"Cuộc chiến" bản quyền truyền hình bóng đá nội
VPF khiếu nại kết luận thanh tra hợp đồng truyền hình
(Dân trí) - Ít phút sau khi Thanh tra Bộ VH-TT-DL công bố kết luận thanh tra bản quyền VFF- AVG, Thường trực VPF đã có cuộc gặp gỡ báo chí để trả lời câu hỏi của các phóng viên. Lãnh đạo VPF khẳng định sẽ làm thủ tục khiếu nại kết luận thanh tra đúng trình tự.
Đại diện cho Hội đồng quản trị VPF, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên khẳng định, VPF không hài lòng với toàn bộ nội dung đoàn Thanh tra Bộ VH-TT-DL vừa công bố chiều 16/2. “Bầu” Kiên đề nghị Bộ VH-TT-DL cần xem lại một số điểm, đảm bảo tính công bằng và quyền lợi của các bên có liên quan.
Trong bản kết luận đưa ra, Thanh tra Bộ VH-TT-DL trích dẫn ra khoản 2 Điều 74 Điều lệ VFF với nội dung: “Ban chấp hành Liên đoàn quyết định phương thức và mức độ sử dụng những quyền được quyết định ở khoản 1 Điều 74, đồng thời đưa ra các quy định đặc biệt cho mục đích này. Ban chấp hành có quyền quyết định sử dụng độc quyền các quyền trên hoặc liên kết với một bên thứ ba hoặc hoàn toàn thông qua bên thứ ba”.
Để chứng minh cho nội dung kiến nghị, “bầu” Kiên còn trích dẫn điều 169 và 170 Bộ luật dân sự quy định vấn đề sở hữu bản quyền truyền hình: Căn cứ vào bộ luật dân sự tại điều 169 và điều 170, các CLB tham gia tạo ra sản phẩm nên có quyền đồng sở hữu bản quyền truyền hình. VFF khi ký hợp đồng căn cứ vào điều 75 không có ý kiến của các CLB là không đúng với quy chế bóng đá chuyên nghiệp.
Ở điều 69 quy chế bóng đá chuyên nghiệp, Liên đoàn bóng đá Việt Nam khẳng định sẽ chia sẻ 50 % nguồn thu thực tế từ bản quyền truyền hình. Khoản 1 điều 64, Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng cam kết liên đoàn và các CLB sẽ cùng nhau chia sẻ khai thác các quyền thương mại…
Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng VFF đã sai khi ký hợp đồng bán bản quyền truyền hình và thương quyền, quyền phát sinh của các ĐTQG cho AVG, trong khi ĐTQG thuộc sở hữu của nhà nước, cụ thể là Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT-DL.
Cũng theo lời “bầu” Kiên, VFF đã không công bằng trong quá trình đàm phán ký kết hợp đồng: Trước năm 2011, VFF đều kêu gọi chào bán bản quyền truyền hình cho các đài truyền hình lớn như VTV và VTC. Tuy nhiên, khi có kế hoạch bán bản quyền có thời hạn 20 năm VFF đã không công bố rộng rãi khiến cho việc bán bản quyền thiếu tính công khai, minh bạch và không công bằng cho các đài khác….
Sau khi Thanh tra Bộ VH-TT-DL công bố kết luận, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng cũng đưa ra những phát biểu liên quan đến vến đề này: Khi VPF ra đời, các thành viên HĐQT đều giật mình khi biến hợp đồng giữa VFF - AVG kéo dài đến 20 năm. Nếu trừ mùa giải 2011 vẫn còn 19 năm là quãng thời gian quá dài. Trong những năm tới số lượng CLB chuyên nghiệp tham dự các giải đấu sẽ tăng, mức chi phí đầu tư cũng tăng cao. Nếu không tạo ra nguồn thu cho CLB sẽ khó khuyến khích các doanh nghiệp hào hứng đầu tư.
Nhiệm vụ của VPF còn là tìm ra nguồn thu hỗ trợ cho công tác đội tuyển. Nếu hợp đồng truyền hình không được xem xét lại, đó sẽ là thiệt thòi lớn cho bóng đá Việt Nam. Tôi mong rằng giữa đơn vị đầu tư (AVG) và nhà sản xuất (VPF) cần sớm tìm ra tiếng nói chung, vì sự phát triển của bóng đá nước nhà.
Bên cạnh quyết định làm thủ tục khiếu nại kết luận của Thanh tra Bộ, lãnh đạo VPF cho biết sẽ tiến hành họp HĐQT vào ngày mai (17/2) để có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Lãnh đạo VPF cũng khẳng định không bao giờ có ý chống đối lại các chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ VH-TT-DL.
Quyết làm đến cùng vấn đề bản quyền truyền hình nhưng “bầu” Kiên khẳng định vẫn sẵn sàng ngồi lại làm việc với AVG, sau khi đơn vị này gửi giấy mời lãnh đạo VPF tham dự buổi họp do AVG tổ chức chiều 19/2 tại Hà Nội.
Hiện VPF vẫn chưa quyết định việc để cho VTC, cùng các đài khác được tiếp tục phát sóng sau khi thanh tra Bộ VH-TT-DL đưa ra kết luận.
Quang Vinh