi đụng chạm tới lợi ích trước mắt thì người lao động sẽ phản ứng. Theo báo cáo của cơ quan liên quan, việc phản ứng của công nhân có nhiều nguyên nhân, không phải riêng đối với Điều 60.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị từ nay tới ngày 1/1/2016 cần tổ chức tốt việc thực hiện, tuyên truyền vận động. “Nếu các đồng chí nói còn thiếu sót, xem xét chưa thận trọng, quy định chưa chuẩn, thì chúng ta phải nhận khuyết điểm và sửa ngay. Nhưng Công đoàn, Chính phủ đều nói Điều 60 đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Hai trụ cột của an sinh xã hội là BHYT, BHXH bảo đảm lợi ích cho người lao động đến tuổi già được lương hưu. Vậy tại sao chưa thực hiện đã sửa. Tôi đề nghị từ nay đến trước khi Quốc hội họp kỳ cuối năm, nếu các đồng chí thấy tuyên truyền, vận động không được và xem có nguyên nhân gì khác thì phải khắc phục”.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng thừa nhận, chủ trương của Điều 60 là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển. Ở đây là Nhà nước lo cho dân khi gặp khó khăn (già yếu, ốm đau) và BHXH mang tính bắt buộc, có tầm nhìn xa, chặt chẽ và căn cứ vào thực tiễn. Khi thay đổi, chắc chắn ít nhiều có phản ứng, do đó Quốc hội cần kiên trì, thận trọng khi sửa đổi.

Ông Phùng Quốc hiển cũng thống nhất chủ trương để Quốc hội cân nhắc. Nếu Quốc hội nhận thấy hợp lý thì sửa, nhưng theo ông, nếu có sửa thì cũng là điều đáng tiếc.

Trước đó, trong báo cáo do Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trình bày có kiến nghị xem xét điều chỉnh Điều 60 Luật BHXH năm 2014 theo hướng, trước mắt cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần, hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trong trường hợp này, người lao động hết tuổi lao động sẽ không được nhận lương hưu hàng tháng, không đảm bảo cuộc sống về già, không đảm bảo an sinh xã hội và tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Chính vì vậy, bên cạnh đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, giải thích để người lao động hiểu rõ tác dụng của việc bảo lưu thời gian đóng BHXH.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng đề xuất kiến nghị của Ủy ban theo hai phương án.

Thứ nhất, cho phép người lao động nghỉ việc sau một năm thì được hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, cần có lộ trình tăng dần thời gian nghỉ việc, từ 2 – 3 năm mới được hưởng BHXH một lần.

Thứ 2, giao cho Chính phủ ban hành văn bản theo thẩm quyền để hướng dẫn thực hiện chính sách này./.

Điều 60 (Luật BHXH năm 2014). Bảo hiểm xã hội một lần.

1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

b) Ra nước ngoài để định cư;

c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Theo Lại Thìn/VOV.VN