DMagazine

Xung đột ngàn năm Israel - Palestine "đốt nóng" vùng đất thiêng

(Dân trí) - Mâu thuẫn giữa Israel - Palestine là cuộc xung đột dai dẳng và gây tranh cãi nhất thế giới. Căng thẳng âm ỉ qua hàng ngàn năm, thường xuyên nóng lên và có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào.

XUNG ĐỘT NGÀN NĂM ISRAEL - PALESTINE "ĐỐT NÓNG" VÙNG ĐẤT THIÊNG 

Mâu thuẫn giữa Israel - Palestine về lãnh thổ, tôn giáo và chính trị là cuộc xung đột dai dẳng và gây tranh cãi nhất thế giới. Căng thẳng âm ỉ qua hàng ngàn năm, thường xuyên nóng lên và có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào.

Nguồn gốc xung đột 

Xung đột ngàn năm Israel - Palestine đốt nóng vùng đất thiêng - 1

Mâu thuẫn Israel - Palestine luôn được xem là vấn đề nóng nhất tại "chảo lửa" Trung Đông (Ảnh: Getty).

Theo cách hiểu rộng rãi, Palestine là khu vực địa lý ở Tây Á nằm giữa biển Địa Trung Hải và sông Jordan. Ranh giới của nó đã thay đổi nhiều lần trong lịch sử, ngày nay là nhà nước Israel và các lãnh thổ Palestine do nhà nước Palestine tuyên bố chủ quyền.

Người Do Thái coi vùng đất Palestine là quê hương của tổ tiên họ, nhưng người Ả Rập cũng tuyên bố chủ quyền dựa trên lập luận rằng các quốc gia Ả Rập Hồi giáo đã cai trị vùng đất này từ xa xưa, suốt nhiều thế kỷ.

Từ thế kỷ thứ 11 trước Công nguyên, người Do Thái và người Ả Rập đã sống chung tại vùng đất Palestine. Trong suốt hàng nghìn năm sau đó, Palestine đã qua tay nhiều nhà cai trị. Từ khoảng năm 1517 đến năm 1917, Đế chế Ottoman kiểm soát phần lớn khu vực này. 

Năm 1914, Anh tuyên chiến với đế chế Ottoman. Năm 1915, chính phủ Anh thỏa thuận với các thủ lĩnh Ả Rập trong khu vực về sự hình thành một nhà nước Ả Rập ở Palestine, đổi lại họ sẽ nổi dậy chống lại Ottoman.

Tháng 11/1917, Ngoại trưởng Anh khi đó là Arthur James Balfour đã viết một bức thư (bức thư sau này được gọi là Tuyên bố Balfour), trong đó ủng hộ việc thành lập ở Palestine một "quê hương dân tộc" cho người Do Thái, nhưng sẽ không làm phương hại đến các quyền dân sự và tôn giáo của các cộng đồng không phải Do Thái đang sinh sống tại Palestine. Đây là nỗ lực để tranh thủ sự ủng hộ của người Do Thái trên toàn thế giới cho các hoạt động chiến tranh của phe Đồng Minh.

Kết thúc Thế chiến I, vùng đất Palestine là nơi sinh sống của đa số dân Ả Rập và người thiểu số Do Thái. Anh được giao quản lý vùng đất Palestine, với nhận thức về Tuyên bố Balfour vốn bị dân Ả Rập địa phương bác bỏ. Phong trào bài Do Thái ở châu Âu dẫn đến lượng lớn người di cư đến đây (trong khoảng thời gian từ năm 1919 đến năm 1926, khoảng 90.000 người đã đến Palestine). Vào những năm 1930, 250.000 người Do Thái đổ về đây do sự bức hại của phát xít Đức.

Mâu thuẫn đã bùng phát giữa chủ nghĩa dân tộc của người Ả Rập tại Palestine và chủ nghĩa phục quốc Do Thái, cũng như chống lại sự cai trị của Anh.  

Năm 1947, Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ tách Palestine thành 2 nhà nước Do Thái và Ả Rập riêng biệt, trong đó Jerusalem hưởng quy chế khu vực quốc tế, trong đó người Do Thái và người Ả Rập sống xen kẽ nhau. Kế hoạch đó đã được các lãnh đạo Do Thái chấp nhận nhưng bị phía Ả Rập bác bỏ và không trở thành hiện thực.

Sự thành lập Israel và các cuộc chiến với thế giới Ả Rập

Xung đột ngàn năm Israel - Palestine đốt nóng vùng đất thiêng - 2

Thành phố Jerusalem được xem là thánh địa của 3 tôn giáo lớn là Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo (Ảnh: Getty). 

Ngày 14//1948, một ngày trước khi kết thúc quyền ủy trị của Anh, người đứng đầu Cơ quan Do Thái là David Ben Gurion ra tuyên bố thành lập nhà nước Israel. Ngay lập tức, liên quân Ả Rập dẫn đầu là Ai Cập, Syria, Jordan và Iraq đã tấn công Israel. Cuộc chiến kéo dài dai dẳng một năm với thắng lợi thuộc về nhà nước non trẻ của người Do Thái. Israel không những giữ được lãnh thổ do Liên Hợp Quốc (LHQ) phân chia mà còn chiếm thêm nhiều đất đai mới. LHQ ước tính rằng trên 700.000 người Palestine bị trục xuất hoặc phải chạy trốn khỏi quân Israel trong xung đột, một tình trạng được gọi là Nakba ("tai ương" hay "thảm họa") trong tiếng Ả Rập.

Năm 1967, cuộc chiến tranh 6 ngày bùng nổ giữa Israel và các nước Ả Rập. Liên quân Ai Cập - Syria - Jordan dù đông đảo và trang bị tốt hơn nhưng phối hợp kém. Cuộc chiến kết thúc theo các thỏa thuận ngừng bắn do LHQ thu xếp. Kết quả là, Israel chiếm được thêm Đông Jerusalem, Dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây và 2/3 cao nguyên Golan. Ước tính 280.000 đến 325.000 người Ả Rập Palestine phải chạy trốn hoặc bị trục xuất khỏi Bờ Tây và hơn 100.000 người phải rời bỏ Cao nguyên Golan do chiến tranh. 

Năm 1973, Ai Cập - Syria tiếp tục tấn công Israel nhưng chỉ thắng lợi ở giai đoạn đầu. Israel phản công và đánh đến sát thủ đô Syria cũng như bờ Đông của kênh đào Suez. Hai bên đều tổn thất nặng nề dẫn đến hiệp định hòa bình năm 1978, Israel trả lại bán đảo Sinai cho Ai Cập.

Sự phức tạp về lãnh thổ

Xung đột ngàn năm Israel - Palestine đốt nóng vùng đất thiêng - 3

Qua thời gian, người Palestine đã mất nhiều đất đai và hiện nay chủ yếu sống tại Dải Gaza và Bờ Tây (Đồ họa: BBC).

Khi chiến sự kết thúc, Israel đã ngăn cản người tị nạn Palestine (ước tính 700.000) trở về đất đai cũ của họ - cho rằng điều này sẽ lấn át người Do Thái và đe dọa sự tồn tại của nhà nước Do Thái. Hiện nay, dân tị nạn Palestine từ thời kỳ đó và con cháu họ ước tính hơn 4 triệu người.

Căng thẳng cũng xảy ra ở Bờ Tây, khi thành phố linh thiêng Jerusalem bị chia cắt giữa lực lượng Israel ở phía Tây và Jordan ở phía Đông. Chưa bao giờ có một hiệp định hòa bình ở khu vực này. Israel hiện vẫn chiếm đóng Bờ Tây, liên tục xây thêm các khu định cư (600.000 người Do Thái đang sinh sống ở đây) và mặc dù đã rút khỏi Dải Gaza nhưng LHQ vẫn coi mảnh đất đó là một phần lãnh thổ bị chiếm đóng.

Israel tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của mình, trong khi người Palestine tuyên bố Đông Jerusalem là thủ đô của một nhà nước Palestine trong tương lai. Mỹ là một trong số ít quốc gia công nhận yêu sách của Israel đối với toàn bộ thành phố này.

Ngày 25/3/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel tại phần lớn cao nguyên Golan, động thái gây tranh cãi dữ dội vì rằng đây là lãnh thổ kiểm soát từ Syria năm 1967 (hiện vẫn còn 27.000 người Syria sinh sống).

Qua hơn nửa thế kỷ xung đột, người Do Thái và Ả Rập đã và đang sống xen kẽ nhau trên vùng đất Palestine. Hàng trăm khu định cư Do Thái nhỏ nằm xen kẽ với các làng mạc hoặc gần thành phố Ả Rập giáp ranh giới lập ra sau cuộc chiến 1967. Do vậy, không thể vạch ra biên giới rõ ràng nào giữa người Do Thái và Ả Rập.

Hòa bình mong manh

Xung đột ngàn năm Israel - Palestine đốt nóng vùng đất thiêng - 4

Giải Nobel Hòa bình năm 1994 được trao cho ba nhà lãnh đạo Yasser Arafat của Palestine, Shimon Peres và Yitzhak Rabin của Israel vì các nỗ lực thúc đẩy hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, cho đến nay cuộc xung đột Israel - Palestine vẫn chưa được giải quyết (Ảnh: Getty).

Năm 1964, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) được thành lập với mục đích lập nên một nhà nước Ả Rập Palestine trên vùng đất trước đây do Anh quản trị. Dù theo đuổi biện pháp quân sự nhằm xóa bỏ Israel, PLO đã chấp nhận đàm phán dưới thời nhà lãnh đạo Yasser Arafat và Hiệp ước Oslo được ký kết năm 1993. Theo đó, PLO và nhà nước Do Thái công nhận lẫn nhau, chính quyền Palestine do ông Arafat lãnh đạo kiểm soát các khu vực mà Israel rút quân (Dải Gaza và Bờ Tây) với vai trò như một chính phủ.

Tuy nhiên, tiến trình hòa bình bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ cả hai phía, dù Hiệp ước Oslo thứ hai đã được ký kết năm 1995. Nhà nước Do Thái đã xây thêm nhiều khu định cư mới trên đất Palestine bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, phong trào Hồi giáo Hamas bị cáo buộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Israel.

Dù Nhà nước Palestine đã được đa số thành viên LHQ công nhận và kể từ năm 2012 có vị thế nhà nước quan sát viên (không phải thành viên), lãnh thổ của nó vẫn chưa được xác định, nhất là ở Bờ Tây. Có khu vực ở đây nằm dưới quyền kiểm soát dân sự của Palestine nhưng Israel - Palestine cùng phụ trách an ninh, có khu vực do Israel cai quản dân sự nhưng chính phủ Palestine được cung cấp dịch vụ giáo dục và y tế cho người Ả Rập. Khu vực Đông Jerusalem (dân cư 60% gồm người Ả Rập và 40% người Do Thái) được tuyên bố là thủ đô của Palestine, song thực tế đang được quản lý như một phần của quận Jerusalem thuộc Israel dù bị cộng đồng quốc tế phản đối.

Trải qua nhiều thập niên đàm phán, các mâu thuẫn cơ bản giữa Palestine và Israel cho tới nay vẫn chưa được giải quyết: Vấn đề người tị nạn Palestine sẽ được giải quyết ra sao; các khu định cư của Israel ở Bờ Tây có bị phá bỏ hay không; Jerusalem sẽ được phân định thế nào; và vấn đề gai góc nhất là liệu có nên thành lập một nhà nước Palestine độc lập song song tồn tại và chung sống hòa bình với Israel hay không.

Các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên đã diễn ra suốt nhiều năm nhưng chưa có kết quả. Diễn biến hiện nay của cuộc xung đột Israel - Palestine cho thấy một kế hoạch hòa bình được các bên chấp thuận sẽ còn là viễn cảnh rất xa vời đối với khu vực này.

Xung đột được dự báo

Những ngày tháng 5, Dải Gaza đã "chìm trong biển lửa" trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Palestine liên tục leo thang. Xung đột gần đây bùng phát sau khi Israel được cho là có kế hoạch trục xuất các gia đình Palestine sinh sống nhiều năm ở Đông Jerusalem, nhằm lấy chỗ cho người Do Thái định cư. Hàng trăm người Israel và Palestine đã bị thương trong vụ đụng độ tại khu đền thờ Al-Aqsa - địa điểm linh thiêng của người Hồi giáo gần Bức tường Than khóc ở Jerusalem.

Lực lượng vũ trang Hamas bị cáo buộc đã dội hàng nghìn quả rocket về phía Israel từ ngày 10/5. Đây là lần đầu tiên trong 2 năm qua các vụ không kích của Hamas nhằm vào thành phố Tel Aviv của Israel. Ngoài ra, Hamas cho biết đã sử dụng một loại tên lửa mới có tên Sijeel để vượt qua hệ thống đánh chặn Vòm sắt của Israel.

Đáp trả, Israel đã tiến hành hàng trăm vụ không kích nhằm vào lực lượng Hamas và các nhóm vũ trang Hồi giáo khác tại Dải Gaza, cũng như các vị trí được cho là khu vực quân sự của Palestine. Israel cũng kêu gọi tăng cường 5.000 quân dự bị cho các đơn vị khác nhau trong chiến dịch "Guardians of the Wall" (người bảo vệ tường thành).

Xung đột mới giữa Israel và Palestine dường như được dự báo trước. Từ nhiều thập niên, Israel - Palestine tồn tại cuộc xung đột với những điểm nóng tập trung ở Dải Gaza, Bờ Tây và Jerusalem. Căng thẳng Israel - Palestine vừa là tranh chấp lãnh thổ, vừa là mâu thuẫn tôn giáo khi Israel là những người Do Thái, còn đa số người ở Palestine là người Ả Rập theo đạo Hồi. Xung đột càng thêm trầm trọng khi Israel xây các khu tái định cư ở khu vực tranh chấp.

Trong "Thỏa thuận thế kỷ" được công bố ngày 28/1/2020, cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra giải pháp hai nhà nước để chấm dứt xung đột tại đây. Theo đó, Israel sẽ duy trì kiểm soát thành phố Jerusalem với tình trạng là "thủ đô không chia cắt" của Israel và có các phần đất đã kiểm soát hiện nay. Tuy nhiên, phía Palestine cho rằng kế hoạch này quá thiên vị Israel trong giải quyết tranh chấp về lãnh thổ với Palestine.

Ngày 1/2/2020, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố cắt mọi quan hệ với Israel và Mỹ. Ông Abbas nói rằng kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ đã vi phạm Hiệp ước Oslo giữa người Palestine và Israel. Ông cho rằng Israel sẽ phải "chịu trách nhiệm là lực lượng chiếm đóng" đối với các phần lãnh thổ của Palestine và người Palestine sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh hợp pháp của mình.

Theo Sáng kiến hòa bình Ả Rập 2002, các nước Ả Rập chỉ công nhận Israel sau khi thành lập Nhà nước Palestine độc lập với đường biên giới trước cuộc chiến Ả Rập - Israel năm 1967. Tuy nhiên, thỏa thuận hòa bình giữa Israel và các nước Ả Rập được ký kết hồi cuối năm 2020 lại khiến tiến trình thành lập nhà nước Palestine gặp rất nhiều trở ngại.

Hiện tại, mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước, nhưng theo nhà trí thức người Mỹ gốc Palestine, Rachid el-Khalidi, giáo sư Đại học Colombia, chính sách của Washington là không đổi, thời nào cũng vậy, chính quyền Mỹ đều tán thành chính sách "sự đã rồi" và gây áp lực đối với Palestine khiến Palestine phải đàm phán trong những điều kiện bất lợi nhất.

Nguy cơ một cuộc chiến toàn diện

Xung đột ngàn năm Israel - Palestine đốt nóng vùng đất thiêng - 5

Một tòa nhà có văn phòng của các hãng thông tấn AP và Al Jazeera đã bị đánh sập trong một cuộc không kích của Israel tại Dải Gaza ngày 15/5 (Ảnh: Reuters).

Trước diễn biến bạo lực Israel - Palestine leo thang, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế tiếp tục bày tỏ lo ngại và kêu gọi các bên kiềm chế. Mỹ lên tiếng kêu gọi hạ nhiệt các vụ đụng độ gây thương vong giữa Israel và Paletine, đồng thời lên án các hành vi cực đoan kích động bạo lực. Nga tái khẳng định Moscow sẵn sàng đẩy mạnh các nỗ lực trong tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.

Ngoại trưởng các nước Ả Rập đã kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đẩy nhanh cuộc điều tra nhằm vào Israel về các hành động chiến tranh chống lại người Palestine. Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat lên án các vụ không kích của Israel tại Dải Gaza, cũng như các vụ tấn công bạo lực của lực lượng an ninh nước này vào khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa.

AFP ngày 12/5 dẫn lời đặc phái viên của LHQ về hòa bình Trung Đông Tor Wennesland cảnh báo vòng xoáy bạo lực giữa Israel và Palestine đang có nguy cơ trở thành cuộc chiến toàn diện. Ông kêu gọi: "Dừng bắn ngay lập tức, chúng ta đang leo thang thành chiến tranh toàn diện. Giới lãnh đạo tất cả các bên phải có trách nhiệm xuống thang căng thẳng". Theo ông Wennesland, cái giá cho chiến tranh ở Dải Gaza là tàn phá và chính những dân thường phải trả.

Tuy nhiên, cả Israel và Hamas đều tỏ thái độ không khoan nhượng. Trong một cuộc họp báo được tổ chức ngay sau các vụ giao tranh, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel đang ở giai đoạn gấp rút của một chiến dịch quan trọng, đồng thời cảnh báo các tay súng Hamas sẽ phải "trả giá đắt". "Chúng tôi cam kết Hamas và nhóm Hồi giáo Jihad sẽ phải trả giá đắt cho những hành động chống lại Israel. Họ sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình", ông Netanyahu nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz nói rằng các cuộc tấn công vào Dải Gaza "mới chỉ là bước khởi đầu". Tham mưu trưởng quân đội Israel Aviv Kochavi cho biết quân đội nước này đã nhắm tổng cộng hơn 500 mục tiêu vào Hamas và các nhóm chiến binh khác. Israel đã điều 80 chiến đấu cơ không kích Dải Gaza và lực lượng bộ binh, thiết giáp đã tập hợp sẵn ở biên giới.

Phát ngôn viên phong trào Hamas ở Gaza Fawzi Barhoum cũng tỏ rõ lập trường không khoan nhượng cùng cảnh báo sẽ đáp trả các cuộc không kích của Israel. Người đứng đầu phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh đã khẳng định quyết tâm sẽ không ngừng kháng cự, chừng nào Israel còn theo đuổi hành động bạo lực tại các vùng đất Jerusalem linh thiêng và nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa bị chiếm đóng. "Chúng tôi có quyền phản kháng lại các hành vi khiêu khích của Israel, bảo vệ các lợi ích của người dân chúng tôi, chừng nào Israel còn tiếp tục leo thang các hành vi chiếm đóng", ông Haniyeh nói.

Những diễn biến hiện nay trên thực địa cho thấy, căng thẳng tại Dải Gaza đang bị đẩy lên cao, chỉ cần một "mồi lửa nhỏ" hay một toan tính sai lầm cũng có thể bùng lên thành xung đột nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, một số nhà chuyên gia đang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạ nhiệt xung đột ở Gaza trước lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện có thể xảy ra.

52 máy bay Israel xuất kích tấn công hầm ngầm Hamas