Chuyện của Công Phượng và chuyện của bóng đá nội

(Dân trí) - Câu chuyện bây giờ phức tạp vì ai cũng muốn làm rõ, cho dù có làm rõ rồi thì tính chất có lẽ cũng không khác lúc khởi đầu: Tức là giấy tờ vẫn có thể chứng minh Phượng sinh năm 1995, nhưng cũng chẳng ai cấm được dư luận cứ đoán già đoán non.

Giấy tờ đúng tức là tuổi hợp lệ

Bây giờ VFF đã chính thức vào cuộc để làm rõ chuyện Công Phượng sinh năm nào: 1995 hay 1993, sau khi đã có nghi vấn trong mấy ngày gần đây?

Thật ra từ trước đó, phía HA Gia Lai và học viện HAGL-Arsenal.JMG đã trưng ra được giấy khai sinh và học bạ, chứng minh Công Phượng sinh năm 1995. Mới đây, lại nghe phía địa phương trình ra bản khai sinh gốc của cầu thủ này, cũng phản ánh rằng anh sinh năm 1995, theo… giấy tờ.

Thành ra, việc tìm về địa phương xác minh hóa ra không cần thiết. Không cần thiết ở chỗ Công Phượng thì vẫn là Công Phượng. Trừ trường hợp cầu thủ này mượn danh của người khác, mượn giấy khai sinh của người khác để đi đá bóng. Còn trường hợp giấy khai sinh đấy là của chính Công Phượng, thì tuổi trên giấy khai sinh tức là căn cứ để tính tuổi của cầu thủ này.

Và một khi giấy khai sinh đấy không phải là giấy khai sinh giả, chẳng hiểu người ta đang cố chứng minh điều gì tiếp theo?

Tranh cãi rồi tìm hiểu về tuổi thật của Công Phượng có khi là... vô ích
Tranh cãi rồi tìm hiểu về tuổi thật của Công Phượng có khi là... vô ích


Như chúng tôi từng đề cập, ở Việt Nam, nhất là ở những khu vực xa các đô thị lớn, chuyện người ta làm khai sinh chậm hơn so với thời gian sinh thực tế của nhiều cô bé, cậu bé không phải là điều hiếm. Đấy không chỉ là chuyện riêng của bóng đá, mà còn là đặc thù của xã hội.

Quay trở lại trường hợp của Công Phượng, trừ trường hợp cầu thủ này sử dụng giấy khai sinh giả, bằng ngược lại, Công Phượng không có lỗi, phía CLB HA Gia Lai hay học viện HAGL-Arsenal.JMG cũng không có lỗi, vì họ chỉ căn cứ theo giấy tờ.

Và cũng như đã nói, có thể sau hàng loạt động thái mà người ta rầm rộ thực hiện trong thời gian gần đây, trong việc làm rõ tuổi thật của Công Phượng, mọi chuyện có thể quay trở lại với chính điểm xuất phát: Đấy là về mặt giấy tờ, tức là về mặt pháp lý, Công Phượng vẫn 19 tuổi (sinh 1995), nhưng ngay cả khi đó, ai cấm dư luận đặt dấu hỏi về tuổi thật của cầu thủ này?

Và thế là người trong cuộc chứng minh thì cứ chứng minh, còn tin hay không vẫn là chuyện của dư luận, đấy nói cho cùng cũng là đặc thù của một xã hội mà ở đó tuổi trên giấy tờ đôi khi không phải là tuổi thật!

Nỗi buồn của một nền bóng đá

Điều buồn nhất ở đây chính là ở chỗ chuyện lẽ ra chẳng có gì đáng ầm ĩ, nếu xảy ra ở một nền bóng đá khác, ở một hoàn cảnh khác.

Có lẽ chẳng có ở đâu như bóng đá Việt Nam, người ta soi quá kỹ một cầu thủ còn chưa hề thi đấu đỉnh cao, soi quá kỹ về một lứa cầu thủ vốn chỉ mới nổi tiếng là “chuyên gia về nhì” ở các giải đấu trẻ tầm khu vực.

Khi nào người ta càng nói nhiều về Công Phượng, về lứa U19 của bầu Đức thì càng chứng tỏ phần còn lại của bóng đá nội… cẳng còn gì để mà nói.

Thật ra thì ở nhiều nền bóng đá trên thế giới, một cầu thủ hay một lứa cầu thủ chỉ đáng được gọi là sao khi cầu thủ hay lứa cầu thủ ấy tỏa sáng ở các giải đấu không kể tuổi. Đằng này, bóng đá Việt Nam có vẻ như đặt quá nhiều kỳ vọng, kỳ vọng đến phi lý vào lứa cầu thủ còn chưa hề xuất hiện trong bóng đá đỉnh cao như lứa U19 của bầu Đức, nên thành ra dễ hụt hẫng khi xuất hiện thông tin bất lợi cho lứa cầu thủ ấy.

Công Phượng và các cầu thủ cùng trang lứa của mình vẫn đầy triển vọng, nhưng chỉ nên gọi họ là hay, là xuất sắc nếu họ tỏa sáng ở các giải đấu không kể tuổi, chứ không phải các giải đấu trẻ.

Khi đó, Công Phượng chuyện sinh năm 1993 hay 1995 có khi không còn quan trọng, chuyện tuổi thật của Công Phượng hay bất cứ cầu thủ nào khác có giống với tuổi trên giấy tờ hay không cũng cẳng quan trọng, mà điều quan trọng nhất lúc đó là Công Phượng và các đồng đội của anh đá hay hay dở?

Trọng Vũ