1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

WHO: Người đã khỏi Covid-19 vẫn có thể tái mắc

(Dân trí) - Những người đã bình phục khỏi bệnh Covid-19 vẫn có khả năng tái mắc, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết. Đây là cảnh báo đối với các nỗ lực nhằm cho phép bệnh nhân khỏi bệnh di chuyển hay đi làm trở lại.

WHO: Người đã khỏi Covid-19 vẫn có thể tái mắc - 1

Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Hanau, Đức (Ảnh: Reuters)

“Hiện không có bằng chứng cho thấy những người bình phục khỏi Covid-19 và có kháng thể sẽ được bảo vệ khỏi sự lây nhiễm lần 2”, WHO cho biết trong một tuyên bố ngày 24/4.

Thông tin trên được đưa ra sau khi một số chính phủ các nước cho rằng những người đã có kháng thể với Covid-19 có thể được cấp “hộ chiếu miễn dịch” hoặc “chứng nhận phi rủi ro”, vốn cho phép họ có thể di chuyển hoặc quay trở lại làm việc, dựa trên giả định rằng họ không gây nguy hại vì đã nhiễm virus Sars-CoV-2 một lần.

Những người được cấp “chứng nhận” như vậy có thể xem nhẹ các quy định y tế công cộng, làm gia tăng nguy cơ virus bị phát tán mạnh hơn, tuyên bố của WHO nói thêm.

Chile là quốc gia đầu tiên công bố các kế hoạch cấp “thẻ miễn dịch” dựa một phần vào các xét nghiệm kháng thể. Điều này gây ra những lo ngại rằng xét nghiệm có thể không đáng tin cậy, và một số người có thể cố tình bị ốm để lấy được thẻ này.

Mỹ và các quốc gia khác cho biết cũng đang xem xét phương án trên.

Mặc dù một sự đồng thuận rằng “chìa khóa” để chấm dứt đại dịch Covid-19 là thiết lập cái gọi là miễn dịch cộng đồng, nhưng vẫn có nhiều điều về virus gây bệnh này mà con người chưa nắm rõ.

Một câu hỏi là liệu các nhà nghiên cứu có thể phát triển một loạt vắc xin an toàn và hiệu quả hay không. Một vấn đề khác là bao lâu thì những người đã bình phục có miễn dịch. Trên thực tế, sự tái nhiễm sau nhiều tháng hay nhiều năm là phổ biến đối với các chủng virus corona khác trên người.

Ngoài ra, chưa rõ là bao nhiêu phần trăm người phải được miễn dịch để đạt được miễn dịch cộng đồng. Điều đó phụ thuộc vào sự lây nhiễm của virus.

WHO cho biết tổ chức này đang xem xét bằng chứng khoa học về sự đáp ứng của kháng thể đối với virus, nhưng chưa có nghiên cứu để đánh giá liệu sự xuất hiện của các kháng thể có tạo ra miễn dịch đối lần lây nhiễm sau hay không”.

Và mặc dù nhiều quốc gia đang xét nghiệm kháng thể, các nghiên cứu này chưa được thực hiện để xác định liệu những người đã bình phục sau khi mắc Covid-19 có miễn dịch với bệnh này hay không, WHO nói thêm.

Trong bối cảnh khắp thế giới đang chạy đua để tìm vắc xin, WHO đã thành lập một liên minh quốc tế để đảm bảo rằng các phương pháp điều trị được thực hiện công bằng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Liên minh châu Âu Ursula von der Leyen, Quỹ Bill và Melinda Gates cũng tham gia vào liên minh này.

Tính tới nay, đại dịch Covid-19 đã làm 2,83 triệu người mắc bệnh và hơn 198.000 người tử vong trên khắp thế giới.

An Bình

Theo Bloomberg