Cán mốc 40 HCV, Trung Quốc lập nhiều kỳ tích ấn tượng ở Olympic 2024
(Dân trí) - Dù mất ngôi đầu bảng tổng sắp huy chương về tay Mỹ vào phút cuối, đoàn thể thao Trung Quốc vẫn có một kỳ Olympic Paris 2024 thành công và ấn tượng với rất nhiều kỳ tích lập được.
Sự thống trị của Trung Quốc ở môn bóng bàn, nhảy cầu, cử tạ và bắn súng
Ở các kỳ Olympic, chỉ cần nhắc tới môn bóng bàn, môn nhảy cầu hay cử tạ, hầu như tất cả mọi người đều nghĩ ứng cử viên số một giành huy chương vàng (HCV) sẽ là vận động viên (VĐV) người Trung Quốc.
Olympic Paris 2024 đã minh chứng những suy nghĩ đó của mọi người là hoàn toàn đúng. 3 năm về trước tại Olympic Tokyo, Trung Quốc từng thâu tóm 6/7 HCV của môn bóng bàn, chỉ để tuột mất HCV nội dung đôi nam nữ về tay nước chủ nhà Nhật Bản.
Còn ở lần này tại Pháp, đã không có bất ngờ nào xảy ra khi Trung Quốc giành trọn bộ 5 tấm HCV ở môn bóng bàn, gồm các nội dung đôi nam nữ, đơn nam, đơn nữ, đồng đội nam và đồng đội nữ.
Thậm chí ở hai nội dung đồng đội nam và đồng đội nữ, người Trung Quốc đã trải qua 5 kỳ Thế vận hội liên tiếp giành HCV, cho thấy sự thống trị tuyệt đối của đất nước tỷ dân ở môn thể thao đòi hỏi kỹ thuật cao này.
Cũng giống như môn bóng bàn, Trung Quốc gây sốc khi thâu tóm toàn bộ 8 HCV ở môn nhảy cầu. 8 nội dung mà Trung Quốc giành HCV bao gồm 3m cầu mềm và 10m cầu cứng đơn nam, đơn nữ, đôi nam và đôi nữ.
Nhảy cầu là môn thể thao Olympic lâu đời. Trong thời gian dài trước đây, đoàn thể thao Mỹ luôn vượt trội ở bộ môn này. Tuy nhiên kể từ năm 1988, Trung Quốc đã vươn lên thành số một. Olympic Paris 2024 là Thế vận hội thứ 10 liên tiếp Trung Quốc đứng đầu môn nhảy cầu.
Dù vậy, giải đấu diễn ra tại Pháp mới là lần đầu tiên nhảy cầu Trung Quốc thống trị tuyệt đối, giành trọn bộ HCV. Họ thậm chí giành thêm 2 huy chương bạc khác, nhiều hơn bất cứ đội tuyển nào khác tại Olympic Paris 2024.
Cử tạ cũng là môn thể thao mang về rất nhiều HCV cho đoàn thể thao Trung Quốc tại Olympic Paris 2024. Đầu tiên là Li Fabin mang về HCV ở hạng cân 61kg của nam, tiếp đó là Hou Zhihui giành HCV hạng cân 49kg của nữ, Lou Shifang giành HCV ở hạng cân 59kg của nữ, Liu Huanhua giành HCV ở hạng cân 102 của nam.
Trong ngày thi đấu cuối cùng 11/8, nữ đô cử Li Wenwen giành HCV ở hạng cân trên 81kg, là tấm HCV thứ 5 mà đoàn thể thao Trung Quốc giành được ở môn cử tạ.
Đáng chú ý, môn bắn súng cũng giúp đoàn Trung Quốc thâu tóm 4 tấm HCV ở Olympic Paris. Cặp đôi Huang Yuting và Sheng Lihao mở hàng HCV cho đoàn thể thao Trung Quốc ở nội dung súng trường hơi 10m đồng đội hỗn hợp.
Tiếp đó VĐV Xie Yu giành HCV ở nội dung súng ngắn hơi 10m nam, Sheng Lihao giành HCV ở nội dung súng trường hơi 10m nam, Liu Yukun giành HCV súng trường 50m nam ba tư thế. Cuối cùng, VĐV Li Yuehong giành HCV nội dung súng lục 25m nam bắn nhanh .
4 môn thể thao trên đã mang về tổng số 22 tấm HCV trong tổng số 40 HCV mà đoàn thể thao Trung Quốc giành được ở Olympic Paris 2024, thậm chí còn nhiều hơn số HCV của đội xếp thứ ba ở bảng tổng sắp huy chương là Nhật Bản giành được (Nhật Bản tổng cộng có 20 HCV, 12 HCB và 13 HCĐ).
Những kỳ tích gây sốc của Trung Quốc ở các môn thể thao không phải thế mạnh
Bên cạnh tiếp tục giữ vững sự thống trị ở các môn thể thao thế mạnh của mình, Trung Quốc tiếp tục "đánh chiếm" HCV ở các môn thể thao mặc định thuộc về các nước châu Âu hoặc châu Phi.
Tại Olympic Paris 2024, lần đầu tiên chứng kiến một tay vợt Trung Quốc giành được HCV ở môn quần vợt ở Thế vận hội. Người lập nên kỳ tích là VĐV Zheng Qinwen khi cô đánh bại Donna Vekic của Croatia với tỷ số thuyết phục 6-2 và 6-3 trong trận chung kết môn quần vợt nội dung đơn nữ.
Chang Yuan là một cái tên khác lập kỳ tích cho đoàn thể thao Trung Quốc ở môn quyền anh. Nữ võ sĩ 27 tuổi đã trở thành nữ võ sĩ đầu tiên giành HCV Olympic cho Trung Quốc khi đánh bại Hatice Akbas của Thổ Nhĩ Kỳ bằng tính điểm nhất trí trong trận chung kết hạng cân 54kg.
Điều bất ngờ là chỉ sau đó ít ngày, đến lượt nữ võ sĩ Wu Yu cũng mang về tấm HCV môn quyền anh ở hạng cân 50kg. Chưa dừng lại đó, người Trung Quốc gây sốc cả thế giới khi giành HCV thứ 3 ở môn quyền anh, khi VĐV Li Qian giành HCV ở hạng cân 75kg của nữ.
Thậm chí, nữ võ sĩ Yang Liu cũng giành quyền vào chơi trận chung kết hạng cân 66kg và cô chỉ chịu thất bại trước võ sĩ gây tranh cãi về giới tính là Imane Khelif.
Ở môn bơi, kình ngư Pan Zhanle của Trung Quốc cũng gây sốc cả thế giới khi giành HCV ở nội dung 100m nam, nội dung được mặc định sẽ thuộc về người Mỹ hoặc các VĐV đến từ châu Âu.
Không chỉ vậy, Pan Zhanle còn lập kỷ lục Olympic khi về đích trong 46,40 giây, phá vỡ kỷ lục thế giới là 46,80 giây do chính anh xác lập vào tháng 2 tại Doha (Qatar).
Không chỉ lập thành tích cá nhân, Pan Zhanle cũng góp công lớn khi cùng các đồng đội là Xu Jiayu, Qin Haiyang và Sun Jiajun giành thêm HCV nội dung bơi 4x100m nam.
Hai tấm HCV mà người Trung Quốc giành được ở Olympic Paris 2024 khiến nhiều đối thủ cảm thấy ganh tỵ, thậm chí họ còn đào bới lại câu chuyện nhiều VĐV Trung Quốc dính doping ở các kỳ thể thao trước đó để cho rằng những tấm HCV nói trên là "rất có mùi gian lận".
Mặc cho thế giới ganh tỵ, người Trung Quốc vẫn tiếp tục cạnh tranh sòng phẳng và giành lấy những tấm HCV bất ngờ ở Olympic Paris. Ngày 10/8, đội tuyển thể dục nhịp điệu Trung Quốc cũng làm nên mốc son lịch sử, khi lần đầu tiên giành huy chương vàng Olympic, với thành tích 69.800 điểm. Đội Israel và đội Italy lần lượt về nhì và ba.
Đây cũng là lần đầu tiên một đội đến từ bên ngoài châu Âu giành huy chương vàng Olympic ở nội dung thể dục nghệ thuật toàn năng kể từ khi nó trở thành nội dung thi đấu chính thức tại Olympic Atlanta (Mỹ) năm 1996.
Điều đó để nói lên rằng, ngôi vị số 2 ở bảng tổng sắp huy chương của Trung Quốc với 40 tấm HCV, 27 HCB và 24 HCĐ (ngang bằng số HCV của Mỹ nhưng không giành được ngôi đầu do kém về số HCB và HCĐ) là sự nỗ lực không biết mệt mỏi của đất nước tỷ dân trong việc giữ vững sự thống trị ở những môn thế mạnh và cạnh tranh sòng phẳng ở những môn thể thao bị đánh giá là yếu thế hơn.