Những ông bầu khiến bóng đá Việt Nam dậy sóng năm 2015
(Dân trí) - Bóng đá nội không còn nhiều ông bầu đúng nghĩa, sau trào lưu bỏ bóng đá hàng loạt của các nhà đầu tư vài năm trở lại đây. Dù vậy, một số cái tên ít ỏi còn sót lại vẫn đủ sức tạo ra những cơn địa chấn, theo kiểu “miệng nhà quan có gang có thép”!
Bầu Đức và những lần công khai đối đầu với HLV Miura. Người nói nhiều nhất và gây chú ý nhiều nhất trong số các ông bầu bóng đá trong năm qua chính là ông chủ của CLB HA Gia Lai Đoàn Nguyên Đức. Và có một điều dễ nhận thấy rằng hầu hết các phát biểu của bầu Đức trong năm hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp nhắm đến vị trí của HLV đội tuyển quốc gia Miura. Từ chỗ tuyên bố sẽ “lo tất” cho đội tuyển nếu HLV Miura ra đi, cho đến việc tiết lộ sẽ tìm nhà tài trợ mới cho đội tuyển, cũng với điều kiện VFF phải… thay HLV Miura, ông Đức đều công khai quan điểm không ủng hộ vị HLV người Nhật.
Một ẩn ý khác của bầu Đức không khó để nhận ra đó là ông muốn lứa cầu thủ U21 hiện tại của HA Gia Lai trở thành nòng cốt cho các đội tuyển, trong khi HLV Miura lại theo quan điểm đội tuyển là nơi tập hợp những cầu thủ tốt nhất, có phong độ cao nhất. Thành ra, bóng đá Việt Nam dậy sóng trong suốt năm vì sự đối lập quan điểm của 2 nhân vật này.
Bầu Trường và đòi hỏi được trở lại V-League. Những ngày cuối năm, sau khi im hơi lặng tiếng trong suốt thời gian khá dài, ông bầu Hoàng Mạnh Trường bất ngờ đăng đàn trở lại với tuyên bố muốn có lại suất thi đấu tại V-League và VFF từng hứa với V.Ninh Bình, sau khi đội bóng cố đô Hoa Lư bỏ bóng đá cách nay 2 mùa. Ngoài chuyện đòi suất tham dự V-League, bầu Trường còn nhấn mạnh rằng ông không chịu để đội bóng của mình đá giải hạng Nhất, sau khi có người trong cơ quan điều hành bóng đá nội tư vấn với ông bầu này nên kiên nhẫn bắt đầu quay lại với bóng đá từ điểm đấy.
Bầu Đệ tưng bừng nửa mùa rồi nghỉ ngang. Xét về những phát biểu mạnh miệng, có lẽ bầu Đệ ở Thanh Hóa chỉ đứng sau bầu Đức. Ông Đệ nổi tiếng là nhân vật gai góc, cách điều hành đội bóng xứ Thanh của ông cũng vậy. Ông Đệ sẵn sàng thay bất cứ cầu thủ nào, thậm chí bất kỳ HLV nào, bất kể ở giai đoạn của mùa giải, trong mọi hoàn cảnh, điều có lẽ chỉ có ông Đệ dám làm trên mặt bằng bóng đá đỉnh cao nói chung. Tuy nhiên, sau nửa mùa tưng bừng, đến nửa sau của mùa giải 2015, bầu Đệ đột ngột lui vào hậu trường, giao lại quyền quản lý đội bóng xứ Thanh cho tập đoàn FLC. Quyết định đấy của ông Đệ cũng sốc tương đương với những lần thay tướng giữa dòng và thanh lý cầu thủ đột ngột của chính ông.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và những lời hứa gió bay. Không phải là một ông bầu bóng đá đúng nghĩa, nhưng vai trò và tầm vóc của người đứng đầu VFF còn cao hơn nhiều so với vai trò của một ông bầu. Nếu như các ông bầu khác chỉ quyết được việc ở CLB của mình, thì ông Dũng từng được kỳ vọng sẽ thổi luồng gió mới vào thế hệ lãnh đạo mới tại VFF, với cương vị là doanh nhân ngàn tỷ đầu tiên đứng cao nhất ở cơ quan quyền lực nhất bóng đá nội.
Ngặt nỗi, hơn 1 năm ngồi ở ghế chủ tịch VFF, ông Dũng chưa có bất cứ quyết sách nào được xem là đột phá, cũng chưa hề đề ra được tầm nhìn mang tính chiến lược nào cho bóng đá Việt Nam. Việc thường thấy nơi vị chủ tịch VFF là đăng đàn phát biểu theo các sự kiện, nhưng thường ông Dũng càng nói lại càng… hớ. Thậm chí, có rất nhiều lời hứa của ông Dũng giờ như cơn gió thoảng bay, hoặc rất nhiều tuyên bố của ông gây tác hại cho đến tận bây giờ. Điển hình là lời hứa bảo lưu suất thi đấu V-League của V.Ninh Bình trong 2 năm, khiến giờ bầu Trường có cớ để đòi quay lại. Trong khi cũng hồi đấy, nhiều người đã cảnh báo vị chủ tịch VFF rằng không thể chống tiêu cực bằng biện pháp còn tiêu cực hơn: Đó là ủng hộ ông chủ giải tán đội bóng, đẩy hàng loạt con người vào cảnh mất việc.
Trọng Vũ