1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Bị xếp "lót đường", VĐV Indonesia vẫn gây sốc khi giành huy chương Olympic

H.Long

(Dân trí) - Vận động viên (VĐV) cử tạ người Indonesia, Rahmat Erwin Abdullah đã bất ngờ dành huy chương ở nội dung 73kg nam. Điều đáng nói, anh chỉ bị xếp vào nhóm "lót đường".

Bất ngờ cực lớn đã xảy ra ở môn cử tạ nội dung 73kg nam, khi VĐV người Indonesia, Rahmat Erwin Abdullah đã giành được huy chương đồng.

Bị xếp lót đường, VĐV Indonesia vẫn gây sốc khi giành huy chương Olympic - 1

Rahmat Erwin Abdullah đã giành huy chương đồng ở Olympic 2020 một cách khó tin.

Điều đáng nói, Rahmat Erwin Abdullah chỉ tham dự ở nhóm B nội dung này (dành cho những VĐV đăng ký mức tạ thấp). Trong khi đó, những VĐV được xếp vào nhóm A là những người đăng ký mức tạ cao, và được xếp vào nhóm có khả năng tranh chấp huy chương.

Kết thúc phần thi của mình, Rahmat Erwin Abdullah đã đạt tổng cử 342 kg. Anh thành công trong cả ba lần cử giật, với mức tạ cao nhất là 152 kg. Tới lần cử đẩy đầu tiên, anh thành công với mức tạ 180 kg. Sau đó, anh đã chinh phục thành công mức tạ 190 kg ở lần đẩy thứ 3 (lần 2 thất bại ở mức 190 kg).

Kết quả này giúp cho VĐV người Indonesia dẫn đầu nhóm B, với khoảng cách tổng cử lên tới 22 kg so với người xếp thứ 2. Tuy nhiên, ngay cả những người mơ mộng nhất cũng không nghĩ rằng Rahmat Erwin Abdullah có thể giành huy chương.

Ngay sau đó, nhóm A bước vào tranh tài. Lực sĩ Shi Zhiyong (Trung Quốc) đã cho thấy sự thống trị ở nội dung này khi đạt mức tổng cử lên tới 364 kg (cử giật: 166 kg, cử đẩy: 198 kg). Về thứ hai là VĐV người Venezuela, Mayoya Perina. Dù vậy, anh vẫn kém người đứng đầu Shi Zhiyong tới 18 kg. Đô cử này đạt tổng cử 346 kg.

Bị xếp lót đường, VĐV Indonesia vẫn gây sốc khi giành huy chương Olympic - 2

Thành tích của VĐV Indonesia ở nhóm B.

Có nghĩa rằng, chỉ cần 1 VĐV đạt mức tổng cử 343 kg, Rahmat Erwin Abdullah sẽ không còn cơ hội tranh chấp huy chương. Tất nhiên, các VĐV ở nhóm A đều đăng ký vượt qua cột mốc này. Nhưng điều thần kỳ đã xảy ra, khi tất cả những VĐV còn lại đều… nâng không thành công.

Người có thành tích cử giật tốt nhất ở nhóm A là VĐV người Bulgaria, Bozhidar Andreev với mức tạ 154 kg. Có nghĩa rằng, anh chỉ cần nâng được mức tạ 189 kg ở cử đẩy trở lên là sẽ vượt qua được thành tích Rahmat Erwin Abdullah.

Trong lần cử đẩy đầu tiên, Bozhidar Andreev đã thành công ở mức tạ 184 kg. Tuy nhiên, khá bất ngờ khi VĐV này thất bại ở cả hai mức tạ 189 kg và 190 kg. Do đó, VĐV Bulgaria chỉ đạt tổng cử 338 kg.

Thất bại khác cũng vô cùng đáng tiếc thuộc về VĐV người Tunisia, Karem Ben Hnia. Anh đã nâng thành công mức tạ 153 kg ở cử giật. Thế nhưng, cũng giống như Bozhidar Andreev, Karem Ben Hnia chỉ nâng được cử đẩy ở mức 185 kg và thất bại ở hai lần sau đó với mức tạ 190 kg.

Trong khi đó, VĐV người Albania, Briken Calja đã nâng được mức cử đẩy 190 kg nhưng anh lại chỉ có thành tích ở nội dung cử giật là 151 kg. Do đó, tổng cử của VĐV này chỉ là 341 kg, tức kém VĐV người Indonesia 1 kg.

Bị xếp lót đường, VĐV Indonesia vẫn gây sốc khi giành huy chương Olympic - 3

Thành tích của các VĐV nhóm A.

Theo tiết lộ của Reuters, Rahmat Erwin Abdullah đã quyết định đăng ký ở hạng thấp để có tâm lý thoải mái hơn. Do đó, anh đã nâng được mức tạ "ngoài sức tưởng tượng".

Sau khi giành tấm huy chương đồng, Rahmat Erwin Abdullah chia sẻ: "Điều duy nhất tôi có thể làm là cầu nguyện. Cuối cùng, tôi đã vỡ òa hạnh phúc khi giành huy chương".

Điều đáng nói, cha của Rahmat Erwin Abdullah cũng là VĐV cử tạ. Tuy nhiên, ông đã buộc phải từ bỏ giấc mơ tham dự Olympic 2004 vì chấn thương. "Hôm nay, tôi sẽ tặng cha mình tấm huy chương này. Đó là vinh quang của hai cha con tôi".

Tính tới thời điểm này, đoàn thể thao Indonesia đã giành được 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng ở Olympic 2020. Tất cả đều ở môn cử tạ.

Dòng sự kiện: Olympic Tokyo