1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Đội tuyển Saudi Arabia vượt Hàn Quốc, chỉ kém Nhật Bản về truyền thống

Thiện Nhân

(Dân trí) - Với 3 lần vô địch châu Á, đội tuyển Saudi Arabia thậm chí còn giàu truyền thống hơn "ông lớn" Hàn Quốc, ngang Iran, chỉ kém mỗi đội tuyển Nhật Bản.

Cũng so với những nền bóng đá như Hàn Quốc và Iran, Saudi Arabia non trẻ hơn nhiều. Mãi đến năm 1984, họ mới lần đầu vô địch Asian Cup, khi giải đấu được tổ chức tại Singapore. 4 năm sau, họ vô địch một lần nữa tại Qatar.

Tiếp đó, lần vô địch châu Á thứ ba của đội bóng Ả rập đến vào năm 1996. Cũng với ba lần vô địch châu Á, Saudi Arabia là nền bóng đá giàu thành tích thứ nhì ở lục địa đông dân nhất thế giới, chỉ kém Nhật Bản (4 lần vô địch: 1992, 2000, 2004 và 2011), vượt hơn Hàn Quốc (hai lần: 1956 và 1960) và ngang với Iran (ba lần: 1968,1972 và 1976).

Cho đến nay, Saudi Arabia đã có 5 lần góp mặt tại VCK World Cup, vào các năm 1994, 1998, 2002, 2006 và 2018. Trong đó có 4 lần liên tiếp từ các năm 1994 - 2006, chỉ kém Nhật Bản (6 lần liên tiếp dự VCK World Cup từ 1998 - 2018) và Hàn Quốc (9 lần liên tiếp từ 1986 - 2018).

Đội tuyển Saudi Arabia vượt Hàn Quốc, chỉ kém Nhật Bản về truyền thống - 1

Saudi Arabia là nền bóng đá giàu thành tích thứ nhì tại châu Á, chỉ sau Nhật Bản.

Có thể nói Saudi Arabia là nền bóng đá mạnh thật sự, sở hữu các cầu thủ có tố chất hàng đầu châu Á, nhất là về mặt kỹ thuật.

Tuy nhiên, so với cầu thủ của Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay cả Iran, các cầu thủ Saudi Arabia ít được biết đến hơn, do các cầu thủ của quốc gia Ả rập này hầu như không thi đấu tại châu Âu.

Là "anh cả" của khối Ả rập, là một trong những quốc gia có trữ lượng giàu mỏ lớn nhất thế giới, nên so với các quốc gia Ả rập lân cận như Qatar, UAE hay Bahrain, Saudi Arabia ít làm dịch vụ hơn hẳn, kể cả dịch vụ giải trí như bóng đá, bởi họ... giàu sẵn rồi.

Là một nước rất giàu, nên giải quốc nội của Saudi Arabia cũng đủ giàu để nuôi các cầu thủ của mình. Các cầu thủ Saudi Arabia hầu như không có khái niệm tìm đường sang châu Âu thi đấu. Hiện tại, mức lương trung bình của các ngôi sao Saudi Arabia ở trong nước là một triệu USD/năm (gần 23,5 tỷ đồng), tương đương với thu nhập của các cầu thủ triển vọng tại châu Âu.

Ngoài ra, hồi đầu những năm 1990, bóng đá Saudi Arabia từng có chính sách không "xuất khẩu" cầu thủ, vì sợ chảy máu tài năng. Chính sách này thay đổi vào năm 1998, nhưng đến lúc ấy, cầu thủ Saudi Arabia đã quen với việc đá bóng ở trong nước.

Đội tuyển Saudi Arabia vượt Hàn Quốc, chỉ kém Nhật Bản về truyền thống - 2

Cựu tiền đạo Saeed Al-Owairan của Saudi Arabia từng ghi một trong những bàn thắng đẹp nhất lịch sử các kỳ World Cup, vào lưới đội Bỉ tại USA'94.

Dù vậy, kỳ thực, các CLB của Saudi Arabia rất mạnh. Họ sở hữu CLB Al-Hilal là đội giàu truyền thống nhất châu lục, với ba lần vô địch AFC Champions League (1991, 2000, 2019), cùng 4 lần về nhì. Al-Hilal là đội bóng vô địch giải đấu này nhiều lần nhất (ngang với CLB Pohang Steelers - Hàn Quốc: 1997, 1998, 2009).

Ngoài Al-Hilal, Saudi Arabia còn có đội Al-Ittihad hai lần vô địch AFC Champions League (2004, 2005).

Về mặt tố chất, Saudi Arabia từng sở hữu "Pele của sa mạc" (hay "Pele của xứ Ả rập") Saeed Al-Owairan, người từng ghi một trong những bàn thắng đẹp nhất lịch sử các kỳ World Cup, với pha "solo" qua 5 cầu thủ Bỉ và sút tung lưới đội này, ở vòng bảng World Cup 1994 tại Mỹ.

Đây là giải đấu mà Saudi Arabia vào đến vòng 1/8, đồng thời bàn thắng của Saeed Al-Owairan từng một thời được so sánh với tuyệt phẩm mà Diego Maradona ghi vào lưới tuyển Anh tại World Cup 1986.

Ít năm sau USA'94, bàn thắng của Saeed Al-Owairan được FIFA bình chọn là bàn thắng đẹp thứ 6 trong lịch sử bóng đá thế giới. Cho đến nay, Al-Owairan vẫn là cầu thủ châu Á ghi bàn thắng được xếp hạng cao nhất bởi FIFA.

Thế nên, đừng nhìn vào sự kém nổi tiếng của Saudi Arabia để đánh giá thấp đội này, kể cả khi so với các "đại gia" của bóng đá châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Iran. Họ kém nổi tiếng vì họ không có cầu thủ đá bóng ở châu Âu, chứ so về mặt truyền thống, Hàn Quốc vẫn kém Saudi Arabia, còn Iran cũng chỉ ngang với đội bóng xứ Ả rập.

Đội tuyển Saudi Arabia vượt Hàn Quốc, chỉ kém Nhật Bản về truyền thống - 3