U23 Việt Nam bị loại ở giải U23 châu Á: Kỳ tích không thể lặp lại
(Dân trí) - Kỳ tích vào đến chung kết giải U23 châu Á không thể tái hiện với U23 Việt Nam trong năm nay. Nhưng bất cứ thất bại nào cũng sẽ là bài học quý, khi chúng ta trưởng thành từ thất bại của chính mình.
So với đội U23 từng tạo nên kỳ tích tại Thường Châu (Trung Quốc) cách nay 2 năm, đội tuyển U23 Việt Nam của hiện tại có nhiều điểm chưa sánh bằng. Rõ nhất là về mặt con người và mặt kinh nghiệm của những con người mà chúng ta đang sở hữu.
Điều đó dẫn đến nhiều vị trí trong đội hình của đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Park Hang Seo trong năm nay mắc nhiều sai lầm trong thi đấu, thậm chí tính trong khuôn khổ giải U23 châu Á vừa diễn ra, đấy còn là sai lầm thuộc dạng không thể cứu vãn.
Nhưng bất cứ cuộc chơi nào cũng có lúc thắng lúc thua, chuyện thắng – thua trong bóng đá càng là chuyện bình thường. Điều quan trọng là sau những lần thất bại, những giải đấu thất bại như giải đấu này, U23 Việt Nam nói riêng, các cầu thủ Việt Nam và giới bóng đá Việt Nam nói chung rút ra được gì từ thất bại của chính mình?
Cũng cần biết rằng trước khi thành công ở giải U23 châu Á năm 2018, lứa cầu thủ của 2 năm về trước từng trải qua thất bại ê chề tại SEA Games năm 2017, trên đất Malaysia.
Để rồi từ thất bại đấy, nhiều cầu thủ của chúng ta trưởng thành hơn, kinh nghiệm hơn, kể cả đấy là những tài năng mà sau này nổi tiếng khắp nước như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Vũ Văn Thanh, hay Đoàn Văn Hậu.
Tình cảnh của những Trọng Hùng, Bảo Toàn, Ngọc Bảo, Thanh Thịnh… năm nay cũng vậy. Họ bị chê nhiều hơn khen, nhiều người trong số này mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác tại giải đấu U23 châu Á đang diễn ra.
Nhưng đấy là những sai lầm mà bước đầu xuất phát từ sự thiếu kinh nghiệm. Khi kinh nghiệm tốt hơn, khi đứng dậy từ sai lầm của chính mình, các cầu thủ hiện nay có thể sẽ thi đấu tốt hơn trong tương lai, sau khi họ điềm tĩnh hơn, chín chắn hơn từ va vấp của chính họ ngày hôm nay.
Vả lại, sẽ là lạc quan tếu nếu nói rằng chỉ bằng một vài giải đấu gây ấn tượng trong khoảng 2 năm qua, mà chúng ta đã sánh ngang với trình độ châu Á. Chúng ta vẫn chưa tiến đến trình độ ấy, nên việc không vượt qua được vòng đấu bảng của giải châu Á, cũng chẳng phải là thảm hoạ.
Có chăng, chỉ là việc chúng ta nhìn nhận thực tế rằng chất lượng phát triển nguồn cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam vẫn chưa đồng đều, lứa sau chưa chắc được như lứa trước, thể hiện thông qua thành tích mà từng lứa đạt được.
Nhìn nhận đúng để làm tốt hơn, để cải thiện khầu đào tạo, và đặc biệt là cải thiện khâu hoạch định chiến lược đào tạo từ cấp quản lý nền bóng đá, nhằm tiến tới sự ổn định về chất lượng cầu thủ trong tương lai gần.
Và nếu đã gọi hành trình đẹp ở giải U23 châu Á 2 năm trước là “kỳ tích”, cũng đồng nghĩa với việc khó có chuyện kỳ tích lặp đi lặp lại.
Ví dụ như trường hợp của thủ môn Bùi Tiến Dũng, sau kỳ tích ở Thường Châu năm 2018, thủ thành này trở lại với hình ảnh thiếu ổn định về mặt chuyên môn suốt 2 năm qua, lặp đi lặp lại những sai sót trong thi đấu, xuất phát từ sự không được đào tạo lớp lang về mặt chuyên môn (những sai lầm của Bùi Tiến Dũng không còn có thể xem là do phong độ nữa, mà phải đánh giá chính xác đó là do năng lực).
Hình ảnh của bóng đá trẻ Việt Nam hiện tại cũng tương tự như thế, tức là chúng ta có thể tạo nên những điều thần kỳ (ở cấp độ châu lục) trong những ngày đẹp trời, với sự hưng phấn cao độ.
Nhưng dĩ nhiên, không phải ngày nào cũng là ngày đẹp trời khi đá giả. Vả lại, nếu bảo rằng những điều thần kỳ như thế là năng lực chung của toàn bộ nền bóng đá thì càng không phải! Rằng chúng ta vẫn cần thời gian, cần những bước phát triển đúng hướng và đồng bộ nữa, đặc biệt là ở khâu đào tạo và khâu vận hành giải trong nước, rồi mới tiến đến sự ổn định!
Kim Điền