“Số tiền hưởng lương hưu cao gấp 4 -7 lần so lĩnh với BHXH một lần”

“Lĩnh BHXH một lần sẽ thiệt thòi từ 4-7 lần so với lĩnh lương hưu theo quy định của luật BHXH năm 2014. Mặt khác, người lao động nên hiểu khoản tiền đóng vào quỹ BHXH cho chế độ hưu trí nhằm bảo đảm cuộc sống khi về già, không giống trợ cấp một lần thai sản, ốm đau, tai nạn lao động…”.

Bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) - trao đổi với PV Dân trí về lợi ích của người lao động nếu chọn việc đóng BHXH để hưởng hưởng lương hưu khi đủ tuổi hơn là việc lĩnh BHXH một lần.

Từng giảng dạy cho nhiều cán bộ làm BHXH tại các doanh nghiệp, vậy bà sẽ nói gì về lợi ích lâu dài của việc hưởng lương hưu của người lao động?

- Trước năm 1995, chính sách BHXH chỉ áp dụng đối với công nhân, viên chức Nhà nước và được thực hiện gần như bao cấp. Điều này đồng nghĩa mới việc chỉ có vào được biên chế Nhà nước thì mới có cơ hội nhận được lương hưu khi về già.

Từ năm 1995 đến nay, đối tượng tham gia BHXH từng bước được mở rộng đến người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế. Từ năm 2008, ngoài chính sách BHXH bắt buộc còn có chính sách BHXH tự nguyện được áp dụng đối với người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc (lao động trong khu vực phi kết cấu, nông dân, ngư dân…).

Bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ
trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH)
Bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), ảnh tư liệu.

Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH như vậy tạo điều kiện cho nhiều người lao động có cơ hội nhận được lương hưu khi về già. Theo số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam thì tại thời điểm 31/12/2014, cả nước có khoảng trên 2,1 triệu người hưởng lương hưu hàng tháng.

Người lao động có lương hưu sẽ có nguồn thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống khi về già. Ngoài lương hưu hàng tháng được nhận, người lao động được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế (do quỹ hưu trí tử tuất bảo đảm). Như vậy, người lao động không phải lo lắng khi ốm đau, bệnh tật.

Khi người lao động bị chết, thân nhân được nhận trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hàng tháng hoặc tuất một lần.

Nếu so sánh giữa việc hưởng lương hưu hàng tháng và việc lĩnh trợ cấp 1 lần cho cùng một khoảng thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn hơn gấp nhiều lần.

Như bà nói, việc hưởng lương hưu đúng tuổi sẽ giúp người lao động có lợi gấp nhiều lần so với BHXH một lần, vậy bà có thể giải thích qua ví dụ cụ thể?

- Tôi xin lấy 1 ví dụ dựa trên các căn cứ pháp lý để so sánh. Theo đó, nếu 1 lao động là nam giới đủ 60 tuổi và nghỉ hưu năm 2016, có 20 năm đóng BHXH, mức bình quân tiền lương đóng BHXH là 4 triệu đồng/tháng.

Lấy giả định là tỉ lệ lạm phát, tốc độ tăng lương, lãi suất đầu tư quỹ BHXH là bằng nhau và không tính đến tác động của 3 yếu tố này.

Trong trường hợp người lao động này chọn cách nhận lương hưu hàng tháng: Tỉ lệ hưởng lương hưu (20 năm đóng): 55%, lương hưu hàng tháng: 4.000.000 đồng x 55% = 2.200.000 đồng/tháng. Tính trung bình, kỳ vọng sống của nam giới ở độ tuổi 60 là 18,1 năm (quy ra 217 tháng).

Số tiền lương hưu nhận của lao động nam giới này được nhận đến khi chết: 217 tháng x 2.200.000 đồng/tháng = 477.400.000 đồng. Ngoài ra, người này có thêm thẻ bảo hiểm y tế (mức 4,5%): 21.500.000 đồng

Ngoài ra khi họ chết, gia đình còn nhận thêm khoản trợ cấp mai táng: 10 tháng lương cơ sở là 11.500.000 đồng. Tiền Tuất (giả định tuất 1 lần thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng) là 6.600.000 đồng.

Tổng chi phí cho lao động này nghỉ hưu là 516.000.000 đồng.

Trong khi đó, cũng với những giả định như trên, nếu một người lao động một số lần xin hưởng BHXH, tổng thời gian đóng BHXH là 20 năm thì tổng số tiền hưởng BHXH một lần sẽ là: 4.000.000 x (1,5 x 18 + 2 x 2) = 124.000.000 đồng.

Mức chênh lệch giữa 2 lựa chọn hưởng là hơn 4 lần.

Vậy với trường hợp người lao động là nữ giới thì mức chênh lệch giữa hưởng lương hưu khi đủ tuổi và hưởng BHXH một lần ra sao, thưa bà?

Cũng với tính toán như trên thì tổng chi phí cho lao động nữ nghỉ hưu là 756.000.000 đồng. Sở dĩ lao động nữ nghỉ hưu có chi phí cao hơn lao động nam là do lao động nữ nghỉ hưu sớm hơn, thời gian hưởng lương hưu dài hơn; tỉ lệ hưởng lương hưu của nữ cũng cao hơn nam nếu có cùng thời gian đóng góp.

Mức chênh lệch giữa 2 lựa chọn hưởng đối với lao động nữ là 7 lần.

Qua cách tính như trên, rõ ràng là lợi ích của người hưởng lương hưu khi đủ tuổi lớn hơn nhiều so với hưởng BHXH một lần. Vậy theo bà, tại sao vẫn có tình trạng người lao động xin hưởng BHXH một lần?

- Theo tôi, nguyên nhân người lao động xin nhận BHXH một lần là do thực tế đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương thực tế còn thấp nên người lao động muốn lấy BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt chưa nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già.

Nhiều người lao động từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp nhưng không có ý định gắn bó lâu dài. Họ làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội để làm vốn về quê làm ăn.

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích chính sách chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời nên người lao động chưa hiểu cặn kẽ được ý nghĩa, mục đích của các quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Đặc biệt là quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần.

Nếu hiểu rõ được các lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng BHXH, tôi tin chắc rằng nhiều người lao động sẽ không nhận BHXH một lần mà bảo lưu thời gian đóng BHXH để có cơ hội nhận lương hưu khi về già.

- Xin cảm ơn bà.

Hoàng Mạnh (thực hiện)