Đội tuyển Việt Nam - Nhật Bản: Chờ cơn địa chấn châu Á

(Dân trí) - Nhìn về tương quan lực lượng giữa hai đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản, nếu đội bóng của HLV Park Hang Seo giành được điểm trước đội bóng giàu truyền thống nhất châu Á, đó sẽ là cơn đại địa chấn.

*Trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản sẽ diễn ra vào lúc 19h00 ngày 11/11 trên sân Mỹ Đình (Hà Nội), Dân trí sẽ tường thuật trực tuyến trận đấu này.

Không chỉ là đội giàu truyền thống nhất châu Á (4 lần vô địch Asian Cup vào các năm 1992, 2000, 2004 và 2011), Nhật Bản còn rất giàu kinh nghiệm ở các kỳ vòng loại World Cup.

Đội bóng xứ sở mặt trời mọc có 6 lần liên tiếp lọt vào các VCK World Cup. Đồng thời, tính từ lần đầu tiên vào năm 1998 đến giờ, Nhật Bản chưa lần nào bị loại ở vòng loại World Cup (1998, 2002, 2006, 2010, 2014 và 2018).

Đội tuyển Việt Nam - Nhật Bản: Chờ cơn địa chấn châu Á - 1

Nhật Bản là đội giàu truyền thống nhất, sở hữu lực lượng tốt nhất châu Á.

Truyền thống, kinh nghiệm và kể cả về lực lượng ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản đều dẫn đầu châu Á. Đội bóng của HLV Moriyasu sở hữu rất nhiều hảo thủ đang thi đấu tại châu Âu, kể cả các cầu thủ đang khoác áo các CLB hàng đầu của lục địa già, như tiền vệ Minamino (đang khoác áo CLB Liverpool) hay hậu vệ Tomiyasu (Arsenal).

Hai lần gặp nhau gần đây nhất giữa Nhật Bản và đội tuyển Việt Nam ở các kỳ giải chính thức, cụ thể là tại VCK Asian Cup đều cho chiến thắng nghiêng về Nhật Bản, đó là chiến thắng 4-1 ở vòng bảng Asian Cup 2007 và 1-0 ở tứ kết Asian Cup 2019.

Những chiến thắng tuy tỷ số cao thấp khác nhau, nhưng tựu chung một điểm là đội tuyển Việt Nam rất khó đá mỗi khi gặp Nhật Bản. 

Khác với các đội tuyển đến từ Tây Á vốn có tố chất tốt nhưng ý thức tổ chức kỷ luật không cao, khâu kỷ luật chiến thuật là điểm rất mạnh của người Nhật, nếu không muốn nói là họ trong top đầu thế giới về mặt này.

Đội tuyển Việt Nam - Nhật Bản: Chờ cơn địa chấn châu Á - 2

Người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn chờ cơn địa chấn được tạo ra bởi đoàn quân của HLV Park Hang Seo.

Cầu thủ Nhật Bản dù đối diện với hoàn cảnh khó khăn và bất lợi cũng không rối. Lối chơi nhỏ, dựa vào dàn cầu thủ có kỹ thuật cao cũng khiến đội tuyển Việt Nam dễ bị bắt bài hơn khi thi đấu với Nhật Bản, so với khi đá với các đối thủ khác tại châu Á.

Nói như thế không phải là đội tuyển Việt Nam không có cơ hội. Cũng chẳng có đội bóng nào không có điểm yếu đến mức không thể bị thủng lưới.

Lợi thế đầu tiên của đội tuyển Việt Nam là được chơi trên sân nhà có khán giả, mà lần gần nhất Nhật Bản phải đá trước sức ép của khán giả đối phương tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, họ vừa thua Saudi Arabia hồi tháng 10 vừa qua. 

Lợi thế khác của đội tuyển Việt Nam là các cầu thủ Nhật Bản không ít thì nhiều sẽ mệt mỏi vì quãng đường di chuyển nhiều biến cố. Nhóm 11 cầu thủ Nhật đến Hà Nội từ châu Âu (đêm 9/11) chỉ có đúng một ngày 10/11 nghỉ ngơi và tập luyện, có thể gây ảnh hưởng đến thể lực của họ. 

HLV Phan Thanh Hùng bình luận về điều này: "Có thể cầu thủ Nhật Bản giàu kinh nghiệm và họ cũng quen với việc di chuyển nhiều, ráp đội hình ở đội tuyển quốc gia mà không cần quá nhiều thời gian. Nhưng không thể nói việc họ có mặt ở Hà Nội sát giờ bóng lăn không gây ảnh hưởng đến họ". 

"Cũng không lạc quan đến mức cho rằng đội tuyển Việt Nam có thể chơi sòng phẳng với Nhật Bản. Khả năng cao là chúng ta sẽ bị ép sân, nhưng hy vọng đội tuyển Việt Nam vẫn có cơ hội trong các pha phản đòn" - HLV Phan Thanh Hùng chia sẻ thêm.

Đội tuyển Việt Nam - Nhật Bản: Chờ cơn địa chấn châu Á - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm