4000 tỷ đồng đăng cai ASIAD 18: Nguồn từ đâu?

(Dân trí) - Hai phần ba nguồn kinh phí tổ chức ASIAD 18 sẽ được huy động từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước để chuẩn bị và tổ chức Đại hội.

Đây là hướng hướng chỉ đạo của Chính phủ theo công văn số 9544/VPCP-KGVX (ngày 11/11/2013).

Hai phần ba kinh phí sẽ được xã hội hóa

Công văn 9544 của Văn phòng Chính phủ (11/11/2013) đã yêu cầu các Bộ VH,TT&DL, Tài chính, Kế hoạch đầu tư… làm rõ các cơ sở xác định tổng kinh phí chuẩn bị và tổ chức Đại hội, nhất là nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, trong đó làm rõ tính khả thi trong việc bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để nâng cấp các cơ sở thi đấu, khả năng huy động kinh phí từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước để đáp ứng khoản 2/3 nhu cầu tổng kinh phí chuẩn bị và tổ chức Đại hội theo đề xuất tại Đề án (kinh phí chuẩn bị và tổ chức Đại hội theo đề xuất tại Đề án đã tăng lên nhiều so với mức dự kiến ban đầu).


Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2010

Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2010

Dự toán thu do Bộ VH,TT&DL ước tính sẽ thu 1.131 tỷ đồng với thu bán vé xem thi đấu: 30 tỷ đồng, Thu từ đóng góp của các đoàn: 189 tỷ đồng, thu hoàn tiền đặt cọc của Ban tổ chức: 42 tỷ đồng; thu từ các hoạt động tài trợ, quảng cáo, cấp phép, bản quyền truyền hình, bán các sản phẩm của Đại hôi ở trong nước và ngoài nước: 840 tỷ đồng, tương ứng với mức dự báo thu tài trợ theo tỷ lệ mà Ban tổ chức Đại hội được hưởng trong hợp đồng thành phố đăng cai…

Ngoài kinh phí chi cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình thể thao, các địa phương chủ động lập dự toán, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn kinh phí khác chi cho công tác tổ chức đại hội trên địa bàn, các hoạt động cải tạo, chỉ trang đường phố, cơ sở hạ tầng, tuyên truyền, quảng cáo và các khoản chi khác theo phân cấp của Ban tổ chức trung ương. Kinh phí chi từ huy động các nguồn hợp pháp khác là: 12.985 tỷ đồng.

Bộ VH,TT&DL cũng trình phương án xã hội hóa. Theo đó, “Về nguồn vốn xã hội hóa: nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện Đề án là: 12.985 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 67,4% tổng chi phí chuẩn bị và tổ chức Đại hội) tập trung chủ yếu cho việc đầu tư xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo tại Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình và Làng vận động viên.

Đối với dự án xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo (dự kiến kinh phí đầu tư lớn, khoảng 10.500 tỷ đồng, vì dự án có kèm theo tổ hợp trung tâm thương mại – dịch vụ và khách sạn 5 sao), thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTT&DL đã hoàn thiện dự thảo Đề án thí điểm đặt cược thể thao, trong đó đề xuất cho phép thí điểm tổ chức cá cược đối với hoạt động thi đấu đua xe đạp trong sân, đang trong quá trình xin ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan và sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý 1 năm 2014.

Trong trường hợp dự án sân đua xe đạp lòng chảo không được triển khai thực hiện theo hình thức liên doanh, Bộ VHTT&DL đề xuất sử dụng ngân sách trung ương để xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo với quy mô thích hợp khoảng 3.000 chỗ ngồi, có hoặc không có mái che để vừa phục vụ tổ chức thi đấu tại ASIAD 18, vừa phục vụ lâu dài cho công tác đào tạo, huấn luyện vận động viên của nước ta trong những năm tới.

4 năm vận động đăng cai ASIAD 2018

Cách đây 4 năm, tháng 3/2010, Bộ VHTT&DL đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin Chính phủ phê duyệt chủ trương tham gia vận động giành quyền đăng cai tổ chức Đại hội thể thao châu Á và Đại hội thể thao bãi biển châu Á tại Việt Nam. Sau 2 tháng, tháng 5/2010 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Thủ tướng đã có ý kiến: đồng ý chủ trương vận động đăng cai Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 năm 2019 và Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 4 năm 2016.


Cung điền kinh ở khu liên hiệp thể thao Mỹ Đình

Cung điền kinh ở khu liên hiệp thể thao Mỹ Đình


Để triển khai vận động đăng cai Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 năm 2019 Bộ VHTT&DL đã lấy ý kiến các bộ, ngành, UBND các tỉnh liên quan, đã 5 lần có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã 1 lần trực tiếp chỉ đạo bằng văn bản (đồng ý việc Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tham dự phiên họp Đại hội đồng lần thứ 31 Hội đồng Olympic châu Á tại Macao, Trung Quốc từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 11 năm 2012).

Xét về kinh phí tổ chức Đại hội thể thao châu Á ở một số nước có quy mô khác nhau, do điều kiện xuất phát khác nhau và quan niệm về chi phí cho việc này là khác nhau. Ví dụ, Trung Quốc tuyên bố chi phí cho Đại hội thể thao châu Á 2010 ở Quảng Châu là 17 tỷ USD, vì bao gồm: xây dựng một thành phố mới, hệ thống tàu điện ngầm của Quảng Châu và hoàn thiện, nâng cấp hệ thống giao thông của thành phố Quảng châu.

Cách tổ chức của ASIAD của Việt Nam hoàn toàn khác. Hai dự án Sân đua xe đạp lòng chảo và Khu liên hợp thể thao Xuân Trạch - Hà Nội. Trong đề án của Bộ VH,TT&DL là 1 dự án kết hợp cùng khách sạn 5 sao, trung tâm dịch vụ thương mại do nước ngoài đầu tư (500 triệu USD) nếu được Chính phủ Việt Nam.

Khu liên hợp thể thao Xuân Trạch - Đông Anh là một bộ phận của quy hoạch phát triển TDTT thành phố Hà Nội đến 2020, định hướng 2030 đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua ngày 6/12/2013. Chủ đầu tư là UBND thành phố Hà Nội không phải Chính phủ, sẽ không phụ thuộc vào việc có tham gia Đại hội thể thao châu Á 2019 hay không.

Kim Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm