1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Ai chịu trách nhiệm sau thất bại của Ánh Viên ở Olympic Tokyo?

Huyền Trang

(Dân trí) - Dù biết Nguyễn Thị Ánh Viên không có cửa tranh chấp huy chương ở Olympic Tokyo 2020, nhưng hình ảnh "kình ngư" Việt Nam về sau đối thủ cả vòng bể khiến nhiều người đau đớn.

Ánh Viên về cuối cùng ở vòng loại nội dung 800m tự do nữ

Chiều 29/7, Ánh Viên bước vào nội dung cuối ở Olympic Tokyo 2020 là 800m tự do nữ. Dù đây không phải nội dung sở trường của VĐV người Cần Thơ, nhưng việc cô về đích với thành tích 9 phút 03 giây 56, xếp 30/31 vận động viên (VĐV), khiến tất cả phải bất ngờ. Thực tế, nếu một VĐV ở nội dung này không bỏ cuộc, Ánh Viên đã xếp cuối…

Ai chịu trách nhiệm sau thất bại của Ánh Viên ở Olympic Tokyo? - 1

Ánh Viên xếp thứ 30/31 ở nội dung vòng loại bơi 800m tự do nữ.

Điều đáng nói là thông số của tuyển thủ sinh năm 1996 thấp một cách kinh ngạc. Ánh Viên kém VĐV cuối cùng của top 8 là Jianjiahe Wang (Trung Quốc) tới gần… 1 phút. So với SEA Games 2019, thành tích Olympic của Ánh Viên thua HCV của VĐV người Singapore Ching Huee Gan (8 phút 41 giây 48) tới 22 giây, kém mức HCB của chính mình (8 phút 48 giây 65) tới 15 giây.

Như vậy ở cả hai nội dung mà Ánh Viên tham dự ở Olympic năm nay, kết quả đều thấp ngoài tưởng tượng của giới chuyên môn. Dĩ nhiên, dịch Covid-19 khiến VĐV người Cần Thơ không có một sự chuẩn bị chu đáo, chưa kể hơn một năm qua cô không có HLV, không chuyên gia ngoại, không được thi đấu các giải quốc tế.

Nhưng không phải bây giờ, mà từ nhiều năm trước, khi Ánh Viên tập huấn theo "mô hình lạ" một thầy một trò ở Mỹ, giới chuyên môn, báo chí và cả người hâm mộ đều cho rằng sự đầu tư này mang nhiều bất cập, và chỉ có thể giúp VĐV sinh năm 1996 đạt đến tầm khu vực, chứ khó có cửa tranh huy chương Olympic.

Ai chịu trách nhiệm sau thất bại của Ánh Viên ở Olympic Tokyo? - 2
Ánh Viên từng "làm mưa làm gió" ở đấu trường khu vực.

Chuyến tập huấn đó đã kéo dài tới 7 năm. Và điều mà ít người biết rằng, mỗi năm đi tập huấn biền biệt của Ánh Viên và HLV Đặng Anh Tuấn như thế, tiêu tốn khoảng 4 tỷ đồng của ngành thể thao và đơn vị Quân đội.

Số tiền đầu tư này nhiều hơn gần như toàn bộ các môn thể thao khác, cao hơn nhiều so với kinh phí cấp cho toàn bộ đội tuyển điền kinh với hàng chục VĐV, với mục tiêu là giành 13 đến 15 HCV ở mỗi kỳ SEA Games.

Theo một thống kê, trong 7 năm tập huấn tại Mỹ, Ánh Viên đã mang về cho thể thao Việt Nam 25 HCV cùng nhiều kỷ lục ở các kỳ SEA Games. Đây là thành tích rất đẹp để ngành thể thao báo cáo…

Nhưng trong suốt một thời gian dài, mô hình tập huấn "một thầy một trò" ở nước ngoài hiếm thấy với thể thao Việt Nam, đã không được những người có trách nhiệm đánh giá một cách nghiêm túc, bởi như một lãnh đạo Tổng cục TDTT thừa nhận, việc kiểm tra sự tiến bộ của Ánh Viên hoàn toàn dựa vào báo cáo hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng HLV của Ánh Viên gửi về.

Ai chịu trách nhiệm sau thất bại của Ánh Viên ở Olympic Tokyo? - 3

Mô hình tập huấn một thầy một trò ở Mỹ có rất nhiều vấn đề nhưng không được ngành thể thao điều chỉnh suốt 7 năm.

Ở đây cần phải nói thêm HLV Đặng Anh Tuấn là người theo sát Ánh Viên từ ngày sang Mỹ, lo tất cả mọi chuyện như ăn uống, tập luyện, dạy văn hóa… Nhưng tất cả thông tin về quá trình tập huấn không rõ ràng, minh bạch.

Trước thềm Olympic 2016 (Brazil), Tổng cục TDTT xem xét việc cho HLV Đặng Anh Tuấn nghỉ, nhưng rốt cuộc không quyết định nào được đưa ra và cuối cùng, việc tập huấn của Ánh Viên được phó mặc hoàn toàn cho hai thầy trò.

Báo chí đã rất nhiều lần nghi ngờ về các giáo án tập huấn thuần Việt của thầy trò Ánh Viên trên đất Mỹ. Đó là chuỗi những ngày đi tập nhờ bể bơi, rồi thi đấu tranh huy chương ở các giải đấu dành cho sinh viên.

Ánh Viên gần như không có chuyên gia ngoại theo kèm, không có một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Ngành thể thao dường như không quan tâm tới điều đó, miễn là cứ mỗi lần về nước, "tiểu tiên cá" lại có thể mang về cả chục HCV SEA Games là được.

Ánh Viên đã đánh đổi cả tuổi thanh xuân với gần chục năm xa nhà, đổi lại là những tấm HCV và kỷ lục SEA Games, xem ra như vậy là quá thiệt thòi.

Ai chịu trách nhiệm sau thất bại của Ánh Viên ở Olympic Tokyo? - 4
Với tố chất tuyệt vời, Ánh Viên hoàn toàn có thể đủ sức tranh chấp huy chương Olympic.

Ai cũng thấy rằng Ánh Viên đã vượt tầm khu vực từ lâu, nhưng chưa đủ lực để tranh huy chương châu lục, thế giới và Olympic. Nếu sự đầu tư cho Ánh Viên đúng hướng hơn, mọi thứ có thể đã khác. Ngành thể thao đã để lãng phí một tài năng hiếm có thực sự, và giờ có nhận ra thì cũng đã quá muộn.

Có một câu chuyện khiến ai cũng phải suy ngẫm, đó là 7 năm trước ở Thế vận hội trẻ tại Nam Kinh, Ánh Viên giành HCV 200m bơi hỗn hợp nữ. Người về sau Viên là một VĐV Hongkong, trẻ hơn Viên 1 tuổi. VĐV này đã xuất sắc giành tấm HCB 200m tự do ở Olympic Tokyo 2020, trong khi thành tích của Ánh Viên kém nhất trong vòng 10 năm qua.

Ánh Viên hội tụ đủ yếu tố để có thể giành huy chương Olympic, nhưng những sai lầm trong khâu đầu tư, tập luyện sai quy trình, khiến cô sớm lụi tàn.

Chiều 29/7, Ánh Viên thua đối thủ gần một vòng bể ở nội dung 800m. Thất bại ấy, không đáng để "cô gái vàng" phải chịu đựng, nhưng lúc này ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Dòng sự kiện: Olympic Tokyo