Golf Việt Nam vượt thách thức mùa Covid-19
(Dân trí) - Khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều sân golf phải đóng cửa, các sân tập ở một số địa phương cũng chỉ hoạt động rất hạn chế, đặt ra một thách thức lớn với nền công nghiệp golf Việt Nam.
Ngành công nghiệp golf chịu tổn hại nặng
Cũng như các môn thể thao khác, golf chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Trong năm 2020, hàng chục giải đấu lớn đã phải hoãn, hủy, nhiều sân golf phải đóng cửa, và điều tồi tệ vẫn tiếp tục xảy trong năm nay. Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đang có diễn biến rất phức tạp, với sự lây lan rất nhanh trên diện rộng cả nước.
Theo thông báo từ Bộ Y tế, đến trưa 14/6, Việt Nam đã ghi nhận tổng số 10.730 người mắc Covid-19 với 9.093 ca lây nhiễm trong nước, 1.637 trường hợp nhập cảnh. Tính riêng đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay), Bộ Y tế công bố 7.523 ca bệnh.
Nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19, nhất là ở những điểm nóng, nhiều tỉnh, thành phố đã ra văn bản chỉ đạo tạm dừng các hoạt động không thiết yếu, các hoạt động tập trung đông người, trong đó có sân golf, sân tập golf. Đồng thời, lập các đoàn đi kiểm tra việc thực hiện các quy định phòng chống dịch trên địa bàn.
Ngoài hệ thống sân golf, sân tập golf ở các thành phố lớn đồng loạt đóng cửa, các sân golf ở nhiều địa phương trên cả nước như Hải Phòng, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng… cũng thông báo ngừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19.
Thực tế, Việt Nam đã có kinh nghiệm với việc phòng chống Covid-19, nên các sân golf đều không gặp khó khăn khi đưa ra các biện pháp phòng ngừa dịch. Tuy nhiên, bài toán lớn nhất vẫn là kinh phí để duy trì hoạt động, chờ ngày mở cửa trở lại.
Một quản lý của sân golf Tràng An Ninh Bình cho biết ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, sân này đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch như phun khử khuẩn. Các golfer tới chơi đều phải khai báo y tế, đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn…
Cũng theo đại diện sân golf Ninh Bình, khi có yêu cầu đóng cửa sân, ban quản lý và các nhân viên đều có sự chuẩn bị sẵn sàng đối phó với đợt dịch mới.
Ông Nguyễn Ngọc Chu, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội golf Việt Nam chia sẻ: "Dịch Covid-19 thực sự là một tai họa. Năm 2020 chúng ta hành động rất quyết liệt, nhưng vừa rồi dịch Covid-19 lại bùng phát. Chúng ta đã có kinh nghiệm, biện pháp ngăn ngừa, tuy nhiên đợt dịch này còn nhiều tiềm ẩn những lây lan chưa thể tiên lượng được".
Theo ông Nguyễn Ngọc Chu, người chơi cũng cần có sự chia sẻ với các sân golf trong điều kiện hiện tại: "Sân golf là một trong những nhóm ngành nghề bị tổn hại nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 bởi liên quan cả tới du lịch. Các golfer có thể chịu đựng được trong một thời gian, nhưng đây lại là thách thức với các sân golf".
Đúng như chia sẻ của ông Chu, các sân golf phải bỏ ra một số tiền rất lớn để duy trì hoạt động, bảo dưỡng, trả tiền lương cho nhân viên… Vì thế, với mỗi một ngày, một tuần, một tháng hay nhiều tháng phải đóng cửa, chi phí đội lên là một con số rất lớn.
Muôn kiểu chơi golf mùa dịch
Ngoài các sân golf ở phía Bắc và TPHCM, hiện nay vẫn có một số sân golf ở miền Trung hoạt động khi nhiều ngày qua không xuất hiện các ca lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, tất cả các sân này đều không chủ quan trong việc phòng chống dịch bệnh.
Rất may là golf là một trong những môn thể thao an toàn nhất trong mùa dịch. Nếu chơi một nhóm 2 người, kèm theo 2 caddie, thì khả năng lây lan, để lại hậu quả không lớn lắm. Bên cạnh đó, người chơi golf nếu dính Covid-19 cũng truy vết dễ hơn so với nhiều môn thể thao tập trung đông người.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của những người chơi golf. Các golfer nhìn chung đa số ở một mặt bằng cao hơn về ý thức so với xã hội, vì thế việc làm sao để tránh lây nhiễm, cùng cả nước chung tay phòng chống dịch luôn được đặt lên hàng đầu trong mùa dịch.
Trong khi đó, với hầu hết các golfer, việc không được ra sân để thực hiện những cú swing, cú putt trên green, chẳng khác nào bị tra tấn về tinh thần. Tất cả đã cùng trải qua năm 2020 với rất nhiều khó khăn, và giờ mọi thứ đang có dấu hiệu xấu hơn với đợt dịch lần thứ 4.
Với các địa phương có dịch và phải đóng cửa sân golf, người chơi đều tìm cho mình cách giải trí khác nhau để quên đi "cơn thèm" chơi golf. Theo đó, các golfer đã mua thảm tập putt, bộ lưới tập golf di động… để có thể dễ dàng tự chơi golf ở trong nhà, ngoài sân, vườn…
Với những người có điều kiện về kinh tế hơn, việc sở hữu một phòng tập golf 3D là giải pháp hiệu quả nhất để có thể chơi golf hàng ngày mà không bị nhàm chán như những cách chơi đơn giản nói trên.
Một phòng tập golf thông thường sẽ bao gồm dàn máy chiếu trực tiếp phong cách sân golf, cây cối, các màn hình chiếu 3D có chất liệu vải dày chịu được lực đánh cao từ những cú đánh mạnh, máy nhả bóng tự động, camera tự động và hệ thống cảm ứng hồng ngoại.
Tất cả những thiết bị trên sẽ giúp golfer có một buổi đánh golf tuyệt vời mà không cần phải đi ra ngoài. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất theo cách giải trí này là người chơi phải bỏ ra từ 200-700 triệu đồng cho mỗi bộ thiết bị hiện đại.
Với những lợi thế tuyệt vời của phòng golf 3D, rất nhiều golfer đã lựa chọn giải pháp này. Đây cũng được đánh giá là xu hướng golf hàng đầu trong năm nay, nhất là khi tình hình dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn.