U22 Việt Nam thua đau đớn Indonesia: Bài học lớn để trưởng thành
(Dân trí) - Sau 2 lần liên tiếp giành HCV bóng đá nam SEA Games nhờ kinh nghiệm và bản lĩnh của những cầu thủ ngoài 23 tuổi được bổ sung, U22 Việt Nam giờ thua vì thiếu kinh nghiệm, thiếu bản lĩnh.
Ngoài vấn đề về mặt kỹ thuật và khâu tổ chức trong phòng ngự, xung quanh các bàn thua, U22 Việt Nam bộc lộ rõ sự non nớt, nhất là từ thời điểm chúng ta đá hơn người.
Kỳ thực, bàn gỡ hòa 2-2 của U22 Việt Nam (diễn ra trong bối cảnh U22 Indonesia chỉ còn chơi với 10 người) đến từ tình huống đá phản lưới nhà của đối thủ (Amiruddin là người đá phản), chứ không phải đến từ các pha dứt điểm của các cầu thủ U22 Việt Nam.
Đá hơn người từ phút 60, thêm 8 phút bù giờ (thực tế thời gian bù giờ có thể hơn 10 phút), cộng thêm 30 phút hiệp phụ, nếu tỷ số 2-2 được giữ nguyên đến hết hai hiệp chính, đoàn quân HLV Troussier có quá nhiều lợi thế. Về lý thuyết, nếu không có bàn thua thứ 3 ở phút bù giờ thứ 6 của hiệp hai, U22 Việt Nam sẽ đá hơn người gần 70 phút, tính luôn hai hiệp phụ.
Với thời tiết oi bức tại Phnom Penh, với tình trạng 10 cầu thủ Indonesia chống 11 cầu thủ Việt Nam trong khoảng thời gian rất dài như thế, chắc chắn cầu thủ Indonesia sẽ bị bào mòn thể lực. Đấy là thực tế có lợi cho U22 Việt Nam.
Chính vì vậy, đội bóng của HLV Philippe Troussier không việc gì phải nôn nóng ở phần còn lại của trận đấu, sau khi chúng ta đã gỡ hòa 2-2 (ở phút 78). Chúng ta cứ việc từ tốn dồn đối thủ vào thế hụt hơi, trước khi kết liễu đối phương, không phải ở hai hiệp chính thì cũng sẽ là ở hiệp phụ.
Thế nhưng, những gì diễn ra trên sân lại cho thấy các cầu thủ U22 Việt Nam thể hiện điều ngược lại, họ vội vã và nôn nóng cứ như thể chúng ta đang ở thế bất lợi chứ không phải thế có lợi.
Các chân sút vội vã dứt điểm từ xa, còn các tiền vệ thực hiện quá nhiều đường chuyền dài, trong khi U22 Việt Nam vẫn còn thừa người bên phần sân đối phương, đồng nghĩa với việc có thể phối hợp nhóm rồi buộc đối thủ phải đuổi theo bóng đến kiệt sức.
Đấy là vấn đề thuộc về bản lĩnh và kinh nghiệm. Một đội bóng giàu bản lĩnh là đội bóng biết khi nào cần nhanh và khi nào cần chậm, không nhất thiết trong cùng một trận đấu chơi với một nhịp điệu giống nhau.
Vì yếu bản lĩnh và thiếu kinh nghiệm mà khi bước vào khoảng thời gian bù giờ của hiệp thi đấu thứ hai, thay vì đá chắc chắn, đảm bảo an toàn cho khâu phòng ngự, chờ hiệp phụ, chờ đối phương bị vắt kiệt sức, U22 Việt Nam lại đẩy cao đội hình đá dồn dập, dẫn đến mỏng người bên phần sân nhà.
Hệ quả là khi U22 Indonesia cướp được bóng ở phút bù giờ thứ 6 của hiệp hai, họ phản công đánh vào hàng thủ đã dâng cao của đội bóng trong tay HLV Philippe Troussier rồi ghi bàn thắng quyết định, ấn định chiến thắng 3-2.
Một đội bóng giàu bản lĩnh và có kinh nghiệm không bao giờ để thua như thế, khi đang chơi hơn người, thế nên U22 Việt Nam lộ rõ sự non nớt về mặt này.
Đấy là chưa tính đến khả năng chống phản công và kỹ năng phòng ngự của toàn đội cũng có vấn đề. 4 trận liên tiếp, lần lượt gặp Singapore (đá phản lưới nhà), Malaysia (thủ môn vồ hụt bóng), Thái Lan (trung vệ cuối cùng ở hàng thủ trượt ngã dù không bị tranh chấp), Indonesia (thủ môn chọn sai điểm rơi sau pha ném biên của đối phương ở bàn thua thứ hai), trận nào chúng ta cũng phải nhận các bàn thua lãng xẹt.
Dĩ nhiên, trong bóng đá có thắng có thua, nhưng về phía U22 Việt Nam, có sai phải sửa. Thất bại trước U22 Indonesia thôi thì cũng là bài học quý cho toàn đội, để trưởng thành hơn trong tương lai.