Chuyên gia: "Bóng đá Việt Nam thất bại ở Asiad không phải là bất ngờ"
(Dân trí) - Cả bóng đá nam và bóng đá nữ Việt Nam đều bị loại sau vòng bảng Asiad 19. Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia Đoàn Minh Xương chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng này.
Cả hai đội tuyển bóng đá nam và bóng đá nữ đều chia tay Asiad 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc) sau vòng bảng, theo ông nguyên nhân do đâu?
- Về việc đội tuyển Olympic bóng đá nam bị loại theo tôi không có bất ngờ. Các đối thủ sử dụng lực lượng Olympic (U23+3), trong khi chúng ta chủ yếu sử dụng lứa U20, với mục tiêu cho các cầu thủ trẻ học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.
Duy chỉ có việc đội tuyển bóng đá nữ bị loại sau vòng bảng mang lại cho tôi đôi chút ngạc nhiên. Tôi cũng dự đoán đội tuyển nữ Việt Nam thua Nhật Bản ở lượt cuối vòng bảng, nhưng không ngờ chúng ta thua đậm thế (0-7).
So với những gì mà đội tuyển nữ Việt Nam từng thể hiện trước Mỹ và Bồ Đào Nha ở World Cup 2023, tại Asiad lần này chúng ta chơi không tốt bằng. Nguyên nhân thì HLV Mai Đức Chung đã nói rồi: Đội tuyển trải qua thời gian dài thi đấu liên tục, các cầu thủ đến với Asiad không có phong độ và sự hưng phấn.
Thất bại của các đội bóng đá nam và bóng đá nữ một lần nữa phản ánh chênh lệch về trình độ giữa chúng ta với nhóm đầu châu lục?
- Đúng là khoảng cách quá lớn. Về bóng đá nam, cả Đông Nam Á nói chung vẫn còn kém xa so với các nền bóng đá hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Iran, Saudi Arabia, Hàn Quốc, Australia hay Qatar, Uzbekistan, chứ không riêng gì bóng đá Việt Nam.
Các nền bóng đá ở Đông Nam Á bắt buộc phải đầu tư tiếp, nhằm thu ngắn khoảng cách trình độ.
Còn về bóng đá nữ, chúng ta có thể thấy Nhật Bản dự Asiad 19 với thành phần gần như khác hẳn so với thành phần dự World Cup, trong khi chúng ta chỉ có một đội hình thi đấu vắt qua nhiều giải khác nhau, sự mệt mỏi và giảm hưng phấn của các cầu thủ là không thể tránh khỏi.
Vậy thì đâu là giải pháp cho việc thu hẹp trình độ cả nhóm đầu châu Á, thưa ông?
- Bất cứ thất bại nào cũng cho chúng ta những kinh nghiệm. Việc xây dựng lực lượng luôn luôn cần thiết cho bóng đá nội. Chúng ta cần phát triển bóng đá cộng đồng, xây dựng các HLV giỏi, cải thiện khâu tuyển chọn cầu thủ…
Với bóng đá nữ, khâu tuyển chọn cầu thủ và phát triển nguồn HLV không hề đơn giản.
Nhưng đây là khâu phải thực hiện, vì như chúng ta đã thấy, việc đội tuyển nữ thất bại ở Asiad 19 sau một kỳ World Cup thành công đặt ra bài toán lực lượng cho chính chúng ta, khi phải tham dự nhiều giải đấu trong cùng một năm.
Trên hành trình học hỏi và đúc kết kinh nghiệm từ những thất bại, chúng ta có mô hình nào để noi gương không, thưa ông?
- Sự thành công của bóng đá Nhật Bản là mô hình đáng học tập. Tính hệ thống trong bóng đá Nhật rất cao, từ khâu đào tạo trẻ cho đến vận hành bóng đá chuyên nghiệp.
Người Nhật chơi theo cách của riêng mình và giờ đây bóng đá Nhật Bản đã tiệm cận trình độ thế giới. Vừa rồi đội tuyển nam Nhật Bản còn thắng đậm cả đội tuyển Đức.
Tính hệ thống là điều mà bóng đá Việt Nam đang thiếu, đặc biệt trong khâu đào tạo trẻ. Sau thế hệ cầu thủ của những Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh chúng ta hiện không có lứa U23 mạnh như trước, điều này phản ánh chân đế chưa vững vàng, các thế hệ cầu thủ giỏi chưa nối tiếp nhau xuất hiện liên tục.
Hơn nữa, lối chơi xuyên suốt của các đội tuyển Việt Nam là gì vẫn chưa có lời giải. Lối chơi hiện tại của các đội tuyển phụ thuộc hoàn toàn vào các HLV. Ví dụ như thời HLV Park Hang Seo đá thiên về phòng ngự. Đến thời HLV Troussier chơi thiên về kiểm soát bóng, tùy theo triết lý cầm quân của từng người.
Đây là khâu mà chúng ta thấy rõ bóng đá Nhật Bản đã cải thiện thành công. Các đội bóng của Nhật có lối chơi theo phong cách riêng của họ, ít chịu ảnh hưởng hoặc ít thay đổi một cách đột ngột dưới các triều đại của các HLV khác nhau.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!