1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phía sau nỗ lực của phương Tây nối lại điều tra nguồn gốc Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Việc xới lại cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 không chỉ vì những mục đích khoa học mà có thể là một phần trong cuộc "so găng" giữa Mỹ và Trung Quốc, giới chuyên gia nhận định.

Phía sau nỗ lực của phương Tây nối lại điều tra nguồn gốc Covid-19 - 1
Phòng thí nghiệm trong Viện Virus học Vũ Hán trở thành tâm điểm của các nghi vấn về nguồn gốc Covid-19 (Ảnh: Times).

18 tháng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thế giới vẫn chưa có được câu trả lời về nguồn gốc thực sự của đại dịch đã khiến hơn 170 triệu người mắc bệnh, hơn 3,7 triệu người tử vong.

Giả thuyết virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, Trung Quốc tạm lắng xuống sau một thời gian khiến quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và đồng minh "dậy sóng".

Tuy nhiên, giới chức Mỹ gần đây bất ngờ xới lại cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ đạo cộng đồng tình báo nỗ lực gấp đôi để đưa ra kết luận rõ ràng hơn về nguồn gốc Covid-19. Nỗ lực này cũng nhận được sự ủng hộ của Anh khi tình báo Anh cũng bất ngờ thay đổi quan điểm, từ chỗ cho rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm "khó xảy ra" thì hiện giờ đánh giá giả thuyết đó "hoàn toàn có thể".

Tại cuộc họp của Đại hội đồng Y tế Thế giới cuối tháng 5, đại diện của Mỹ và Anh đều kêu gọi mở rộng điều tra nguồn gốc đại dịch vì cho rằng cuộc điều tra giai đoạn một ở Vũ Hán hồi tháng 2 là chưa thỏa đáng.

Đằng sau nỗ lực kêu gọi điều tra mở rộng Covid-19

Phía sau nỗ lực của phương Tây nối lại điều tra nguồn gốc Covid-19 - 2
Nguồn gốc đại dịch Covid-19 đến nay vẫn là một bí ẩn sau khi đã khiến hơn 170 triệu người trên thế giới mắc bệnh, hơn 3,7 triệu người chết (Ảnh: Reuters).

Ông Christian Le Miere, một cố vấn chính sách đối ngoại, giám đốc điều hành công ty tư vấn chiến lược Arcipel có trụ sở ở London (Anh) đã chỉ ra những lý do khiến một số nước phương Tây đồng loạt ủng hộ mở rộng điều tra nguồn gốc Covid-19, trong đó không loại trừ giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm.
Về khía cạnh khoa học, việc hiểu rõ cơ chế virus lây sang người có thể giúp các nhà khoa học hiểu được quá trình tiến hóa của virus để ngăn chặn các dịch bệnh trong tương lai.

Tuy vậy, cuộc điều tra cũng gây khá nhiều tranh cãi bởi những yếu tố chính trị. Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, Trung Quốc luôn tìm cách làm "nhiễu loạn" thông tin. Truyền thông và đội ngũ "chiến lang" của Trung Quốc bắt đầu định hướng thông tin rằng mầm bệnh có thể do quân nhân Mỹ mang đến Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 10/2019. Đến cuối năm 2020, truyền thông Trung Quốc tiếp tục lan truyền thông tin phát hiện Covid-19 trên bao bì thực phẩm đông lạnh nhập khẩu. Những nỗ lực này nhằm để khẳng định Covid-19 không bắt nguồn từ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng bắt đầu đưa ra những giả thuyết như virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Mỹ hay bất cứ phòng thí nghiệm sinh học nào trên thế giới.

Với Trung Quốc, họ muốn chuyển hướng dư luận từ những câu hỏi về nguồn gốc Covid-19 sang những đóng góp của Bắc Kinh như cung cấp vắc xin cho các nước phát triển.

Với Mỹ, cuộc điều tra có thể là đòn bẩy để tăng sức ép lên Trung Quốc, chỉ ra những sai sót và thiếu minh bạch của Bắc Kinh ở giai đoạn đầu bùng dịch. Bằng việc gợi nhắc lý do khiến thế giới đến nay vẫn chưa biết nguồn gốc đại dịch, Washington có thể làm tiêu tan phần nào những nỗ lực ngoại giao sức mạnh mềm của Bắc Kinh những tháng gần đây. Xét theo khía cạnh này, việc Mỹ và các đồng minh kêu gọi mở rộng điều tra là một phần trong cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng giữa Trung Quốc và phương Tây.

Trong khi Bắc Kinh muốn chứng minh rằng họ đã ứng phó thành công Covid-19, thì Washington muốn phơi bày sự thiếu minh bạch của Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh này sẽ còn dai dẳng chừng nào thế giới tìm ra câu trả lời cho đại dịch Covid-19 - một điều không hề dễ dàng.