1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Thanh tra kết luận hợp đồng truyền hình VFF- AVG đúng luật

(Dân trí) - Chiều 16/2, Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã công bố kết luận thanh tra bản hợp đồng truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp có thời hạn 20 năm do VFF ký với AVG năm 2010. Thanh tra kết luận, hợp đồng truyền hình tuân thủ đúng theo quy định của luật pháp Việt Nam…

Theo kết luận thanh tra được Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL Vũ Xuân Thành ký ngày 15/2, thanh tra Bộ đã nêu ra 7 phần nội dung liên quan đến việc thanh tra bản hợp đồng bản quyền truyền hình có thời hạn 20 năm (2011- 2030) do VFF ký kết với AVG tháng 12/2010. Nội dung kết luận thanh tra cũng giải thích đầy đủ 5 câu hỏi được Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên đưa ra.
 
Thanh tra kết luận hợp đồng truyền hình VFF- AVG đúng luật - 1
 Hợp đồng truyền hình bóng đá của AVG - VFF được kết luận đúng luật - Ảnh: Khánh Quang
 

Về quyền sở hữu các giải đấu của VFF, trong đó có vấn đề thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp. Thanh tra Bộ kết luận: Căn cứ vào các quy định pháp luật bao gồm Khoản 2, Điều 53 Luật Thể dục, thể thao; Khoản 1, Điều 12 Nghị định 112/2007/NĐ-CP ngày 26.6.2007 của Chính phủ và Khoản 14, Điều 4 của Điều lệ VFF thì VFF có quyền sở hữu các giải bóng đá do VFF tổ chức.

 

Liên quan đến vấn đề thẩm quyền ký kết hợp đồng của VFF với AVG, Thanh tra Bộ cho rằng Điều lệ của VFF đã được các thành viên, trong đó có các CLB thông qua, được xây dựng theo hướng dẫn FIFA, được Bộ Nội vụ phê duyệt. Điều lệ này có giá trị như một thỏa thuận giữa VFF và các thành viên, được FIFA và pháp luật Việt Nam bảo hộ, dựa trên Khoản 2 điều 74 Điều lệ VFF quy định:

 

Ban chấp hành Liên đoàn quyết định phương thức và mức độ sử dụng những quyền được quyết định ở khoản 1 Điều 74, đồng thời đưa ra các quy định đặc biệt cho mục đích này. Ban chấp hành có quyền quyết định sử dụng độc quyền các quyền trên hoặc liên kết với một bên thứ ba hoặc hoàn toàn thông qua bên thứ ba”.

 

Điều 75 Điều lệ VFF quy định: Liên đoàn bóng đá Việt Nam là cơ quan duy nhất được trao quyền cho các đối tác về phân phối hình ảnh, âm thanh và những dự liệu khác của các trận bóng cũng như các sự kiện hoạt động bóng đá do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức và không có bất kỳ giới hạn nào về nội dung thời gian, địa điểm, các vấn đề kỹ thuật và pháp lý.

 

Sau khi tiến hành rà soát quá trình ký kết hợp đồng giữa VFF và AVG, Đoàn thanh tra Bộ VH-TT-DL kết luậnVFF đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo đúng các quy định của pháp luật và các quy định của tổ chức này khi ký kết hợp đồng với AVG.
 
Thanh tra kết luận hợp đồng truyền hình VFF- AVG đúng luật - 2
 Chánh thanh tra Vũ Xuân Thành (phải) cho rằng VFF - AVG làm đúng luật - Ảnh: Quang Thắng
 

Về việc tuân thủ Luật Đấu thầu. Thanh tra Bộ kết luận: Việc ký kết hợp đồng giữa VFF và AVG không trái Luật Đấu thầu, bởi này chỉ được áp dụng cho các hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hòa, xây lắp đối với gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn của nhà nước để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của VFF.

 

Về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của AVG, Thanh tra Bộ kết luận: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của An Viên được Sở KH&ĐT Khánh Hòa cấp ngày 7/12/2010 có nội dung thứ 03 (mã ngành 74909) ghi rõ “Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác còn lại chưa được phân vào đâu (Chi tiết: Mua bán, nhận chuyển nhượng bản quyền các công trình khoa học - kỹ thuật, sự kiện trong các lĩnh vực giải trí, thể thao, văn hóa xã hội, ca nhạc)”.

 

Liên quan đến vấn đề giấy phép hoạt động của AVG mà “bầu” Kiên đặt ra. Thanh tra Bộ kết luận: việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá thuộc VFF giai đoạn 2011-2030 với AVG không phụ thuộc vào giấy phép hoạt động truyền hình.

 

Theo công văn số 90/PTTH&TTĐT ngày 3.2.2012 của Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử ( Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định: “Quy định pháp luật về báo chí không giới hạn chỉ có các cơ quan có giấy phép hoạt động báo chí mới được phép mua, bán, chuyển nhượng bản quyền các chương trình truyền hình, bao gồm cả các chương trình thể thao”.

 

Liên quan đến thời hạn hợp đồng 20 năm. Thanh tra Bộ kết luận, từ khi hợp đồng được thực hiện, thời lượng phát sóng trực tiếp các trận bóng đá năm 2011 tăng từ 148 trận (năm 2010) lên 345 trận. Người hâm mộ đang có lợi, vì có nhiều sự lựa chọn xem truyền hình trực tiếp các trận thi đấu bóng đá trong nước, trên kênh truyền hình quảng bá hoặc kênh truyền hình có thu tiền.

 

Các quy định của pháp luật của Việt Nam về dân sự, thương mại, chưa thấy có quy định nào giới hạn về thời hạn của hợp đồng. Đó đó, căn cứ vào nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng được quy định tại Điều 4 và Điều 389 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì thỏa thuận thời hạn 20 năm về chuyển nhượng thương quyền bóng đá giữa VFF và An Viên là không trái pháp luật.

 

Về việc VPF đề nghị xem xét lại bản hợp đồng truyền hình, Thanh tra Bộ kết luận: Tại thời điểm thanh tra, VFF chưa ký hợp đồng giao quyền khai thác thương quyền cho Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Dựa trên kết luận này, về mặt pháp lý VPF chưa được pháp luật công nhận là đơn vị khai thác thương quyền .

 

Chí Thành