Vòng 7 V-League: Khán giả tiếp tục giảm và trọng tài tiếp tục... sai

(Dân trí) - Kiểu gì thì V-League vẫn phải diễn ra, kể cả sau nhiều biến động lớn của bóng đá nội. Chỉ có điều, giải đấu diễn ra trong lặng lẽ, giữa các khán đài thưa thớt khán giả và câu chuyện trọng tài vẫn chưa có hồi kết.

Lượng khán giả tỷ lệ nghịch với số lượng sự cố

Chỉ có tổng cộng 37.000 người xem cả 7 trận đấu tại vòng 7 V-League, có lẽ chưa bằng số khán giả xem 1 trận ở các giải đấu chuyên nghiệp thực thụ trên khắp thế giới. Tính bình quân, có hơn 5.200 người/trận.

Con số trên đã là quá thấp, cho dù chính con số đấy có thể cũng cao hơn số thực, bởi thói quen ước lượng khán giả cao hơn thực tế của nhiều giám sát trận đấu. Sân bóng V-League vốn đã vắng người xem, nay còn có nguy cơ vắng hơn sau “sự cố Long An” cách nay 1 tuần.

Sân Thống Nhất nơi xảy ra sự cố đấy chỉ thu hút khoảng 3.000 người dự khán trận CLB TPHCM – Cần Thơ, bất chấp quyền chủ tịch CLB bóng đá TPHCM Lê Công Vinh dùng rất nhiều phương pháp để kéo khán giả đến với mình: Công Vinh tặng vé cho khán giả du lịch Thái Lan ở vòng đấu trước, thuê ca sĩ hàng hot của làng giải trí Việt là Sơn Tùng MTP đến biểu diễn ở vòng này.

Sân Thống Nhất càng lúc càng vắng người xem... (ảnh: Trọng Vũ)
Sân Thống Nhất càng lúc càng vắng người xem... (ảnh: Trọng Vũ)

Bản thân Công Vinh và vợ anh, ca sĩ Thuỷ Tiên, vốn cũng đã là những thương hiệu mạnh trong 2 lĩnh vực thể thao và giải trí, nhưng sức hút của CLB TPHCM trong mắt người hâm mộ bóng đá thực thụ vẫn không lớn.

Người hâm mộ TPHCM vốn đã “kén” bóng đá, bây giờ họ có lẽ còn dè dặt hơn nữa sau những trò lố trên sân cỏ V-League, giữa sự điều hành kém cỏi của BTC giải đấu, giữa những hồ nghi về giới trọng tài, và cao hơn nữa là giữa sự mất niềm tin vào khả năng điều hành bóng đá nội của bộ máy VFF.

Không trận đấu nào đạt đến con số vạn người xem, sân Nha Trang và sân Vinh trước đây vốn nổi tiếng cuồng nhiệt giờ đã hạ nhiệt. Sân Long An ngỡ sẽ đầy sức hút với chính đội chủ nhà đang gắng gượng đứng dậy, lại tiếp dàn cầu thủ giàu sức hút nhất nước mang tên Công Phượng và các đồng đội cũng chỉ có 8.000 người vào sân (con số qua báo cáo của giám sát, thực tế có thể chưa đến số ấy).


... bất chấp sự xuất hiện của ca sĩ thuộc hàng hot trong giới trẻ Sơn Tùng MTP (ảnh: K.Đ)

... bất chấp sự xuất hiện của ca sĩ thuộc hàng hot trong giới trẻ Sơn Tùng MTP (ảnh: K.Đ)

Khán giả giảm, liên tục giảm, có lẽ cũng đã đến lúc VPF nên xem lại năng lực điều hành giải đấu của BTC giải V-League, một khi lượng khán giả cứ tỷ lệ nghịch với số lượng sự cố trên sân cỏ.

Trọng tài vẫn là tâm điểm của sự chú ý

Trên sân Long An, trọng tài Trần Đình Thịnh làm ngơ trước 2 pha bóng chạm tay của cầu thủ Long An trong khu vực 16m50, khiến HA Gia Lai mất oan 2 quả phạt đền, và HLV Nguyễn Quốc Tuấn của đội khách đã phải phản ứng ngay lúc đó.

Tuy nhiên, may mà cuối cùng HA Gia Lai vẫn thắng, nên sự việc chưa bị đẩy đi quá xa. Bằng ngược lại thì có thể sau vòng 7, đến lượt đội bóng của bầu Đức sẽ lên tiếng về các quyết định của giới vua sân cỏ.

Ở sân Thống Nhất, còi vàng năm ngoái Nguyễn Ngọc Châu cũng có một số quyết định khó hiểu và bị đội khách Cần Thơ phản ứng. Tuy nhiên, về mặt mức độ, các quyết định của các ông Trần Đình Thịnh và Nguyễn Ngọc Châu chưa gây bức xúc bằng các quyết định của trọng tài Nguyễn Trọng Thư trên sân Thống Nhất tối 19/2, nên các phản ứng chỉ ở mức vừa phải.

Còi vàng Nguyễn Ngọc Châu đôi phen cũng bị đội Cần Thơ phản ứng ở vòng 7 (ảnh: Trọng Vũ)
Còi vàng Nguyễn Ngọc Châu đôi phen cũng bị đội Cần Thơ phản ứng ở vòng 7 (ảnh: Trọng Vũ)

Phản ứng của các đội HA Gia Lai và Cần Thơ nhằm vào các trọng tài Trần Đình Thịnh và Nguyễn Ngọc Châu chưa bị đẩy lên mức đỉnh điểm như Long An phản ứng trọng tài Nguyễn Trọng Thư, vì thật ra thì các trọng tài Thịnh và Châu chưa có kiểu thổi gây ức chế như trọng tài Thư cách nay 1 tuần. Họ không có kiểu thổi chỉ làm lợi cho 1 đội và gây thiệt cho đội còn lại trong mọi quyết định nhạy cảm nhất trận.

Vấn đề khi các đội bóng khi phản ứng trọng tài cũng ở chỗ đó, họ có thể chấp nhận một quyết định, cho dù là quyết định gây tranh cãi của các trọng tài, nhưng nếu các quyết định tranh cãi đấy cứ lặp đi lặp lại theo hệ thống, theo hướng chỉ làm lợi cho 1 đội duy nhất, thì vấn đề sẽ khác. Chứ không ai bảo trọng tài không được phép sai, mà quan trọng là sai theo hướng nào?

Tuần trước, Long An phản ứng trọng tài Nguyễn Trọng Thư cũng vì lẽ đó. Họ phản ứng ông Thư không phải chỉ vì quả phạt đền ở phút 80 lịch sử nọ, mà phản ứng vì hầu hết các quyết định nhay cảm nhất trong trận CLB TPHCM – Long An ngày hôm ấy, các quyết định có thể thay đổi kết quả trận đấu, đều theo hướng làm lợi cho đội bóng thành phố và gây thiệt hại nặng nề cho đội bóng miền Tây Nam bộ.

Và nhắc đến trọng tài Nguyễn Trọng Thư, sau sự cố ở sân Thống Nhất, ông Thư vẫn xuất hiện ở sân Hàng Đẫy chiều 26/2, trong vai trò trọng tài thứ 4, trận Hà Nội FC tiếp B.Bình Dương, chứng tỏ ông chẳng bị kỷ luật gì, dù trước đó các sếp của ông tại Ban trọng tài chưa hề nói rõ là ông Thư điều hành trận đấu gây sự cố tối 19/2 là tốt hay không tốt?

V-League bị giảm niềm tin cũng vì lẽ đấy, người điều hành giải đấu, nhà điều hành bóng đá nội luôn quyết làm rõ trắng – đen trong các sự cố liên quan đến các đội bóng, nhưng riêng về khâu tổ chức, liên quan đến các bộ phận tổ chức giải, trong đó có giới trọng tài, dư luận hiếm khi nhận được kết luận thẳng thắn là giới này ra sao?!

Kim Điền

Vòng 7 V-League: Khán giả tiếp tục giảm và trọng tài tiếp tục... sai - 4

Dòng sự kiện: V-League 2017