Vòng 8 V-League yên ả với các trọng tài
(Dân trí) - Chưa có sự cố lớn liên quan đến trọng tài ở vòng 8 V-League. Cũng chưa thấy đội nào phản ứng quá dữ dội các ông vua sân cỏ sau vòng đấu cuối tuần qua. Một tuần trôi đi khá yên ả có thể xem là hiếm đối với đội ngũ trọng tài suốt từ đầu V-League đến giờ.
Thật ra thì như đã nói, chẳng có trọng tài ở đâu trên khắp thế giới không sai sót. Các đội bóng cũng không đến mức phản ứng thái quá một hay một vài lỗi của giới “vua sân cỏ”, nếu lỗi đấy thuần về nhận định.
Chỉ có điều, khi những lỗi nhận định như thế cứ nối tiếp nhau theo cách có hệ thống, liên tục gây ức chế cho 1 đội, rồi làm lợi cho đội còn lại, thì hẳn các đội bóng không thể ngồi yên.
Cách Long An phản ứng trọng tài Nguyễn Trọng Thư trong sự cố trên sân Thống Nhất tối 19/2 tương tự như thế. Đội bóng miền Tây Nam bộ cho biết họ phản ứng vì những quyết định của ông Thư trong trận đấu đó liên tục khiến họ gặp bất lợi, trong khi Ban trọng tài không có bất cứ lời giải thích nào về chuyện trọng tài Thư có hoàn thành nhiệm vụ hay không? Rồi tại sao ở những tình huống nhạy cảm nhất, ông Thư chỉ gây ức chế cho đội Long An, làm lợi cho CLB TPHCM?
Ở vòng 8, chưa xảy ra những hiện tượng và những hồi còi như thế, nên phản ứng của các đội với giới trọng tài cũng không gay gắt. Đấy có thể là tín hiệu mừng đầu tiên, sau động thái chấn chỉnh công tác phân công trọng tài, từ những nhà điều hành V-League.
Giới trọng tài nội bị mất niềm tin vì hoạt động quá khép kín, không có sự giám sát và không có sự thông tin đa chiều với các bộ phận khác tham gia vào nền bóng đá. Giới trọng tài nội bị mất niềm tin vì tình trạng tập trung quyền lực quá lớn vào một – hai nhân vật trong Ban trọng tài, khiến khâu điều hành bị cho là thiếu khách quan.
Vấn để của giới trọng tài bây giờ là khôi phục lại niềm tin, mà giải đấu tốt lên, công tác trọng tài công tâm, khách quan, niềm tin đấy sẽ tự động trở lại.
Chả ai muốn ra sân để tranh cãi, nhất là tranh cãi với trọng tài. Cũng chẳng đội nào muốn tạo scandal bằng cách phản ứng thái quá. Thành ra, những người điều hành cuộc chơi cũng đừng đẩy họ vào tình trạng tranh cãi, đừng đẩy các bên vào trạng thái mất niềm tin lẫn nhau.
Nếu V-League là cuộc đua đẹp, sòng phẳng về mặt chuyên môn, giải đấu sẽ tự động hấp dẫn, khán giả sẽ tự động đến sân nhiều hơn, như những gì mà môn bóng rổ nhà nghề đang thực hiện thành công tại Việt Nam.
Ở cuộc đua về chuyên môn đấy, không nên có tình trạng một ông chủ nhiều đội bóng tồn tại. Câu chuyện vừa nêu cũng gây mất niềm tin nơi người hâm mộ giống hệt câu chuyện trọng tài.
Tạm thời thì Thanh Hoá đang dẫn đầu V-League với khoảng cách 5 điểm so với các đối thủ gần nhất. Nhưng đây mới là đầu lượt đi. Vẫn còn cả chặng đường dài trước mắt. Trên chặng đường ấy, người ta mong đội bóng xứ Thanh đừng rơi vào cảnh “xa luân chiến” với hàng loạt đội bóng cùng chịu ảnh hưởng của một ông bầu, khiến Thanh Hoá nếu rơi vào cảnh đó chắc chắn sẽ bị thiệt.
Giải quyết niềm tin về tính sòng phẳng của V-League, giải quyết vấn đề niềm tin vào giới trọng tài, V-League chắc chắn sẽ mang bộ mặt khác hẳn so với bây giờ.
Mà để làm tốt tất cả những khâu đấy, bản thân những nhà quản lý của bóng đá nội cũng phải thật khách quan, tránh những lời đồn thổi quá thân với một vài đội bóng như thời gian vừa rồi, để hoàn toàn công tâm khi phân xử các tồn đọng của bóng đá nội.
Một vòng đấu yên ả tại V-League trôi qua. Vòng đấu yên ả hiếm hoi từ đầu giải đến giờ, cũng là khoảng không cần thiết cho giải đấu trong việc định hướng lại, đưa người xem trở lại với các sân bóng.
Kim Điền