Bộ VH, TT&DL hoàn tất báo cáo Chính phủ về tổ chức Asiad 18

(Dân trí) - Sau hai lần giải trình trước Chính phủ, Bộ VH, TT&DL đã rà soát lại toàn bộ những vấn đề đáng chú ý của đề án tổ chức Asiad 18, trước khi có buổi báo cáo lần thứ 3 với Chính phủ để quyết định việc có nên tổ chức Asiad hay không.

Một lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết, bản kế hoạch tổ chức Asiad 2019 lần này về cơ bản không có nhiều thay đổi so với các báo cáo gần đây nhất của Bộ VH,TT&DL. Đặc biệt, Bộ VH, TT&DL khẳng định số tiền 150 triệu đủ để tổ chức Asiad. Lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết, các công trình thể thao hiện nay của Việt Nam đã đáp ứng được 80% việc tổ chức Asiad 2019. Ngành thể thao cũng cam kết kinh phí tổ chức Asiad 2019, không tính các nguồn xã hội hóa mà chỉ trong ngân sách, sẽ không vượt quá con số 150 triệu USD.

Phía Bộ VH,TT&DL cho biết, Bộ đã hoàn tất báo cáo về công tác tổ chức Asiad 2019 để trình lên Chính phủ xem xét. Còn việc quyết định có nên hay không tiếp tục đăng cai Asiad 2019 sẽ do Chính phủ quyết định.


Việt Nam đang cố gắng giải quyết vấn đề tài chính phục vụ cho Asiad 18

Việt Nam đang cố gắng giải quyết vấn đề tài chính phục vụ cho Asiad 18

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC) Hoàng Vĩnh Giang, VOC và Tổng cục TDTT đang rà soát lại toàn bộ các công trình hiện có để phục vụ Asiad 18, cũng như liệt kê đầy đủ các hạng mục phải xây mới nhằm cung cấp cho Bộ trưởng VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh báo cáo với Chính phủ.

Vấn đề đáng được quan tâm nhất trong đề án tổ chức Asiad, chính là việc đầu tư xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo tại Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình và Làng VĐV.

Theo báo cáo trước đó, đối với dự án xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo sẽ khoảng 10.500 tỷ đồng, bao gồm cả tổ hợp trung tâm thương mại – dịch vụ và khách sạn 5 sao.

Trong trường hợp dự án sân đua xe đạp lòng chảo không được triển khai thực hiện theo hình thức liên doanh, Bộ VH,TT&DL đề xuất sử dụng ngân sách trung ương để xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo với quy mô thích hợp khoảng 3.000 chỗ ngồi nhằm tiết kiệm chi phí.

Trong khi đó, sau cuộc làm việc với OCA vừa qua, phía VOC cũng xin ý kiến không xây làng VĐV mà sử dụng các khách sạn có sẵn. Đây là phương an có thể triển khai bởi số khách sạn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận rất nhiều, hoàn toàn có thể đáp ứng được số lượng VĐV, quan chức…các đoàn tham dự.

Ông Hoàng Vĩnh Giang xác nhận Việt Nam chưa đặt cọc kinh phí 1 triệu USD như quy định của Hội đồng Olympic châu Á. Tuy nhiên, việc rút lui lúc này sẽ ảnh hưởng nhiều đến uy tín và danh dự của Việt Nam, chứ không hẳn là chuyện chưa đặt cọc thì có thể rút lui dễ dàng.

Được biết, tại cuộc họp của OCA ở Kuwait cuối tháng 3 vừa qua, tổ chức này chưa bàn gì về vấn đề tổ chức Asiad 18 của Việt Nam bởi mối quan tâm lúc này là đại hội 2014 tại Incheon - Hàn Quốc. Như vậy, Việt Nam sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị một đề án tốt nhất, được sự ủng hộ cao nhất của các bên cũng như người dân.

Tuy nhiên, nguy cơ Việt Nam rút lui khỏi Asiad không phải là không có. “Nếu Việt Nam có ý định rút lui khỏi Asiad 18, OCA sẽ thành lập một hội đồng để xem xét vấn đề này”, ông Giang cho hay.

Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 1/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, nhiệm vụ của Bộ VH,TT&DL là phối hợp với các bộ, ngành liên quan, TP Hà Nội và các địa phương lân cận để tính toán lại khả năng chúng ta có tổ chức được sự kiện Asiad 18.

Về việc nên hay không nên tổ chức Asiad 18. Thủ tướng Chính phủ sẽ nghe Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL báo cáo án phương án cụ thể việc đăng cai tổ chức Asiad 18 để quyết định có lý, có tình trên cơ sở lắng nghe ý kiến từ nhiều phía.

Theo giải trình kế hoạch của Bộ VH, TT&DL, kinh phí tổ chức Asiad 18 mà ngân sách nhà nước chi ra là 150 triệu USD và phần lớn được vận động nguồn vốn xã hội hóa. Theo một lãnh đạo Tổng cục TDTT, chúng ta không phải quá lo bài toán xã hội hóa bởi nếu như Chính phủ đồng ý, việc mời doanh nghiệp đầu tư sẽ không khó khăn, bởi khi đó chính Chính phủ sẽ đứng ra kêu gọi nhà đầu tư.

Kim Anh - Lê Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm