Đại chiến Man Utd - Chelsea: Cẩn thận vì những “liều thuốc mê”!
(Dân trí) - Người ta đã nói quá nhiều về những ngôi sao tấn công đắt giá của Man Utd và Chelsea mà quên mất rằng điểm yếu chí tử của hai CLB này đều nằm ở hàng thủ.
Sau trận chiến với PSG, Man Utd đang được đưa lên mây xanh nhờ chiến thắng trước PSG ngay trên sân Công viên các Hoàng tử. Thực tế, Quỷ đỏ xứng đáng nhận được lời khen ngợi sau chiến thắng đầy quả cảm ấy.
Nhưng có một vấn đề, Man Utd đã chấp nhận thi đấu cửa dưới hoàn toàn. Có nghĩa rằng, họ đã chủ động xây dựng khối bê tông vững chắc ở tuyến sau. Có những thời điểm, khối bê tông ấy có tới... 11 người.
Nhìn chung, chiến thuật của Man Utd khá đơn giản. Họ tập trung phòng ngự với số đông, rồi đẩy bóng thật nhanh cho Bruno Fernandes. Để từ đó, ngôi sao người Bồ Đào Nha phát động đường chuyền dài lên tuyến trên cho cặp tấn công Rashford và Martial.
Một điểm mấu chốt, PSG lại tỏ ra quá... chậm chạp và máy móc. Trong nhiều tình huống Man Utd dồn lên tấn công, PSG lại quá “chậm rãi” triển khai bóng từ tuyến dưới. Trong khi đó, ở phía trên, Mbappe chỉ chờ một đường phất bóng.
Man Utd dưới thời HLV Solskjaer không ít lần thành công khi thi đấu ở vị thế cửa dưới như vậy. Dù vậy, vấn đề ở chỗ, họ có chấp nhận “đổ bê tông” trước Chelsea ngay trên sân Old Trafford? Hơn nữa, Chelsea chắc hẳn đã rút ra nhiều bài học từ PSG. Họ có Timo Werner đủ nhanh và mạnh để khiến hàng thủ Man Utd rối tung.
Việc hàng thủ Man Utd thi đấu khá hay trước PSG khiến người ta quên mất thực tế rằng, họ đang là một trong những đội bóng để thủng lưới nhiều nhất Premier League với 12 bàn/4 trận (chỉ có West Brom thủng lưới nhiều hơn thế, 13 bàn/5 trận).
Ở trận đấu với Chelsea, Harry Maguire sẽ trở lại. Có nghĩa rằng, HLV Solskjaer sẽ phải thay đổi về nhân sự. Bộ ba Tuanzebe, Luke Shaw, Lindelof, những người đã phối hợp với nhau khá ổn trong trận đấu với PSG có thể bị thay thế. Hay nói cách khác, kết cấu hàng thủ của Man Utd có thể bị phá vỡ và từ đó, sai lầm có thể xuất hiện.
Trong nhiều năm qua, Man Utd luôn gặp vấn đề ở sự ổn định. Trong những ngày đẹp trời, họ có thể bùng nổ, khiến ngay cả PSG chịu khuất phục. Nhưng ở chiều ngược lại, Man Utd từng trải qua thất bại 1-6 trước Tottenham ở mùa này.
“Liều thuốc mê” từ trận đấu với PSG có thể khiến Man Utd quên rằng họ đang là một trong những CLB mắc sai lầm cá nhân nhiều nhất Premier League. Và cứ khi Lindelof và Maguire thi đấu cạnh nhau ở mùa này, họ lại... mắc sai lầm.
Chelsea cũng đã phải uống “liều thuốc mê” như vậy ở trận đấu với Sevilla. Nhưng khác với Man Utd, đoàn quân của HLV Lampard bước vào cuộc chiến ấy với vị thế của cửa trên. Tức là Sevilla chấp nhận phòng ngự, để Chelsea mặc sức tấn công. Do đó, áp lực dồn vào hàng thủ của Chelsea không lớn như Man Utd.
Vì vậy, không thể xem trận đấu với Sevilla là màn kiểm chứng cho thấy Chelsea đã ổn, dù ở thời điểm này, HLV Lampard đã gần như ổn định bộ khung hàng thủ với cặp trung vệ Thiago Silva, Zouma. Cùng với đó, trong khung gỗ, Mendy cũng được HLV Lampard đảm bảo vị trí xuất phát.
Ở mùa này, Chelsea đã trải qua những trận đấu rất đáng quên. Đó là hai trận hòa 3-3 với West Brom và Southampton. Kịch bản chung ở hai trận đấu ấy, đó là hàng thủ của The Blues mắc sai lầm cá nhân nghiêm trọng.
Sự tập trung là điều mà hàng thủ Chelsea luôn thiếu. Họ thường bị mất tập trung trong một giai đoạn nhất định và hứng chịu những bàn thua không đáng có. Nếu là Timo Werner, hẳn bạn sẽ rất tức điên nếu một ngày nào đó, bạn tỏa sáng rực rỡ trên hàng công, rồi chứng kiến hàng thủ phá tan đi thành quả ấy.
Thực tế, khác với Solskjaer, Lampard là người theo đuổi triết lý tấn công. Chính HLV người Anh này từng tức điên sau trận gặp Chelsea: “Các cầu thủ đã làm trái ý tôi. Đáng ra ở thời điểm cuối trận, họ cần chơi bóng dài và bớt dâng cao pressing thì họ lại làm ngược lại. Các cầu thủ quá mải mê triển khai bóng tấn công”.
Nói vậy để thấy, trước cuộc đại chiến vào đêm nay, cả Man Utd và Chelsea đều đã uống “liều thuốc mê” và nghĩ rằng hàng thủ đã ổn. Tuy nhiên, hãy cẩn thận, những yếu kém có thể phơi bày ngay thôi, nếu như họ không có đấu pháp hợp lý.