Những màn gian lận của chủ nhà Malaysia làm dậy sóng SEA Games 29
(Dân trí) - SEA Games 29 xem như khép lại sau lễ bế mạc diễn ra tối 30/8, trên sân Bukit Jalil. Điểm lại kỳ đại hội này, ngoài những nụ cười và cả những giọt nước mắt, người ta còn nói đến những màn “ăn gian” trắng trợn, những bê bối trong khâu tổ chức của nước chủ nhà Malaysia.
1. VĐV chạy ở môn… đi bộ. Ở môn đi bộ 10km nữ chiều 23/8, VĐV Phan Thị Bích Hà bật khóc tức tưởi vì mất HCV về tay Elena Yin (Malaysia), vì nữ VĐV của nước chủ nhà chạy về đích, nhưng vẫn được trọng tài làm ngơ. Các đoàn không thể kiện vì thiếu băng hình, vì cũng không nhờ rằng Elena Ying lại trắng trợn đến thế.
2. Đội đua xe đạp Malaysia đi đường tắt về đích trong nội dung đồng đội tính giờ. Không được đánh giá là ứng cử viên cho bộ HCV nội 50km đồng đội tính giờ, vì thua xa 2 đội Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, đội Malaysia được thông báo là cán đích với thời gian 1 giờ 1 phút 37 giây, hơn đội giành HCB là Thái Lan 19 giây. Các đội khác nghi ngờ Malaysia đi đường tắt để về đích, nhưng vẫn không làm gì được vì không thể bố trí camera ghi lại cảnh các VĐV Malaysia thực hiện việc “ăn gian” lộ trình vừa nêu.
3. Đội cầu mây nữ Indonesia bỏ thi đấu vì bị trọng tài xử ép. Trong trận cầu mây nữ giữa Malaysia và Indonesia vào ngày 20/8, trong một pha phát cầu, trọng tài cho rằng phía Indonesia mắc lỗi kỹ thuật. Không đồng tình với phán quyết đó, HLV của Indonesia lao vào sân phản đối, ông cũng kêu gọi học trò rời sân, chấp nhận bị xử thua 0-2.
4. VĐV bị kiểm tra doping lúc nửa đêm. Dự đoán Nguyễn Văn Lai (Việt Nam) sẽ có HCV ở nội dung 5.000m, BTC chủ nhà bày kế chơi chiêu. Sau khi Nguyễn Văn Lai thi đấu ở nội dung 10.000m nam, BTC buộc Nguyễn Văn Lai phải làm các xét nghiệm doping đến sau nửa đêm mới cho về, khiến VĐV này mệt mỏi, mất ngủ.
5. “Cưa đôi” HCV vì quyết định kỳ quặc của BTC chủ nhà. Ở chung kết nội dung nhảy cao nữ trong môn điền kinh, diễn ra chiều 24/8, Dương Thị Việt Anh đạt thành tích 1,83m, bằng mức của VĐV Michelle Suat Li (Singapore) và Yap Sean Yee (Malaysia). Việt Nam và Suat Li sau đó được thông báo là vào vòng play-off tranh HCV. Dương Thị Việt Anh là người chiến thắng, nhưng BTC ra tiếp một thông báo nữa, không công nhận kết quả của vòng thi play-off đấy, buộc 2 VĐV của Việt Nam và Singapore “cưa đôi” HCV.
6. VĐV Malaysia phá kỷ lục thế giới, nhờ trọng tài… hào phóng. Ở nội dung seni trong môn Pencak Silat, đôi võ sĩ Bin Hamid và Rosli Sharif (Malaysia) giành HCV với 582 điểm. Ở nội dung này, kỷ lục thế giới chỉ là 570 điểm, cho dù về mặt kỹ thuật, đội VĐV của Malaysia cũng không được đánh giá quá cao, để có thể đạt số điểm như trên.
7. Bị đánh ngất xỉu vẫn giành HCV. Cũng trong môn Pencak Silat, trong chung kết hạng cân dưới 65kg nam, Bin Ghazali (Malaysia) gặp Pornteb Poolkaew (Thái Lan). Ở hiệp 2, võ sĩ chủ nhà trúng đòn của Pornteb và gần như bất tỉnh. Dù vậy, khi công bố kết quả, VĐV Malaysia được xử thắng, với nhận định VĐV của Thái Lan ra đòn gây nguy hiểm cho đối thủ.
8. Trao 2 HCV cho 1 nội dung. Khắc khe với các VĐV của các quốc gia khác, nhưng Malaysia lại cực kỳ hào phóng với VĐV nước mình. Trong nội dung Ngựa tay quay của môn Thể dục dụng cụ, chủ nhà Malaysia trao 2 HCV cho cả 2 VĐV chủ nhà là Tan Fu Jie và Loo Phay Xing.
9. CĐV Malaysia lại tấn công các CĐV đội khách. Từng tấn công CĐV Việt Nam tại bán kết lượt đi AFF Cup 2014, CĐV quá khích Malaysia lại tấn công CĐV Myanmar ở vòng bảng môn bóng đá nam SEA Games 29. Sau trận đấu giữa 2 đội này tối 21/8, một CĐV Myanmar phải nhập viện với 1 bên má sưng vù do bị CĐV đối phương hành hung.
10. In nhầm quốc kỳ của Indonesia trong sổ lưu niệm SEA Games. Trong quyển sổ lưu niệm này, quốc kỳ Indonesia bị in ngược, khiến Bộ trưởng bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia Khairy Jamaluddin đã phải lên tiếng xin lỗi phía Indonesia về sự cố vừa nêu.
Kim Điền