1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Giấc mơ vô địch World Cup viển vông của bóng đá Trung Quốc

Kim Điền

(Dân trí) - Cách nay vài năm, bóng đá Trung Quốc từng đặt ra mục tiêu gây sửng sốt là vô địch World Cup. Có lẽ đó sẽ mãi là giấc mơ xa vời ở quốc gia đông dân nhất thế giới…

Với điều kiện cơ sở vật chất cũng như kinh nghiệm ở các giải thể thao hàng đầu thế giới, có thể hiện giờ Trung Quốc đã đủ khả năng tổ chức VCK World Cup. 

Olympic Bắc Kinh năm 2008 là kỳ đại hội rất thành công được tổ chức tại quốc gia đông dân nhất thế giới, minh chứng cho năng lực tổ chức của Trung Quốc.

Cũng từ việc giành rất nhiều HCV ở các nội dung thể thao khác nhau tại kỳ Thế vận hội trên sân nhà cách nay 13 năm, mà Trung Quốc đặt ra mục tiêu lớn hơn nữa: Đứng đầu thế giới ở môn thể thao vua - bóng đá.

Giấc mơ vô địch World Cup viển vông của bóng đá Trung Quốc - 1
Vô địch World Cup có lẽ mãi là giấc mơ xa vời với bóng đá Trung Quốc

Cụ thể, mục tiêu của bóng đá Trung Quốc là cho đến năm 2050, họ ít nhất phải 1 lần tổ chức VCK World Cup và vô địch giải đấu danh giá nhất hành tinh.

Ở vế đầu, Trung Quốc dư tiền và dư sức tổ chức một kỳ World Cup, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, họ chưa thể có được một đội tuyển tương xứng để làm chủ nhà của VCK giải vô địch bóng đá thế giới.

Thành ra, vế sau, càng là giấc mơ xa vời đối với người Trung Quốc. Bóng đá nước này chưa bao giờ được đánh giá nằm trong nhóm các đội hàng đầu châu Á, không so được với những Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran, Australia ở các giải đấu lớn, không đủ sức cạnh tranh các vị trí cao nhất ở đấu trường châu lục, thì nói gì đến ngôi vô địch thế giới.

Người Trung Quốc không tiếc tiền đổ vào bóng đá, nhưng quan trọng là cách làm và chiến lược đầu tư. Về mặt này, bóng đá Trung Quốc liên tục đi… lạc đường trong suốt nhiều thập niên đã qua, khiến cho chất lượng của nền bóng đá không những không được nâng lên, mà còn có dấu hiệu đi xuống.

Các CLB ở Trung Quốc dưới sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các ông chủ tỷ phú, liên tục phá giá thị trường cầu thủ quốc tế, bằng những bản hợp đồng gây choáng ngợp dành cho các ngôi sao sắp "về vườn" của bóng đá châu Âu và Nam Mỹ.

Theo thống kê của Besoccer, chỉ trong năm 2017, các CLB Trung Quốc đã có 5 lần phá kỷ lục chuyển nhượng ở châu Á. Đỉnh điểm là việc Shanghai SIPG chi ra 60 triệu euro để chiêu mộ cầu thủ Oscar (Brazil) từ Chelsea, hay Shanghai Shenhua từng trả mức lương 730.000 euro/tuần cho Carlos Tevez, biến anh trở thành cầu thủ nhận lương cao nhất thế giới.

Giấc mơ vô địch World Cup viển vông của bóng đá Trung Quốc - 2
Chiến lược gia lừng danh Marcelo Lippi (Italia) từng có thời gian dẫn dắt đội tuyển Trung Quốc, nhưng đấy không phải là chặng đường đẹp với vị HLV này

Nhưng vấn đề là khâu đào tạo cầu thủ tại chỗ của bóng đá Trung Quốc, từ chính các CLB lại không được quan tâm đúng mức. Thậm chí, các đội bóng của giải bóng đá nhà nghề Trung Quốc càng tăng cường ngoại lực thì chất lượng của nội lực càng giảm sút, do sự khác biệt về mức lương và các khoản đãi ngộ quá lớn giữa nội và ngoại. 

Tờ Sina của Trung Quốc từng lấy học viện HA Gia Lai của bầu Đức như là hình mẫu của sự phát triển bền vững, ngược với chính sách phát triển nóng nhưng chân đế không vững, do bỏ quên khâu đào tạo trẻ của bóng đá Trung Quốc.

Sina khi đó viết: "Cách làm bóng đá của Trung Quốc và Việt Nam đang có sự khác biệt. Trong những năm qua, bóng đá Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ ở cấp độ châu lục. Đó là kết quả của cả quá trình, chứ không phải ngày một ngày hai. Bóng đá trẻ chính là gốc rễ của sự phát triển". 

Thậm chí, càng chi nhiều tiền, các ông chủ và ngay đến những nhà quản lý bóng đá ở Trung Quốc càng tỏ ra nóng vội và chệch hướng.

Nhiều HLV tên tuổi từng đến Trung Quốc làm việc, như Marcelo Lippi, Fabio Cannavaro (Italia), Guus Hiddink (Hà Lan), Antonio Camacho (Tây Ban Nha)… Họ được trả lương cực cao nhưng lại bị đối xử khá bạc.

Các ông chủ ở Trung Quốc sẵn sàng sa thải các chiến lược gia của mình, bất cứ khi nào họ cảm thấy bị phật ý. Ví dụ như HLV Guus Hiddink bị đuổi khỏi đội U22 Trung Quốc hồi năm 2019, chỉ ít tháng sau khi nhận nhiệm vụ, chỉ vì trận thua U22 Việt Nam khi đá… giao hữu. 

Giới chủ và những nhà quản lý bóng đá ở Trung Quốc càng đối xử bạc và càng thiếu kiên nhẫn với các HLV ngoại, thì chính những nhà chuyên môn này cũng chỉ xem bóng đá Trung Quốc là mảnh đất để họ… dưỡng già, để họ tìm đến với nơi có thu nhập cao, sau khi đã hết thời ở châu Âu, chứ không phải là nơi để họ dành tâm huyết cho việc nâng chất nền bóng đá Trung Quốc nói chung. 

Cứ thế, tiền cứ tuôn chảy ồ ạt khỏi bóng đá Trung Quốc, trong khi chất lượng thu về không hề tỷ lệ thuận với nguồn tài chính đã đổ ra. Và đến khi sự giàu có một thời của bóng đá Trung Quốc vỡ như bong bóng, làng túc cầu ở quốc gia đông dân nhất thế giới có nguy cơ quy trở về với mức còn thấp hơn khởi điểm, trước khi họ có giải bóng đá nhà nghề Super League. 

Riêng giấc mơ vô địch World Cup của bóng đá Trung Quốc không biết đến khi nào mới thành hiện thực!