1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Yếu tố có thể xuyên thủng "phòng tuyến" chống dịch tại Mỹ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Biến chủng Delta nguy hiểm lây lan với tốc độ cao ở Mỹ gần đây àm dấy lên lo ngại rằng các bang đang chậm chạp trong việc tiêm vắc xin Covid-19 có thể bùng nổ các ổ dịch nguy hiểm mới.

Yếu tố có thể xuyên thủng phòng tuyến chống dịch tại Mỹ - 1

Mỹ đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin, nhưng một số bang tốc độ tiêm chủng chậm có thể tạo ra lỗ hổng trong nỗ lực chống dịch của nước này (Ảnh minh họa: Reuters).

Trả lời phỏng vấn CBS, cựu quan chức Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Scott Gottlieb cảnh báo rằng, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 (lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ) đang nhanh chóng trở thành biến chủng lây nhiễm chủ chốt tại quốc gia này.

Hiện có khoảng 10% ca Covid-19 ở Mỹ liên quan tới chủng Delta, tuy nhiên con số này tăng gấp đôi mỗi 2 tuần.

Do Mỹ đang tích cực thực hiện chiến dịch tiêm chủng, nên Delta có thể không gây bùng dịch số lượng lớn trên toàn quốc. Tuy nhiên, nhiều khu vực ở Mỹ vẫn đối diện nguy cơ bùng dịch trở lại, gây ra những điểm yếu trong "phòng tuyến" ngăn dịch ở nước này.

"Tôi cho rằng, một số khu vực trên cả nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt là ở miền Nam, vẫn tồn tại nguy cơ ổ dịch bùng nổ do chủng Delta", ông Gottlieb cảnh báo.

Mỹ hiện đã tiêm được 309 triệu liều vắc xin và 64,4% dân số trưởng thành của nước này đã tiêm ít nhất 1 liều. Giới quan sát đánh giá, vắc xin là "phép màu" chống dịch giúp Mỹ bước qua những tháng ngày "quay cuồng" vì dịch bệnh. Số ca bệnh mới, số ca nhập viện, số người tử vong vì dịch trên đà giảm, nhịp sống dần trở lại bình thường và hồi sinh ở nhiều khu vực. 

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vắc xin ở một số bang vẫn thấp. Các bang như Alabama, Louisiana, Mississippi và Wyoming ghi nhận ít hơn 50% dân số trưởng thành tiêm ít nhất 1 liều vắc xin.

"Với những bang chậm trễ tiêm chủng, Delta có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng vì các chuyên gia tin rằng Delta rất dễ lây nhiễm so với biến chủng trước đó. Tin tốt là các bằng chứng cho thấy vắc xin vẫn có hiệu quả với chủng này. Chúng ta có công cụ để kiểm soát và đánh bại nó, chúng ta chỉ cần sử dụng các công cụ mà thôi", ông Gottlieb nhấn mạnh.

Nói về một số triệu chứng lạ như viêm tim xảy ra với người từng tiêm vắc xin Pfizer và Moderna ghi nhận trong thời gian gần đây, ông Gottlieb cho rằng chưa thể khẳng định vắc xin là nguyên nhân chính gây ra các hiện tượng đó. Ông cũng nhấn mạnh rằng, những điều trên không làm thay đổi cán cân lợi ích của việc tiêm vắc xin Covid-19 so với rủi ro có thể xảy ra biến chứng.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết, các trường hợp tiêm chủng xảy ra biến chứng vẫn rất hiếm gặp và hầu hết các bệnh nhân đều có phản ứng với các phác đồ điều trị hiện có.