1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

3 tác động quan trọng từ cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục xấu đi sau cuộc tranh cãi về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, trong đó có giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

3 tác động quan trọng từ cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19  - 1

Bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán tại Vũ Hán, Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Từng bị nhiều người bác bỏ là thuyết âm mưu, giả thuyết Covid-19 có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc bất ngờ "hồi sinh" và thu hút trở lại sự chú ý của dư luận trong những ngày gần đây.

Theo giả thuyết này, virus gây SARS-CoV-2 bị nghi rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán, trước khi lan ra các khu vực xung quanh và trở thành đại dịch toàn cầu khiến hơn 3,5 triệu người thiệt mạng và hơn 171 triệu người nhiễm bệnh.

Ngày 11/5, nhà dịch tễ học và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, Anthony Fauci, nói rằng giả thuyết Covid-19 thoát ra từ phòng thí nghiệm có thể xảy ra. Quan điểm này trái ngược với tuyên bố của ông Fauci hồi năm ngoái rằng, giả thuyết virus bị rò rỉ không đáng tin cậy.

Ngày 23/5, một báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ cho biết 3 nhà nghiên cứu từ Viện Virus học Vũ Hán từng đến bệnh viện để chăm sóc y tế vào tháng 11/2019, vài tháng trước khi Trung Quốc công bố đại dịch Covid-19 bùng phát tại nước này.

Đáng chú ý nhất, ngày 26/5, Tổng thống Joe Biden chỉ đạo các cơ quan tình báo Mỹ điều tra thêm về nguồn gốc của virus gây đại dịch Covid-19, bao gồm việc xác định virus xuất hiện ở Trung Quốc là do con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hay do rò rỉ từ một phòng thí nghiệm.

Không chỉ Mỹ, một đối tác quan trọng của Washington là Anh cũng muốn mở cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19 sau những hoài nghi của cộng đồng tình báo nước này.

Chính quyền Trung Quốc vẫn luôn "nhạy cảm" với giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Các quan chức Trung Quốc nhiều lần phủ nhận kịch liệt giả thuyết này.

Một trong những sự kiện quan trọng khiến quan hệ Mỹ - Trung xấu đi vào năm 2020 là tuyên bố của cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng, đại dịch Covid-19 bắt đầu từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Trung Quốc đã đáp trả bằng một cáo buộc "sắc bén": Mỹ có lịch sử tiến hành chiến tranh sinh học và virus có nguồn gốc từ Mỹ, trong đó cơ sở có khả năng rò rỉ cao nhất là một phòng thí nghiệm của quân đội Mỹ ở Fort Detrick, bang Maryland.

Năm ngoái, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã viết trên Twitter rằng các quân nhân Mỹ lần đầu tiên mang dịch bệnh đến Vũ Hán vào tháng 10/2019.

Trung Quốc cho đến nay vẫn không sẵn sàng tiến hành một cuộc điều tra trên quy mô lớn về nguồn gốc Covid-19, mà chủ yếu trông cậy vào kết luận của nhóm chuyên gia WHO sau cuộc điều tra tại Vũ Hán hồi tháng 2 rằng, virus khó có khả năng bị rò rỉ.

Tác động từ "hồi sinh" giả thuyết

3 tác động quan trọng từ cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19  - 2

Chợ hải sản Hoa Nam - nơi bùng phát các ca Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc (Ảnh: AFP).

Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể để xác nhận SARS-CoV-2 có thoát ra từ phòng thí nghiệm hay không. Tuy nhiên, sự "hồi sinh" của giả thuyết này có thể dẫn đến những tác động quan trọng về chính trị.

Thứ nhất, nếu giả thuyết virus rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán là chính xác, Trung Quốc sẽ bị coi là vi phạm một thỏa thuận quốc tế mà họ từng ký kết. Công ước Liên Hợp Quốc về Vũ khí Sinh học không chỉ cấm việc sử dụng mà còn cả việc phát triển và sản xuất vũ khí sinh học. Trung Quốc đã gia nhập Công ước này vào năm 1984.

Thứ hai, việc tập trung vào giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán sẽ cản trở sự hợp tác của cộng đồng quốc tế về nghiên cứu dịch bệnh.

Trung Quốc có thể sẽ không sẵn sàng hợp tác hoặc từ chối cung cấp dữ liệu để chứng minh giả thuyết virus bị rò rỉ, hoặc thông tin liên quan tới các động thái của giới chức Trung Quốc trong giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát.

Theo Asia Times, điều này sẽ dẫn đến việc thông tin bị hạn chế và rốt cuộc, cộng đồng quốc tế sẽ không thể biết dịch Covid-19 đã bắt đầu như thế nào, cũng như làm thế nào để tránh các đợt bùng phát dịch tương tự trong tương lai.

Trong bối cảnh hàng triệu sinh mạng đang bị đe dọa và người dân khắp nơi đang gặp rủi ro, việc hợp tác quốc tế để chuẩn bị tốt hơn cho những dịch bệnh nguy hiểm trong tương lai là điều cần thiết.

Thứ ba, việc Tổng thống Joe Biden tìm cách làm rõ giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm cho thấy sự cứng rắn của Mỹ trong việc chống lại Bắc Kinh và việc Washington chưa sẵn sàng để khôi phục lại mối quan hệ Mỹ - Trung vốn đã rạn nứt.

Việc ông Biden kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19 được xem là động thái gây bất ngờ, vì vào tháng 3 năm nay, chính quyền của ông được cho là đã khép lại cuộc điều tra về giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm do đội ngũ của cựu Tổng thống Donald Trump tiến hành.

Động thái của chính quyền Biden cũng được xem là "đòn giáng" ngoài dự tính của Bắc Kinh, trong bối cảnh các quan chức Trung Quốc hối thúc Mỹ theo đuổi cách tiếp cận "khách quan và hợp lý" hơn đối với quan hệ song phương để tránh tình trạng đối đầu, sau nhiệm kỳ nhiều sóng gió của ông Trump.

Việc Tổng thống Biden công khai chỉ đạo các cơ quan tình báo làm rõ nguồn gốc Covid-19 cũng có thể xem xét từ góc độ chính trị trong nước.

Khi các phương tiện truyền thông đưa tin về sự quan tâm trở lại của công chúng đối với giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, Tổng thống Biden nhận thấy ông cần phải chứng minh khả năng hành động quyết đoán của mình.

Với mệnh lệnh điều tra Covid-19, ông Biden đã tiến hành thêm một bước nữa trong việc làm suy yếu lập luận của phe Cộng hòa rằng, ông yếu đuối hơn người tiền nhiệm Donald Trump trong việc ứng phó với Trung Quốc.

Cuối cùng, sự trở lại của giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm tiếp tục khoét sâu thêm rạn nứt ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ trong bối cảnh đại dịch chưa có dấu hiệu chấm dứt.