Theerathon: Từ cú gạt tay vào mặt Quang Hải đến nhạc trưởng tuyển Thái Lan

Trọng Vũ

(Dân trí) - Một trong những nhân vật được chú ý nhiều nhất bên phía Thái Lan trước trận chung kết AFF Cup 2022 chính là Theerathon Bunmathan, người có rất nhiều duyên nợ với các cầu thủ Việt Nam.

Trong bối cảnh Chanathip Songkrasin không góp mặt tại AFF Cup 2022, HLV Mano Polking buộc phải có phương án khác, nhạc trưởng khác để làm thay phần việc của "Messi Thái" trong đội hình đội bóng đất Chùa Vàng. Một trong những gương mặt nhận nhiệm vụ thay Chanathip thật bất ngờ lại là hậu vệ trái Theerathon Bunmathan.

Ở AFF Cup 2022, Theerathon Bunmathan không còn thường xuyên chơi bám biên như những kỳ giải trước đó. Một số trận đấu tại giải năm nay, cầu thủ này chơi ở trục giữa trong vai trò một tiền vệ trung tâm, làm nhiệm vụ cung cấp bóng cho các tiền đạo.

Theerathon: Từ cú gạt tay vào mặt Quang Hải đến nhạc trưởng tuyển Thái Lan - 1

Theerathon Bunmathan và pha "gạt tay trúng má" đầy tiểu xảo vào mặt Quang Hải ở AFF Cup 2020 (Ảnh: VFF).

Có thể ban đầu đây chỉ là giải pháp tình thế của HLV Mano Polking, do Thái Lan thiếu hụt nhân sự ở tuyến giữa (vắng Chanathip Songkrasin, Supachok Sarachat và cả tiền đạo lùi Suphanat Mueanta), đồng thời cầu thủ được kỳ vọng sẽ thay Chanathip là Sanrawat Dechmitr khá thất thường, trong khi Ekanit Panya vẫn còn quá trẻ để chỉ huy các đồng đội.

Nhưng giải pháp tình thế đấy hóa ra lại giúp HLV Mano Polking hái quả ngọt. Theerathon Bunmathan ngoài nhiệm vụ thu hồi bóng, còn rất sáng tạo khi dâng lên hỗ trợ tấn công.

Cầu thủ này chính là người thực hiện đường chuyền quyết định giúp Teerasil Dangda ghi bàn mở tỷ số trong trận bán kết lượt về với Malaysia tối qua (10/1), mở ra màn lội ngược dòng của Thái Lan trước đoàn quân của HLV Kim Pan Gon.

Theerathon: Từ cú gạt tay vào mặt Quang Hải đến nhạc trưởng tuyển Thái Lan - 2

Theerathon Bunmathan còn va chạm với một số cầu thủ khác của đội tuyển Việt Nam, cũng ở 2 lượt trận bán kết AFF Cup 2020 (Ảnh: AFP).

Ngoài ra, Theerathon còn là chuyên gia đá phạt của đội tuyển Thái Lan, từ những pha đá phạt như thế, Thái Lan đã mở ra được những hướng tấn công quan trọng, giúp họ giải quyết bế tắc, mở ra cơ hội ghi bàn cho đội bóng đất Chùa Vàng.

Thật ra về mặt chuyên môn, chuyện Theerathon tỏa sáng tại AFF Cup 2022 không có gì lạ. Một cầu thủ từng thi đấu chính thức tại giải vô địch Nhật Bản J-League, lại còn vô địch giải đấu này trong màu áo CLB Yokohama F. Marinos (năm 2019), phải có chất lượng chuyên môn thuộc vào hàng bậc nhất Đông Nam Á.

Điểm mấu chốt của Theerathon Bunmathan so với mọi năm ở chỗ anh điềm đạm hơn, trầm tĩnh hơn, không còn những tình huống sử dụng tiểu xảo vượt quá khuôn khổ như trước.

Theerathon: Từ cú gạt tay vào mặt Quang Hải đến nhạc trưởng tuyển Thái Lan - 3

Ở AFF Cup 2022, Theerathon (số 3) thường xuyên đá ở vị trí tiền vệ trung tâm, chứ không còn bám biên trái như các giải trước (Ảnh: FAM).

Người hâm mộ Việt Nam hẳn không quên những pha bóng "gạt tay trúng má" nhằm vào Quang Hải, hay pha thúc chỏ vào ngực Hồ Tấn Tài ở bán kết AFF Cup 2020, từ phía Theerathon Bunmathan.

Năm ngoái, Theerathon không phải là chìa khóa trong lối chơi của đội tuyển Thái Lan, vai trò đó thuộc về Chanathip Songkrasin, nên hậu vệ đội bóng đất Chùa Vàng không phải chịu quá nhiều trách nhiệm với đội tuyển về những hành vi của mình. Còn năm nay, anh đóng vai trò của chính Chanathip năm ngoái, nên bất kỳ sai lầm nào của Theerathon, Thái Lan hầu như cũng không còn người thay thế.

Dĩ nhiên, Theerathon Bunmathan trước sau vẫn thuộc vào hàng giàu kinh nghiệm, cực kỳ khôn ngoan và tinh quái trong các trận đấu quốc tế. Vì khôn ngoan nên bản thân cầu thủ này biết lúc nào mình nên xài đến tiểu xảo, lúc nào thì không.

Cầu thủ Việt Nam trong cuộc đối đầu với Thái Lan cũng nên như thế, không sa vào các pha bóng trả đũa cầu thủ đến từ xứ sở Chùa Vàng nói chung và Theerathon Bunmathan nói riêng.

Theerathon: Từ cú gạt tay vào mặt Quang Hải đến nhạc trưởng tuyển Thái Lan - 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm