Đối thủ của tuyển Việt Nam, Oman có thực sự đáng sợ?

H.Long

(Dân trí) - Oman được đánh giá nhỉnh hơn so với đội tuyển Việt Nam trong trận đối đầu vào lúc 23h00 ngày 12/10. Mặc dù vậy, đội bóng Tây Á này có thực sự đáng sợ?

Sau 3 trận đấu đầu tiên ở bảng B vòng loại World Cup 2022, đội tuyển Oman đã giành được 3 điểm (có cùng số điểm như Nhật Bản, Trung Quốc). Họ đã giành chiến thắng với tỷ số 1-0 trước Nhật Bản trong trận đầu tiên. Tuy nhiên, sau đó, đội tuyển này đã thua trước Saudi Arabia và Australia.

Đối thủ của tuyển Việt Nam, Oman có thực sự đáng sợ? - 1

Oman không phải là đối thủ quá tầm với đội tuyển Việt Nam.

Trên bảng xếp hạng FIFA, Oman đang đứng thứ 78, hơn đội tuyển Việt Nam tới 17 bậc. Mặc dù vậy, việc hạ gục đối thủ này không phải là điều bất khả thi. Bởi lẽ, lối chơi của Oman không có quá nhiều đặc biệt so với những đội bóng Tây Á khác.

Trong những năm qua, đội tuyển Việt Nam chưa bao giờ ngán lối chơi thiên về sức mạnh và tốc độ của những đội bóng ở khu vực này. Chính vì vậy, đoàn quân của HLV Park Hang Seo đã có kinh nghiệm nhất định.

Ở ba trận đấu vừa qua, Oman đều phải thi đấu cửa dưới trước ba đối thủ mạnh hơn là Nhật Bản, Saudi Arabia và Australia. Do đó, họ ít nhiều đã phải thi đấu phòng ngự. Tuy nhiên, khả năng đội bóng này sẽ chuyển sang chơi tấn công trong trận đấu gặp đội tuyển Việt Nam.

Điểm mạnh của Oman là khả năng tấn công biên cực tốt. Điều này không khó để nhận ra. Cả hai bàn thắng của họ ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022 (vào lưới Nhật Bản, Australia) đều xuất phát từ những đường chuyền bên cánh phải vào vòng cấm.

Đối thủ của tuyển Việt Nam, Oman có thực sự đáng sợ? - 2
Đối thủ của tuyển Việt Nam, Oman có thực sự đáng sợ? - 3

Những pha tấn công cánh tiêu biểu của Oman, khiến hàng thủ Nhật Bản chao đảo.

Hai cầu thủ đóng vai trò quan trọng trong lối chơi này là Zahir Al Aghbari (số 8) và Abdullah Fawaz (số 12). Bên cạnh đó, Oman còn sở hữu hậu vệ trái  Ali Al Busaidi (số 17) với khả năng hỗ trợ tấn công cực tốt.

Đặc biệt, trong trận đấu với Nhật Bản, hai cánh của Oman chơi cực tốt trong những pha phản công. Họ liên tục làm khổ hàng thủ Nhật Bản ở bên cánh trái (suýt mang về quả phạt đền ở cánh này nhưng trọng tài từ chối sau khi tham khảo VAR). Trong khi đó, bàn thắng duy nhất của Oman tới từ quả phạt bên cánh phải.

Sơ đồ chuyền bóng của Oman trong hai trận đấu với Australia và Nhật Bản dưới đây chỉ ra rằng đội bóng này không giỏi tiếp cận trực diện ở trung lộ, mà thường di chuyển bóng sang hai biên để tận dụng tốc độ của các cầu thủ chạy cánh.

Đối thủ của tuyển Việt Nam, Oman có thực sự đáng sợ? - 4

Sơ đồ chuyền bóng của Oman trong trận gặp Australia.

Đối thủ của tuyển Việt Nam, Oman có thực sự đáng sợ? - 5

Sơ đồ chuyền bóng của Oman ở trận gặp Nhật Bản. Cả hai trận đấu này đều chỉ ra rằng Oman thực hiện rất nhiều đường chuyền từ hai biên và không giỏi tấn công trực diện.

Ở trận đấu với đội tuyển Việt Nam, Oman sẽ không có sự phục vụ của Zahir Al Aghbari ở hàng lang cánh (cầu thủ này có thể chơi ở cả hai cánh). Chính điều này sẽ mang tới cơn đau đầu cho HLV Branko Ivankovic bởi đây là nhân tố rất quan trọng.

Oman thường thi đấu với hai tiền đạo là Khalid Khalifa Al Hajri (số 7) và Rabia Alawi Al Mandhar (số 19). Đây là sự kết hợp của cầu thủ có khả năng tì đè tốt là Al Hajri (cao 1,85 mét) và một người thi đấu khá nhanh nhẹn là Al Mandhar. Việc khắc chế hai cầu thủ này không hề đơn giản.

Trên băng ghế dự bị, đội bóng Tây Á còn có "quân bài tẩy" là cầu thủ Issam Al Sabhi (số 2). Cầu thủ trẻ này có khả năng tì đè cắt mặt, đón quả tạt từ hai biên rất tốt. Ở trận đấu với Nhật Bản, Issam Al Sabhi đã trừng phạt đối thủ chỉ vài phút sau khi vào sân.

Trong khi đó, ở hàng thủ, điểm mạnh của Oman là sự năng nổ. Họ chưa bao giờ ngại tranh chấp tay đôi. Thế nhưng, hàng thủ của Oman không được đánh giá cao, đặc biệt là khả năng phòng ngự tuyến hai.

Đối thủ của tuyển Việt Nam, Oman có thực sự đáng sợ? - 6
Đối thủ của tuyển Việt Nam, Oman có thực sự đáng sợ? - 7
Đối thủ của tuyển Việt Nam, Oman có thực sự đáng sợ? - 8

Khả năng phòng ngự tuyến hai của Oman trong ba bàn thua đều gặp vấn đề. Họ không theo kèm cầu thủ nhận bóng phía sau của đối thủ. Bên cạnh đó, để ý thấy Oman đều không phòng ngự được các pha tấn công từ cánh.

Để ý thấy, 3/4 bàn thua của đội bóng Tây Á cho tới thời điểm này đều có điểm chung. Vị trí tiền vệ phòng ngự không bọc lót tốt tuyến hai và để cầu thủ đối phương thoải mái dứt điểm và ghi bàn. Những hình ảnh dưới đây sẽ chỉ ra điều đó.

Bên cạnh đó, Oman mạnh về tấn công biên nhưng lại hổng ở phòng thủ biên do những hậu vệ của họ thường có xu hướng dâng cao hỗ trợ. Nhật Bản, Saudi Arabia và Australia đều nhìn ra điểm yếu này và khai thác. Australia, Saudi Arabia đã thành công. Nhật Bản cũng có những pha bóng nguy hiểm ở hai bên cánh (nhưng không thể tận dụng được).

Cũng khó so sánh lối chơi của Oman với Trung Quốc (đối thủ của đội tuyển Việt Nam cách đây vài ngày) bởi họ thi đấu theo cách khác nhau. Thế nhưng, có một điểm chung là đội tuyển Việt Nam cần phòng ngự những tình huống tạt bóng từ hai cánh tốt hơn, để tránh những bàn thua "khá dễ dàng" như trận gặp Trung Quốc cách đây ít ngày.

Nhìn chung, nếu chúng ta thi đấu đúng sức, việc có điểm trước Oman là hoàn toàn khả thi. Họ vẫn ở tầm dưới so với Saudi Arabia, Iran hay thậm chí cả Iraq hoặc UAE ở khu vực Tây Á.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm