Quang Hải và các tuyển thủ U20 trưởng thành quá nhanh ở U23 Việt Nam
(Dân trí) - Có 5 cầu thủ trong lứa U20 Việt Nam tham dự VCK World Cup U20 năm ngoái thường xuyên được đá chính ở đội tuyển U23 Việt Nam đang thi đấu tại VCK U23 châu Á. Điều đáng chú ý là tất cả họ đều đang chơi rất hay, đóng góp lớn cho đội bóng của HLV Park Hang Seo.
Nhóm các cầu thủ từng tham dự VCK World Cup U20 năm ngoái đang đá chính ở đội tuyển U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á hiện tại gồm có thủ môn Tiến Dũng, trung vệ Đình Trọng, hậu vệ trái Văn Hậu, tiền vệ Quang Hải và tiền đạo Đức Chinh.
Tức là, các cầu thủ trong lứa tuổi đôi mươi năm vừa rồi rải đều ở khắp 3 tuyến của U23 Việt Nam. Còn về sự thể hiện, tất cả họ đều có sự thể hiện rất tốt trong những trận đấu vừa rồi.
Thậm chí, ngoại trừ Đức Chinh (phải cạnh tranh với đàn anh Nguyễn Anh Đức đang quá hay ở vị trí trung phong), tất cả các cầu thủ còn lại hiện đủ sức đá chính ở đội tuyển quốc gia.
Nhưng họ càng chơi hay bao nhiêu ở VCK U23 châu Á hiện tại, thì người ta càng tiếc cho họ bấy nhiêu ở chiến dịch SEA Games 29 vừa rồi.
4/5 cầu thủ trong nhóm vừa nêu lại không chen chân nổi vào đội hình chính của HLV Nguyễn Hữu Thắng tại SEA Games 29, cho dù những người chiếm chỗ trên đất Malaysia của họ đều không hay hơn họ: Thủ môn Phí Minh Long khi đó không ổn định bằng Bùi Tiến Dũng bây giờ, Hoàng Văn Khánh hồi SEA Games mắc sai lầm nhiều hơn hẳn Đình Trọng, Hồng Duy thua xa Quang Hải, còn Tuấn Tài và Văn Toàn không bằng Đức Chinh khi đá trung phong.
Đáng tiếc nhất là trường hợp của Đức Chinh và Quang Hải. Đức Chinh khởi đầu cực tốt ở trận đầu của đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games 29, có được bàn thắng, nhưng sau đó lại bị giữ chặt trên băng ghế dự bị một cách khó hiểu. Còn Quang Hải mỗi trận chỉ được sử dụng chừng chục phút cuối, khoảng thời gian còn không đủ để một cầu thủ có thể “làm nóng”, huống hồ gì nói đến chuyện toả sáng.
Đấy cũng là vấn đề của bóng đá Việt Nam ở cấp độ đội tuyển trong khoảng 2 năm qua. Người ta xây dựng, lựa chọn nhân sự cho các đội tuyển không dựa trên phong độ và năng lực thực của các cầu thủ, mà dựa vào xuất thân và màu áo mà cầu thủ đấy đang khoác lên mình ở cấp CLB.
Đấy cũng là vấn đề chung ở khâu quản lý, khi cơ quan điều hành nền bóng đá, cơ quan quản lý các đội tuyển lại chịu tác động quá lớn từ một hay một vài ông bầu vốn không rành về chuyên môn, nhưng lại hay can thiệp vào chuyện chuyên môn.
May mà HLV Park Hang Seo giống như người tiền nhiệm Miura kiên định ở điểm xây dựng đội tuyển dựa trên năng lực của từng cầu thủ, xây dựng đội tuyển dựa trên quan điểm đội tuyển phải là tập hợp của những cầu thủ tốt nhất trong thời điểm đội tập trung, chứ đội tuyển không phải là một CLB có tăng cường, nên những Đình Trọng, Quang Hải hay Đức Chinh mới có cơ hội thể hiện mình.
Và thành công bước đầu của HLV Park Hang Seo bây giờ, hay những kỳ tích châu Á mà HLV Miura mang lại cho bóng đá Việt Nam ít năm trước, cũng gián tiếp chỉ ra cách sửa chỗ sai trong việc phát triển các đội tuyển khoảng 2 năm trở lại đây, cách tránh những thất bại tương tự như thất bại ở SEA Games 29!
Kim Điền