1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

WHO nói không thể buộc Trung Quốc đưa thêm thông tin về nguồn gốc Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cơ quan này không thể buộc Trung Quốc chia sẻ thêm thông tin về nguồn gốc đại dịch Covid-19, nhưng hy vọng sự hợp tác từ tất cả thành viên.

WHO nói không thể buộc Trung Quốc đưa thêm thông tin về nguồn gốc Covid-19 - 1
Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan (Ảnh: Reuters).

Tại cuộc họp báo ngày 7/6 trả lời câu hỏi của phóng viên liệu WHO sẽ buộc Trung Quốc minh bạch hơn về nguồn gốc Covid-19 hay không, ông Mike Ryan, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO, nói: "WHO không có quyền buộc bất cứ ai về vấn đề này. Nhưng chúng tôi hy vọng sự hợp tác, hỗ trợ của tất cả các thành viên".

Những tranh cãi liên quan về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 bất ngờ nóng trở lại gần đây sau một thời gian tạm lắng. Tại cuộc họp Đại hội đồng Y tế Thế giới hôm 27/5, đại diện của Mỹ và Anh đã đề nghị WHO tiến hành giai đoạn hai cuộc điều tra Covid-19 ở Trung Quốc.

Nhóm chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu hồi tháng 2 đã tới Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc để điều tra nguồn gốc Covid-19. Báo cáo điều tra sau đó đưa ra 4 giả thuyết, trong đó giả thuyết nhiều khả năng nhất là virus có nguồn gốc tự nhiên lây từ động vật nhiễm bệnh sang người, giả thuyết khó xảy ra là virus thoát ra từ phòng thí nghiệm. Nhiều nước cho rằng đánh giá này chưa thỏa đáng và bị hạn chế bởi sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh, do vậy đề nghị mở rộng điều tra nguồn gốc đại dịch ở Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn nữa. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành trách nhiệm và giai đoạn tiếp theo sẽ là điều tra ở các nơi khác trên thế giới.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken trong một phiên điều trần tại Hạ viện đã né tránh câu hỏi về các biện pháp mà Washington có thể áp dụng nếu Bắc Kinh không hợp tác mở rộng điều tra nghi vấn virus SARS-CoV-2 thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

"Tôi không muốn bình luận về những kịch bản về việc mà chúng ta làm hay không làm trong tương lai, nhưng tôi có thể nói rằng sức ép quốc tế sẽ ngày càng tăng buộc các nước trong đó có Trung Quốc phải hoàn thành nghĩa vụ cho phép tiếp cận thông tin và minh bạch về vấn đề y tế toàn cầu, trong đó có Covid-19", ông Blinken nói.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng từ chối trả lời trực tiếp khi được hỏi liệu Washington có cân nhắc tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 hay không. Trong khi một số chính khách của Mỹ, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Gregory Meeks, hối thúc "tẩy chay ngoại giao", nghĩa là các vận động viên của Mỹ vẫn có thể tham gia Thế vận hội, thì một số nghị sĩ khác như hạ nghị sĩ Cộng hòa Chris Smith kêu gọi một lệnh tẩy chay toàn diện.

"Chúng tôi đang tham vấn chặt chẽ các nước khác, với các đối tác và đồng minh để đảm bảo chúng ta hiểu được mối quan ngại chung và hợp tác ứng phó", ông Blinken nói.