1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Xung đột Hamas - Israel có thể tác động ra sao tới chiến sự Nga - Ukraine?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng căng thẳng bùng phát trở lại ở Trung Đông do xung đột Hamas - Israel có thể ảnh hưởng tới quyết định của Mỹ trong việc viện trợ vũ khí cho Ukraine để đương đầu với Nga.

Xung đột Hamas - Israel có thể tác động ra sao tới chiến sự Nga - Ukraine? - 1

Binh sĩ Israel di chuyển trên đường phố sau khi Hamas tấn công vào nước này hôm 7/10 (Ảnh: Reuters).

Theo Business Insider, nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến lớn ở Trung Đông có thể buộc Mỹ phải đưa ra những quyết định khó khăn về việc đồng minh nào sẽ nhận được nguồn cung cấp đạn dược vốn đã hạn chế của Washington.

Ngày 7/10, nhóm vũ trang Hamas của người Palestine đã phóng hàng nghìn rocket từ Gaza vào Israel, sau đó xâm nhập vào hàng loạt khu vực mà Nhà nước Do Thái đang kiểm soát. Israel đã tuyên bố tình trạng chiến tranh và khẳng định sẽ có những đòn đáp trả cứng rắn.

Căng thẳng leo thang nhanh chóng, cộng với việc Hamas lần này đã mở một cuộc tấn công quy mô lớn khác biệt so với những vụ tập kích trước đó khiến giới quan sát dấy lên lo ngại một cuộc chiến lớn sẽ làm rung chuyển Trung Đông trong thời gian tới.

Sau vụ việc, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ có sự hỗ trợ nhanh chóng cho Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết: "Trong những ngày tới, Bộ Quốc phòng sẽ làm việc để đảm bảo rằng Israel có những gì cần thiết để tự vệ và bảo vệ dân thường khỏi tình trạng bạo lực bừa bãi".

Không quốc gia nào nhận được nhiều hỗ trợ quân sự từ Washington như Israel trong hàng chục năm qua. Chỉ riêng trong năm nay, đất nước này dự kiến sẽ nhận được tổng cộng 3,8 tỷ USD hỗ trợ an ninh của Mỹ.

Tuy nhiên, chiến sự Nga - Ukraine bùng phát hơn 19 tháng trước đã chuyển dịch sự chú ý và cả vũ khí của Mỹ từ Trung Đông sang Đông Âu.

Hồi đầu năm, New York Times dẫn nguồn thạo tin nói rằng, Mỹ có thể đang lấy đạn pháo từ một "kho dự trữ khổng lồ nhưng ít được biết đến" nằm trong lãnh thổ Israel và cung cấp chúng cho Ukraine.

Theo nguồn tin từ các quan chức Mỹ và Israel, Washington dự kiến cung cấp cho Ukraine khoảng 300.000 viên đạn theo tiêu chuẩn NATO từ nhà kho nói trên.

Vào thời điểm đó, một phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel đã từ chối trả lời về việc này, nhấn mạnh đây là việc riêng của Mỹ.

Tới nay, Washington đã chuyển đến Kiev hơn 2 triệu viên đạn pháo 155mm để giúp đẩy lùi đà tiến của quân đội Nga. Mỹ phải lấy cả vũ khí từ các kho dự trữ trong nước để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đạn dược từ Ukraine khi Kiev mở cuộc phản công diện rộng từ tháng 6 tới nay.

Tháng trước, Lầu Năm Góc cho biết, vào năm 2025, họ dự định sản xuất với năng suất 100.000 viên đạn 155mm trong 30 ngày. Con số này tăng so với mức chỉ 14.000 viên/tháng vào đầu năm 2023.

Mặc dù vậy, con số này dường như là không đủ để cung cấp cho lực lượng phòng thủ của Ukraine, vì Kiev ước tính sử dụng trung bình 6.000 quả đạn pháo mỗi ngày.

Giờ đây, khi căng thẳng bùng phát giữa Palestine và Israel, Tel Aviv không thể chỉ dựa vào không quân để tập kích Gaza. Trong cuộc xung đột quân sự lớn gần đây nhất với Hamas 9 năm trước, quân đội Israel đã phải huy động một lượng lớn pháo binh.

Trong cuộc chiến năm 2014, Israel đã bắn ít nhất 32.000 quả đạn pháo vào Gaza, Haaretz đưa tin.

Vì vậy, nếu chiến sự ở Trung Đông kéo dài, Mỹ có thể sẽ rơi vào tình thế phải chọn lựa đồng minh để giúp đỡ và kho đạn pháo đang dần cạn của Washington có thể sẽ phải san sẻ để hỗ trợ cho các bên, cũng như phải duy trì số lượng cần thiết để đảm bảo an ninh cho chính Mỹ.

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine