WHO dự đoán tương lai của Covid-19 sau 2 năm "càn quét" thế giới
(Dân trí) - Quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra nhận định về tương lai của đại dịch Covid-19 sau hơn 2 năm bùng phát.
Trong cuộc phỏng vấn với AFP hôm 17/12, ông Michael Ryan, giám đốc phụ trách chương trình ứng phó khẩn cấp của WHO, cho rằng thế giới có thể sẽ phải đối mặt với sự xuất hiện liên tục của các biến chủng mới và nguy hiểm hơn, cũng như làn sóng lây nhiễm có thể làm sụp đổ hệ thống y tế.
"Đó là tương lai có thể xảy ra nếu chúng ta không có cách đối phó phù hợp với virus", ông Ryan nói.
Tuy nhiên, ông Ryan cho biết: "Tôi không thấy điều đó ngay bây giờ. Tôi thấy một tương lai tươi sáng hơn".
Quan chức WHO nhấn mạnh rằng "nếu chúng ta áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đồng thời tăng độ phủ vaccine, chúng ta có thể vượt qua giai đoạn đại dịch".
Theo ông Ryan, mặc dù virus SARS-CoV-2 ít có khả năng biến mất hoàn toàn, nhưng Covid-19 cuối cùng sẽ trở thành bệnh về đường hô hấp thông thường giống như cúm.
Trong bối cảnh biến chủng Omicron mới đang lây lan với tốc độ chưa từng có, WHO cho rằng thế giới sẽ chứng kiến những ổ dịch tăng đột biến, hệ thống y tế quá tải và nhiều ca tử vong hơn nếu các quốc gia không hành động nhanh chóng để kiểm soát sự lây nhiễm.
Tuy nhiên, ông Ryan cho biết biến chủng mới không khiến ông thay đổi dự đoán về chiều hướng của dịch bệnh.
"Chúng ta đã gặp rắc rối từ rất lâu trước khi Omicron xuất hiện", ông Ryan nói, đề cập tới thực tế số ca nhiễm biến chủng Delta tăng mạnh trước khi Omicron được phát hiện.
Quan chức WHO cho rằng các chính phủ đang lấy Omicron làm "bia đỡ đạn" khi đổ lỗi cho biến chủng mới gây ra làn sóng ca nhiễm tăng vọt trong thời gian qua.
Ông Ryan thừa nhận tình hình dịch bệnh có thể xấu đi do sự thiếu công bằng trong việc tiếp cận vaccine, chính trị hóa Covid-19 và phát tán thông tin sai lệch về dịch bệnh.
Dù vậy, ông Ryan tin rằng thế giới có thể thay đổi chiều hướng của đại dịch Covid-19, nhờ vào "khả năng phục hồi đáng kinh ngạc" của các cộng đồng dân cư, sự nỗ lực quên mình của các nhân viên y tế và sự hợp tác khoa học chưa từng có kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát.
"Tôi rất lạc quan về những gì chúng ta có thể đạt được", ông Ryan nhấn mạnh.
Biến chủng Omicron được phát hiện đầu tiên tại một số nước châu Phi hồi giữa tháng 11. Biến chủng này gây lo ngại do chứa tới 32 đột biến trên protein gai - cấu trúc có thể tác động đến khả năng lây lan, né miễn dịch của virus. Omicron hiện đã lan ra hơn 70 quốc gia và Anh đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Omicron.
Các dữ liệu ban đầu từ Nam Phi cho thấy, Omicron đang kéo theo làn sóng gia tăng ca nhiễm nhanh chóng, nhưng bệnh nhân chủ yếu có triệu chứng nhẹ, đặc biệt ở người trẻ đã tiêm vaccine. WHO cũng dẫn dữ liệu sơ bộ cho thấy, Omicron lây lan mạnh hơn biến chủng Delta và làm giảm hiệu quả của vaccine, nhưng lại gây triệu chứng ít nghiêm trọng hơn.
Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO Maria Van Kerkhove cảnh báo viễn cảnh thế giới có thể đối mặt với "sóng thần" Covid-19 vì sự lây lan của 2 biến chủng đáng lo ngại là Delta và Omicron. Bà Van Kerkhove cho rằng, chỉ tiêm chủng là không đủ để có thể kiểm soát được 2 biến chủng dễ lây lan này.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo Omicron đang lây lan với tốc độ lây lan "chưa từng thấy". Ông Tedros cho rằng Omicron có thể đã xuất hiện ở hầu hết quốc gia, ngay cả khi nó chưa được phát hiện.