1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Việt Nam chưa đặt cọc tiền tổ chức Asiad 18

(Dân trí) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết đến thời điểm này Việt Nam chưa phải bỏ ra nhiều tỷ đồng để đặt cọc đăng cai Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 như một số thông tin trên báo chí.

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 tổ chức hôm nay (7/4), vấn đề Asiad nhận được sự quan tâm lớn của báo chí. Có tới một nửa số lượng câu hỏi của phóng viên dành cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên là về nội dung này.


Nước chủ nhà Việt Nam đang có những bước chuẩn bị kinh phí cho Asiad 18

Nước chủ nhà Việt Nam đang có những bước chuẩn bị kinh phí cho Asiad 18


Trước thông tin cho rằng, Việt Nam phải đặt cọc quyền đăng cai Asiad 18 mất nhiều tỷ đồng và có thể mất trắng nếu rút quyền đăng cai, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đã bác bỏ và khẳng định, Việt Nam chưa hề đặt cọc đồng nào.

“Đến giờ này, theo tôi biết, chúng ta chưa đặt cọc đồng nào cả, chỉ đề nghị đăng cai và có bước vận động. Sau đó người ta sẽ xét, giao cho mình với những điều kiện mình có thể đáp ứng được. Chúng ta đăng ký số tiền bỏ ra là 150 triệu USD. Quá trình thẩm định thời điểm đó là năm 2010, nhằm dự định cho năm 2019. Chúng ta tính 9 năm sau, đất nước phát triển cao theo lộ trình. Nhưng tình hình khó khăn, nên bây giờ đang ở thế mà có người nói là “tiến thoái lưỡng nan”. Thực ra theo tôi hiểu, không có vấn đề gì ràng buộc lớn ở chỗ này. Tiền lệ đã có hai nước từng trả lại.

Đến giờ này, thể thao châu Á có 4 nước từng tổ chức rất khó khăn. Tất nhiên quy định trả lại cũng có điều kiện, nhưng chúng ta có lý lẽ, nếu như thấy không đủ các điều kiện đảm bảo cho Asiad. Tôi chưa tìm hiểu kỹ nhưng cũng chưa nghe thông tin nói rằng khi trả lại thì có bị phạt gì không, hình như không có chế tài gì ở đây. Tinh thần hiểu là như vậy”, Bộ trưởng nói.

Về lo ngại lãng phí khi phải chi số tiền 150 triệu USD và có thể phải nhiều hơn do các điều kiện thi đấu của Asiad cao gần tương đương Olympic, Bộ trưởng cho rằng, không ai tổ chức sự kiện thể thao mà có lãi cả. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nên cũng nhấn mạnh: “Asiad 18 là sự kiện thể thao lớn của châu Á, không chỉ mang ý nghĩa thể thao mà còn mang ý nghĩa khác. Các nước đăng cai có thể do được phân công hoặc bản thân quốc gia đó thấy có nhu cầu cần tạo một sự kiện để nâng cao hình ảnh đất nước, thu hút du lịch, đầu tư để tạo điểm nhấn, qua đó phát triển các mặt khác.

Có nhiều ý kiến của các chuyên gia ngay cả trong lĩnh vực thể thao cho rằng, Bộ VH, TT&DL tính toán hiện đã có 80% cơ sở vật chất thể thao nhưng rất nhiều cơ sở được làm từ SEA Games 22 từ năm 2003. Bên cạnh đó, mức độ thi đấu của SEA Games 22 so với Asiad là rất thấp. Vì vậy những thiết bị thi đấu không đáp ứng được Asiad 18 nên tổng đầu tư không thể nằm ở con số như Bộ VH,TT&DL dự báo.

Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trả lời: “Chúng ta không nên trách ngành TDTT cố gắng ra sức bảo vệ quan điểm của ngành vì đấy là trách nhiệm của ngành. Nếu để tuột sự kiện này thì sẽ không có cơ hội tổ chức sự kiện lớn, không chỉ phục vụ cho ngành mà còn cho đất nước. Về lý lẽ, hiện nay cơ sở chúng ta đã làm cho những kỳ SEA Games và những kỳ thể thao trước đó có thể sử dụng lại được, chỉ cần tu bổ lại. Đó là điều tra báo cáo với con số 80% cơ sở vật chất sử dụng được.

Thứ hai, nếu không tổ chức Asiad thì cũng phải bỏ một số kinh phí nhất định để bảo trì, tu bổ, bảo quản những công trình này. Những lý lẽ đó của những người đang bảo vệ việc tổ chức Asiad cũng rất thuyết phục. Tất nhiên, khi Thủ tướng Chính phủ làm việc thì sẽ nghe kỹ và phải có báo cáo từ Bộ VH,TT&DL, từ các cơ quan chức năng cũng như địa phương, đơn vị thẩm định”.

Theo dự kiến, trong tuần này Chính phủ sẽ tiếp tục nghe báo cáo của Bộ VH, TT&DL về vấn đề tổ chức Aisad, sau đó mới đưa ra quyết định cuối cùng là có nên làm hay không.

Kim Anh-Lê Cường