(Dân trí) - Đại cục bóng đá châu Âu 30 năm qua chứng kiến Serie A từ đỉnh xuống đáy, Ngoại hạng Anh từ đáy lên đỉnh. Và những thế lực cựu trào như MU, Real, Barca hay Juve phải giãy giụa giữa cơn lũ "vàng đen".
Đại cục bóng đá châu Âu 30 năm qua chứng kiến Serie A từ đỉnh xuống đáy, Ngoại hạng Anh từ đáy lên đỉnh. Và những thế lực cựu trào như MU, Real, Barca hay Juve phải giãy giụa giữa cơn lũ "vàng đen" (dầu mỏ).
Bên trong sân Marcantonio Bentegodi, tiếng khóc vọng ra từ cuối hành lang. Pietro Fanna nghe rõ. Không giấu được sự tò mò, thủ quân Verona tiến gần hơn đến nơi có thứ thanh âm não nùng. Đó là phòng thay đồ dành cho đội khách, nơi thầy trò Arrigo Sacchi của AC Milan quần tụ. 1 tháng sau, Milan đó đánh bại Benfica tại Vienna để bảo vệ thành công chức vô địch C1, củng cố vị thế một trong những đội bóng vĩ đại nhất lịch sử.
Phải đến năm 2017, với chiến thắng của Real Madrid trước Juventus, 27 năm sau, mới có một đội bóng khác đăng quang tại đấu trường danh giá nhất châu Âu 2 lần liên tiếp.
Chức vô địch của Milan đảm bảo lần đầu tiên và đến hiện tại cũng là duy nhất, cả ba chiếc cúp châu Âu về cùng một nước.
Giống như Luciano Pavarotti ngân những nốt cao, quốc gia sắp đăng cai World Cup có sự chuẩn bị thật chót vót. Gianluca Vialli lập cú đúp giúp Sampdoria vượt qua Anderlecht trong trận chung kết cúp C2. Tại cúp C3, Juventus đánh bại Fiorentina trong trận chung kết toàn Ý. Đó là sự khởi đầu cho một thập kỷ thống trị của Serie A trên sân cỏ và trong trái tim người hâm mộ.
Nếu cần thêm bất kỳ hình ảnh nào minh họa cho sức mạnh khủng khiếp của Serie A, thì cả 4 đội bóng Ý góp mặt ở các trận chung kết cúp châu Âu đều không thể giành Scudetto 1989/90. Tiếng khóc Fanna nghe thấy từ phòng thay đồ Milan không phải giọt nước mắt hạnh phúc mà là nước mắt của sự tuyệt vọng. Thầy trò Sacchi khóc vì họ đã hết cơ hội giành Scudetto.
Đội đăng quang là Napoli của Cậu bé vàng Maradona. Đó là vinh quang cuối cùng huyền thoại người Argentina giành được trên xứ sở hình chiếc ủng. Tháng 3/1991, ông bị treo giò 15 tháng vì dương tính với cocaine. Không bao giờ ông khoác áo đội bóng thành Naples hay chơi bóng tại Serie A thêm lần nào nữa.
Sự ra đi của Maradona ảnh hưởng nặng nề đến Napoli nhưng không gây thiệt hại cho sức mạnh của bóng đá Italia. Serie A không chỉ có một ngôi sao. Giải đấu này quy tụ hằng hà sa số ngôi sao. Lúc bấy giờ, Quả bóng vàng Lothar Matthaus khoác áo Inter Milan còn cầu thủ đắt giá nhất thế giới, Roberto Baggio vừa gia nhập Juventus.
Italia là miền đất hứa cho những ngôi sao hàng đầu. Trước khi Baggio chuyển đến từ Fiorentina vào mùa Hè 1990, 11 trong số 13 bản hợp đồng kỷ lục thế giới được thực hiện bởi các đội bóng tham dự Serie A. Sau đó, 6 lần khác các CLB đến từ Italia thiết lập kỷ lục chuyển nhượng mới. Về thành tích, trong những năm 90, Serie A giành tổng cộng 13 trên tổng số 30 cúp châu Âu (C1-C2-C3) và đóng góp tới 25 đội tham dự các trận chung kết.
Thời kỳ này hình thành nên thuật ngữ "7 bà chị", để chỉ 7 đội bóng hùng mạnh nhất Serie A thập niên 1990. Bao gồm Juventus, AC Milan, Inter Milan, Lazio, AS Roma, Parma và Fiorentina. Ngoài ra, Sampdoria hay Napoli cũng sở hữu lực lượng hết sức đáng gờm. Napoli, như đã đề cập, đã đăng quang Serie 1989/90. Đến mùa 1990/91, Sampdoria là nhà vô địch. Để rồi 1 năm sau, đội bóng này lọt vào chung kết cúp C1 và để thua Barcelona với Dream Team của Johan Cruyff trong trận chung kết. Những huyền thoại từng khoác áo Sampdoria ngoài Vialli có thể kể đến Lombardo hay Ruud Gullit.
Ở đẳng cấp cao nhất, Serie A sở hữu 6 Quả bóng vàng trong thập niên 90 và mọi ngôi sao lừng lẫy nhất đều hội tụ về giải đấu này. Paul Gascoigne, ngôi sao lớn nhất của bóng đá Anh khoác áo Lazio. Ronaldo, tài năng xuất chúng của bóng đá Brazil bỏ Barcelona để đến Inter Milan. Zinedine Zidane, biểu tượng mới của bóng đá Pháp thi đấu cho Juventus. Gabriel Batistuta, chân sút số một của Argentina là biểu tượng ở Fiorentina.
Đồng đội của Batigol có Rui Costa, ngôi sao trong thế hệ vàng của bóng đá Bồ Đào Nha. Rồi những người Hà Lan bay như Edgar David hay Dennis Bergkamp đều từng tung hoành trên xứ sở hình chiếc ủng. Những ngôi sao dường như nhiều vô kể…Vì vậy, trong thập niên 90, bóng đá Ý thống trị châu Âu là điều không phải bàn cãi.
Đỉnh của người Ý là đáy của người Anh và ngược lại. Có thể đúc rút về thế lớn trong bóng đá lục địa già một câu như vậy. Bóng đá Anh xuống đáy với thảm họa Heysel vào năm 1985. Bị UEFA cấm vận, nền bóng đá vốn thủ cựu của đảo quốc sương mù lại càng thêm hủ lậu. Giải VĐQG nước này bị miêu tả bằng hai từ "nhếch nhác". Trước thực trạng quá sức tồi tệ của nền bóng đá, các CLB nhóm họp và quyết định ly khai để thành lập Premier League (Ngoại hạng Anh) nhằm cải thiện chất lượng.
25 năm sau, từ giải đấu chỉ có tổng trị giá 50 triệu bảng, Ngoại hạng Anh chi phối cả châu Âu với tổng giá trị các CLB lên tới 10 tỷ bảng nhưng đó là chủ đề dành cho phần cuối của bài viết. Còn trở lại với những năm cuối 1990 đầu 2000, giải đấu cao nhất của xứ sở sương mù đã có nhiều cải tiến tích cực và dần bắt kịp với thời đại. MU giành cú "ăn ba" diệu kỳ năm 1999 là cú hích cực lớn để không chỉ Quỷ đỏ mà cả giải đấu có được đà bứt phá ngoạn mục sau này.
Trong khi đó, bóng đá Ý có dấu hiệu chững lại và đi xuống từ những năm đầu 2000. Những ngôi sao bắt đầu chuyến đến nơi khác và lượng CĐV đến sân ngày càng giảm sút. Đến mùa 2006/07, sau vụ bê bối Calciopoli khét tiếng, trung bình lượng khán giả đến sân chưa đến 20.000. Serie A không còn ở vị thế kẻ thống trị. Thay vào đó là La Liga, với Real Madrid và Barcelona. Suốt một thời gian dài, hai đội bóng đại kình địch này tạo cảm giác mọi con đường đều hướng đến El Clasico.
Real Madrid thống trị những năm đầu thập kỷ 2000, với 2 chức vô địch Champions League và chính sách Galacticos. Zidane bỏ Juve sang Real. Ronaldo bỏ Inter sang Real. Beckham cũng gia nhập đội bóng Hoàng gia. Nhưng trước nhất là vụ chuyển nhượng kinh thiên động địa bậc nhất lịch sử với Luis Figo của chính đại kình địch Barcelona. Florentino Perez lộ mặt là Bố già của thị trường chuyển nhượng. Nhưng không chỉ là câu chuyện mua bán. Vị chủ tịch của Real Madrid còn phát triển cả một chiến lược kinh doanh xung quanh những vì tinh tú ông đưa về Santiago Bernabeu.
Nếu để ý, không khó nhận ra những galactico của Real Madrid đều là những cái tên có sức hút lớn với truyền thông và mỗi nhân vật lại có một "thị trường" riêng biệt. Raul Gonzalez, thủ quân, biểu tượng không chỉ của Real mà cả ĐT Tây Ban Nha nghiễm nhiên là số một ở thị trường nội địa. Quốc gia lân bang có Luis Figo (Bồ Đào Nha) và Zidane (Pháp). Zizou với gốc gác Algeria còn có thể mở rộng thị phần sang Bắc Phi. Ronaldo là ngôi sao sáng nhất của bóng đá Nam Mỹ. Còn Beckham đơn giản là ông vua quảng cáo. Tài tử đá bóng này tạo ảnh hưởng lớn ở Anh quốc, Bắc Mỹ và châu Á.
Trái ngược với sự hào nhoáng của Real Madrid, Barcelona hướng đến sự mộc mạc và cảm hứng diệu vợi trên sân cỏ. Do đó, biểu tượng của đội bóng này là những tài nghệ tuyệt luân trên sân cỏ. Từ Ronaldinho đến Messi, Xavi hay Iniesta. Nhờ những ngôi sao này, cùng một triết lý bóng đá thâm sâu và cách làm bóng đá căn cơ từ đào tạo trẻ, Barca trở thành thế lực thống trị những năm cuối thập niên 2000 và đầu 2010, thậm chí tạo thành những tập thể thuộc hàng xuất chúng bậc nhất lịch sử.
Để có thể bắt kịp đại kình địch, Real Madrid phải đổ không biết bao nhiêu tiền của để xây dựng Galacticos 2.0. Riêng kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2009, đội bóng Hoàng gia đã chi ra tới 261 triệu euro để tăng cường lực lượng, với những ngôi sao hàng đầu như Kaka, Benzema, Xabi Alonso hay đặc biệt là siêu sao Cristiano Ronaldo, với mức phí chuyển nhượng kỷ lục thế giới. Barca cũng chẳng phải dạng vừa. Đội bóng xứ Catalonia cũng chi mạnh tay cho cuộc chạy đua vũ trang. Ibrahimovic, David Villa, Neymar hay Suarez đều là những bản hợp đồng bom tấn. Tựu trung, Real và Barca tạo cảm giác mọi ngôi sao đều trên đường về dự El Clasico.
Trong giai đoạn bóng đá Tây Ban Nha lũng đoạn châu Âu, bóng đá Anh tiếp tục phát triển một cách toàn diện về mọi mặt, đặc biệt là chất lượng và giá trị. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin khiến tiền bản quyền truyền hình tăng vọt, qua đó giúp các đội bóng Ngoại hạng Anh thu được nguồn lợi lớn mà những nền bóng đá khác không thể có được.
Tiền không chỉ mang đến sự phồn thịnh mà còn khơi gợi các nhà đầu tư.
Tiên phong là Roman Abramovich, chủ sở hữu của Chelsea. Tỷ phú người Nga mua lại The Blues vào năm 2003 và biến đội bóng này trở thành một trong những thế lực lớn nhất của bóng đá Anh lẫn châu Âu. Tài sản của vị doanh nhân này hiện tại ước tính vào khoảng 10 tỷ bảng. 5 năm sau, Hoàng gia UAE đặt chân đến thành Manchester. Đó là Sheikh Mansour, người ước tính sở hữu khối tài sản 23,2 tỷ bảng, với thương vụ mua lại Man City và biến The Citizens trở thành kẻ thống trị bóng đá Anh. Và mới đây nhất, đầu tháng 10 năm nay, Quỹ đầu tư công Saudi Arabia, với khối tài sản ước tính 320 tỷ bảng, đã mua lại Newcastle United.
Không khó để nhận ra, cứ nhà đầu tư sau lại giàu hơn nhà đầu tư trước và đều kinh doanh trong lĩnh vực dầu mỏ, hay còn gọi là vàng đen. Một cơn lũ vàng đen đã và đang tràn qua lục địa già và khiến những ông lớn cựu trào giãy giụa. Ngoài 3 đội bóng của Ngoại hạng Anh, cũng cần kể thêm PSG, đội bóng Pháp thuộc sở hữu của Qatar Investment Authority, quỹ tài chính quốc gia Qatar với tài sản cũng ước tính 300 tỷ bảng.
Với những đội bóng được hậu thuẫn tài chính mạnh mẽ tới mức tiêu tiền không phải nghĩ như vậy, UEFA đã phải soạn ra luật công bằng tài chính. Song, mọi sự công bằng đều mang tính tương đối và thực tế những ông lớn cựu trào, kể cả Real Madrid hay Barcelona đều đuối sức trong cuộc chạy đua tiền bạc với những trọc phú.
Điều thú vị, có thể ví PSG là Real Madrid, Man City là Barca phiên bản vàng đen. Bằng chứng là PSG đã thay Real trở thành đội bóng lũng đoạn thị trường. Những thương vụ Mbappe và Neymar hè 2017 chính là rập khuôn nhân đôi phí chuyển nhượng của Kaka và Ronaldo hè 2009. Ngoài việc chi tiền, PSG còn chi lương hậu hĩnh để chèo kéo những ngôi sao, điển hình như Messi và Ramos trong kỳ chuyển nhượng hè vừa qua. Real đơn giản không đủ tiền của để đua theo cách đó. Thế nên, sân Công viên các Hoàng tử đang trở thành nơi hội tụ của những vì tinh tú của bóng đá thế giới.
Man City phát triển một cách lớp lang hơn. Nguyên bộ sậu cấu tạo nên đế chế Barca đang làm việc tại Etihad. Đó là Ferran Soriano, Giám đốc điều hành, Txiki Begiristain, Giám đốc thể thao, và Pep Guardiola, HLV. Những thuộc cấp của Pep thì vẫn y nguyên như thời Barca, với Manel Estiarte, Domenec Torrent, Carles Planchart và Lorenzo Buenaventura. Thế nên, chẳng có gì lạ khi Man City đang chơi thứ bóng đá áp đặt hấp dẫn và ma mị như Barca đã từng. Còn Barca? Khi đã mất hết tinh túy, những khối óc cho Man City và đôi chân tài hoa nhất cho PSG, gã khổng lồ xứ Catalonia thực chẳng khác nào bộ xương khô trong mả.
Trở lại với Ngoại hạng Anh, thực tế những đại gia cựu trào như Liverpool, Man United hay Arsenal cũng rơi vào tay những ông chủ nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà đầu tư này đều đến từ Mỹ, thế nên họ sử dụng các CLB thuộc quyền như những doanh nghiệp kiếm tiền không hơn không kém. Với Man Utd hay Arsenal, hai thế lực đầu tiên của kỷ nguyên Ngoại hạng Anh, sự hiện diện của nhưng ông chủ người Mỹ cũng là một nỗi buồn không nhỏ. Dù vậy, tiềm lực của những đội bóng giàu truyền thống này vẫn rất đáng nể.
Thế nên, từ Big Four những năm đầu thập niên 2000, Ngoại hạng Anh đã hình thành Big Six, với Man Utd, Man City, Chelsea, Liverpool, Arsenal và Tottenham. Riêng những mùa giải gần đây còn hình thành Big Four trong lòng Big Six, tức 4 đội bóng có thực lực hơn hẳn và thường trực giành vé dự Champions League. Đó là Chelsea, Man City, Liverpool và Man Utd. Và lịch sử luôn phát triển theo hình trôn ốc. 30 năm sau ngày các đội bóng Anh quyết định cải tổ, ở thời điểm Serie A bước vào chu kỳ hoàng kim với 7 bà chị, Ngoại hạng Anh cũng đang dần hình thành 7 thế lực, ngoài Big Six là Newcastle hứa hẹn trở thành trọc phú mới.
Trong 7 bà chị Serie A, Juventus có thể xem là "chị đại". Lão bà có thể kém về thành tích ở cúp châu Âu nhưng luôn ổn định ở trận địa trong nước. Thế nên bất chấp Calciopoli, Bà đầm già thành Turin vẫn là thế lực số một ở Italia suốt nhiều năm qua, trong khi AC Milan, Inter Milan, AS Roma hay Lazio lay lắt, Parma hay Fiorentina điêu đứng, thậm chí phá sản.
Juve được ví như thành trì cuối cùng của Serie A trước cơn lũ vàng đen đang tràn về các quốc gia khác. Nhưng thành trì này đang lung lay tận gốc rễ vì khủng hoảng thành tích lẫn tài chính. Nghiêm trọng hơn, là cuộc điều tra của nhà chức trách với 6 vị giám đốc tham gia điều hành đội bóng và Chủ tịch Andrea Agnelli. Các điều tra viên cáo buộc các số liệu tài chính đã bị làm cho sai lệch và cảnh sát đã đột kích vào tận văn phòng CLB.
Nguồn cơn của sự lung lay bắt đầu từ sự nóng vội tranh đua của Ban lãnh đạo.
Thay vì tiếp tục kiên trì với kế hoạch xây dựng lực lượng chậm mà chắc, thất bại thứ hai trong vòng 3 năm tại chung kết Champions League khiến Agnelli bị ám ảnh bởi chiến thắng ngay lập tức. Ronaldo được chiêu mộ với mức phí 100 triệu euro kèm mức lương 30 triệu euro/năm. Bây giờ Juve phải trả giá cho sự thiếu kiên nhẫn đó. Ronaldo có thể đã đi nhưng còn những bản hợp đồng kếch xù khác đang ngốn đi những khoản tiền lớn của CLB. Aaron Ramsey, Alex Sandro và Adrien Rabiot là ví dụ.
Allegri có trong tay bản phác thảo phác thảo của một đội hình trẻ trung, sung mãn và giàu tính cạnh tranh: Matthijs de Ligt, Rodrigo Bentancur, Manuel Locatelli, Dejan Kulusevski và Federico Chiesa. Đội bóng quyết định thành lập một đội U23 ở giải hạng ba của Ý cũng nằm trong triền suy nghĩ cho tương lai.
Nhưng không điều gì trong số đó có thể trở thành hiện thực khi đội hình và bảng kế toán chưa được cân đối. Juventus đã suy nghĩ quá lâu về hiện tại và quá ít về những gì sắp tới. Và cuối cùng, chính điều đó đã làm Lão bà ngã quỵ. 30 năm sau ngày trên đỉnh, Serie A đang xuống đáy. Và ngược lại, Ngoại hạng Anh đã từ đáy, lên đỉnh. Đại cục bóng đá châu Âu đã thay đổi chóng vánh như vậy cùng dòng chảy xiết của cơn lũ "vàng đen".
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Nguyễn Vượng