1. Dòng sự kiện:
  2. Olympic Paris 2024

Top 5 vụ bê bối gây tranh cãi lớn ở Olympic 2024

H. Long

(Dân trí) - Cùng điểm qua top 5 vụ bê bối gây ra tranh cãi lớn ở Olympic 2024.

Màn trình diễn gây tranh cãi trong lễ khai mạc Olympic 2024

Buổi lễ khai mạc Olympic 2024 kéo dài 4 tiếng với màn diễu hành trên sông Seine được đánh giá là sự kiện đặc biệt, chưa từng xuất hiện trước đây. Mặc dù vậy, buổi lễ này cũng xuất hiện nhiều tranh cãi.

Trong đó, đáng chú ý nhất là màn biểu diễn của nhiều nghệ sĩ trong trang phục sặc sỡ xếp hàng dài trên một chiếc bàn, tham dự bữa tiệc xung quanh DJ Barbara Butch. Cách bố trí như vậy khiến nhiều người liên tưởng tới bức tranh "Bữa tối cuối cùng" của đại danh họa Leonardo Da Vinci.

Top 5 vụ bê bối gây tranh cãi lớn ở Olympic 2024 - 1

Khung cảnh ở lễ khai mạc Olympic 2024 được cho là đụng chạm tới tôn giáo, tạo ra tranh cãi dữ dội.

Đây là một trong những kiệt tác của Leonardo Da Vinci. Nội dung bức tranh nói về bữa tối cuối cùng của Chúa Jesus cùng các môn đệ của mình, trước khi bị Judas phản bội. Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích các nghệ sĩ về ngoại hình, biểu cảm và cách ăn mặc. Nó không hoàn toàn phù hợp với bối cảnh của bức tranh "Bữa tối cuối cùng". Thậm chí, họ còn cho rằng Ban tổ chức Olympic đang báng bổ, mỉa mai tôn giáo.

Trước làn sóng chỉ trích, Giám đốc nghệ thuật của lễ khai mạc Olympic 2024, Thomas Jolly, cho biết: "Chúng tôi không bao giờ có ý định phá hoại, chế giễu hay gây sốc ở lễ khai mạc. Chúng tôi muốn nói về sự đa dạng, hòa nhập và không chia rẽ.

Ý tưởng của tôi ở màn trình diễn này là tổ chức một bữa tiệc liên quan tới các vị thần Hy Lạp trên đỉnh Olympus. Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy trong tác phẩm của tôi bất kỳ mong muốn chế giễu hay hạ thấp ai. Tôi muốn gắn kết mọi người với nhau, hòa giải. Đây cũng là bữa tiệc khẳng định về các giá trị tự do, bình đẳng".

Trên trang Twitter chính thức của Olympic, Ban tổ chức giải thích rằng nhân vật người đàn ông nhuộm xanh cơ thể (diễn viên Philippe Katerine thủ vai) đang gây tranh cãi trên mạng, đó là mô phỏng thần Dionysus (thần rượu vang của Hy Lạp). Hình ảnh vị thần khiến chúng ta nhận thức được bạo lực giữa người với người.

Dùng drone (phương tiện bay không người lái) do thám đối thủ

Trước trận mở màn môn bóng đá nữ Olympic 2024, các thành viên của Canada bị phát hiện dùng drone do thám quá trình tập luyện của đối thủ New Zealand. Ủy ban Olympic Canada (COC) cho biết họ cũng rất sửng sốt trước vụ việc.

COC cho rằng vụ do thám xuất phát từ một thành viên "không được công nhận" trong nhóm hỗ trợ của đội tuyển bóng đá nữ Canada, khi người này đã sử dụng máy bay không người lái để ghi lại hoạt động tập luyện của New Zealand.

Top 5 vụ bê bối gây tranh cãi lớn ở Olympic 2024 - 2

Đội nữ Canada bị trừ 6 điểm vì dùng drone do thám đối thủ New Zealand (Ảnh: Getty).

Đây không phải lần đầu tiên bóng đá Canada thăm dò đối thủ bằng máy bay không người lái. Họ từng bị bắt quả tang sử dụng máy bay không người lái để quay buổi tập của Honduras trước trận vòng loại World Cup 2022. Khi phát hiện ra vụ việc, Honduras cũng đã lập tức dừng tập.

Cuối cùng, đội Canada đã bị trừ 6 điểm ở Olympic 2024. HLV trưởng đội tuyển nữ Canada, Bev Priestman bị đình chỉ công tác huấn luyện trong một năm. Hai trợ lý của Priestman có liên quan đến bê bối, Joseph Lombardi và Jasmine Mander, cũng bị cấm tham gia mọi hoạt động bóng đá trong một năm.

Điều thần kỳ là đội tuyển nữ Canada vẫn vượt qua được vòng bảng sau 3 trận toàn thắng. Tuy nhiên, họ đã bị loại ở vòng tứ kết môn bóng đá nữ Olympic 2024 sau trận thua trước Đức.

Tranh cãi về hai võ sĩ nghi ngờ giới tính

Hai võ sĩ Imane Khelif (Algeria) và Lin Yu Ting (Đài Bắc Trung Hoa) đã xuất sắc giành HCV Olympic môn quyền anh ở hạng cân của mình. Thế nhưng, những tranh cãi liên quan tới hai VĐV này không có hồi kết.

Liên đoàn boxing thế giới (IBA) không công nhận hai VĐV này mang giới tính nữ không vượt qua được buổi kiểm tra DNA. Ban tổ chức phát hiện nhiễm sắc thể XY trong bộ gen của họ. Thế nhưng, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vẫn quyết định để Imane Khelif và Lin Yu Ting tham dự Olympic 2024.

Top 5 vụ bê bối gây tranh cãi lớn ở Olympic 2024 - 3

Hai võ sĩ Imane Khelif (Algeria) và Lin Yu Ting (Đài Bắc Trung Hoa) đã gây ra tranh cãi lớn vì nghi ngờ liên quan tới giới tính (Ảnh: Getty).

Đây là điều tạo ra nhiều tranh cãi bởi hai võ sĩ này có lượng testosterone vượt chuẩn của VĐV nữ. Do đó, họ có lợi thế nhất định về sức mạnh và thể chất so với các đối thủ.

Người phát ngôn của IOC, Mark Adams, cho biết: "Trong hộ chiếu, họ vẫn mang giới tính nữ. Họ được ghi rõ ràng là phụ nữ. Testosterone không phải là một xét nghiệm hoàn hảo. Nhiều người phụ nữ có thể có testosterone ở mức được gọi là nam giới. Nhưng họ vẫn là phụ nữ và có thể thi đấu với phụ nữ".

Có không ít trường hợp những người phụ nữ mang nhiễm sắc thể XY do rối loạn gene di truyền. Điều này dẫn đến sự khác biệt phát triển về phát triển giới tính (DSD).

VĐV sinh ra với giới tính nữ nhưng theo thời gian, họ có thể xuất hiện bộ phận sinh dục nam. Lượng testosterone của những VĐV này cao hơn mức bình thường của phụ nữ nhiều lần.

Trong suốt giải đấu, IBA và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) liên tục lời qua tiếng lại liên quan tới hai VĐV này. Chủ tịch IOC, Thomas Bach đã quyết định từ chức sau nhiệm kỳ của mình (tới tháng 3/2025). Lý do bởi ông chịu nhiều sức ép khi đứng ra bảo vệ giới tính của Imane Khelif và Lin Yu Ting.

Nước sông Seine quá bẩn

Dù nước chủ nhà Pháp đã chi 1,5 tỷ euro để cải tạo nước sông Seine nhưng vẫn chưa cải thiện chất lượng dòng sông này. Trước ngày thi 3 môn phối hợp, Ban tổ chức đã cấm các VĐV tập luyện vì lo ngại tình trạng sức khỏe của họ. Thậm chí, nước chủ nhà đã dời ngày thi đấu 3 môn phối hợp.

Các cuộc kiểm tra cho thấy sự xuất hiện của vi khuẩn E.coli trong nguồn nước. Cụ thể, hàm lượng E.coli tăng lên tới 2.000 CFU trong 100ml. Trong khi đó, Liên đoàn 3 môn phối hợp thế giới quy định mức độ phải thấp hơn 1000 CFU trong 100ml.

Top 5 vụ bê bối gây tranh cãi lớn ở Olympic 2024 - 4

Nhiều VĐV nhiễm bệnh vì bơi trên nước sông Seine quá bẩn (Ảnh: Getty).

Sau khi cuộc thi tổ chức, nhiều VĐV đã nhiễm khuẩn E.coli và phải nhập viện. Có thể kể ra một vài VĐV như Claire Michel, Adrien Briffod, Hayden Wilde…

Trước đó, VĐV 3 môn phối hợp, Jolien Vermeylen, đã chia sẻ về cảm giác bơi trên sông Seine. Cô nói: "Khi bơi dưới sông, tôi đã nhìn thấy nhiều thứ mà chúng ta không dám nghĩ đến. Sông Seine đã ô nhiễm cả trăm năm. Giờ đây, họ nói rằng ưu tiên tới sức khỏe của VĐV. Đó thực sự là lời nói nhảm nhí.

Tôi rất nhiều lần uống phải nước sông khi bơi. Tôi không biết mình có bị ốm vào ngày mai hay không. Vị của nước sông không giống như Coca Cola hay Sprite".

Jolien Vermeylen thừa nhận không biết nước sông Seine đã đạt yêu cầu hay chưa. Cô nói thêm: "Nếu cuộc thi không diễn ra thì đó là nỗi xấu hổ với nước Pháp. Họ không thể hủy bỏ cuộc thi này. Bây giờ, tôi chỉ hy vọng rằng không nhiều người bị bệnh. Tôi đã uống men vi sinh. Tôi không thể làm gì hơn. Tôi đã cố gắng không uống nước sông Seine nhưng rất khó".

Sau khi phần thi 3 môn phối hợp cá nhân, Ban tổ chức tiếp tục cấm các VĐV tập luyện cho các nội dung tiếp sức hỗn hợp và marathon. Dù các nội dung này vẫn diễn ra nhưng nó cũng khiến nhiều VĐV lo lắng.

VĐV Ấn Độ mất huy chương vì thừa… 100 gram

Sau khi đánh bại lần lượt 3 đối thủ ở các vòng đấu trước, nữ đô vật Vinesh Phogat của Ấn Độ sẽ bước vào trận chung kết môn vật nội dung tự do hạng cân 50kg tranh HCV Olympic Paris 2024 với đối thủ người Mỹ Sarah Hildebrandt trong ngày thi đấu hôm nay 7/8.

Tuy nhiên, nữ đô vật người Ấn Độ đã vô cùng bất ngờ khi ban tổ chức thông báo cô sẽ không đủ điều kiện thi đấu ở trận chung kết do thừa cân so với mức quy định.

Top 5 vụ bê bối gây tranh cãi lớn ở Olympic 2024 - 5

VĐV Vinesh Phogat mất huy chương vì thừa... 100 gram (Ảnh: Olympic).

Trước trận chung kết, Vinesh Phogat đã tăng 2kg so với mức quy định và không đủ điều kiện thi đấu. Vào tối qua (6/8), nữ đô vật 29 tuổi đã phải nhịn ăn, thức trắng đêm đạp xe cũng như chạy bộ để giảm cân cấp tốc.

Tuy nhiên ở lần cân cuối cùng, Phogat vẫn thừa 0,1kg so với mức quy định và ban tổ chức vẫn kiên quyết không cho phép cô thi đấu. Thậm chí nữ đô vật người Ấn Độ còn không được trao huy chương bạc, dù lọt vào tới trận chung kết. Theo luật quốc tế, bất kỳ đô vật nào bị phát hiện thừa cân tại thời điểm cân thử sẽ xếp ở cuối bảng xếp hạng chung cuộc.

Trước đó Phogat đã đánh bại hạt giống hàng đầu và nhà vô địch Olympic Tokyo 2020, nữ đô vật Yui Susaki của Nhật Bản trong vòng mở màn. Sau đó Phogat đã vượt qua cựu vô địch châu Âu Oksana Livach của Ukraine ở tứ kết và đương kim vô địch Pan American Games Yusneylis Guzman của Cuba ở bán kết.

Chính vì vậy quyết định không trao huy chương nào của ban tổ chức khiến Phogat bị sốc nặng, ngất xỉu tại chỗ và nhập viện cấp cứu ngay sau đó. Nữ VĐV 29 tuổi bị mất nước nghiêm trọng và phải nghỉ ngơi ở làng Olympic trong nỗi buồn mất huy chương chỉ vì thừa 0,1kg.

Tuy nhiên, quyết định của BTC Olympic cũng đã gây ra làn sóng phẫn nộ ở Ấn Độ, khi Thủ tướng Narendra Modi bức xúc lên tiếng: "Vinesh, bạn là nhà vô địch trong số những nhà vô địch. Bạn là niềm tự hào và nguồn cảm hứng của Ấn Độ.

Thất bại hôm nay thật đau đớn. Tôi ước gì lời nói có thể diễn tả được cảm giác tuyệt vọng mà bạn đang trải qua. Nhưng tôi biết rằng bạn là hiện thân của sự kiên cường. Bạn luôn biết đương đầu với thử thách. Hãy trở lại mạnh mẽ hơn nhé. Tất cả chúng tôi đều ủng hộ bạn".