1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

WHO dự báo khả năng "xóa sổ" đại dịch Covid-19

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo quan điểm cho rằng Covid-19 sẽ không còn nguy hiểm nếu trở thành bệnh đặc hữu.

WHO dự báo khả năng xóa sổ đại dịch Covid-19 - 1

Người đàn ông Ấn Độ đau đớn khi chứng kiến cảnh người thân chết vì Covid-19 (Ảnh: Reuters).

"Mọi người thường nói về đại dịch và bệnh đặc hữu", Michael Ryan, giám đốc phụ trách chương trình khẩn cấp của WHO, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm 18/1, đề cập tới các bệnh đặc hữu như sốt rét, HIV khiến hàng trăm nghìn người tử vong.

"Bệnh đặc hữu không có nghĩa là tốt, bệnh đặc hữu chỉ có nghĩa là nó sẽ tồn tại mãi mãi", chuyên gia Ryan phát biểu tại hội nghị bàn tròn về vấn đề công bằng vaccine.

Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở châu Phi và đã lan ra khoảng 150 quốc gia trên thế giới. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học ở Hong Kong, so với biến chủng Delta, Omicron có thể nhân bản nhanh hơn 70 lần ở đường hô hấp trên, dẫn đến nguy cơ lây lan cao hơn.

Các nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng, mặc dù có khả năng lây lan cao hơn, nhưng Omicron dường như gây triệu chứng nhẹ hơn so với các chủng khác của SARS-CoV-2.

Vì Omicron dường như ít có nguy cơ gây bệnh nghiêm trọng hơn so với Delta, nên sự xuất hiện của biến chủng này đã làm dấy lên hy vọng rằng, đây sẽ là khởi đầu của xu hướng virus trở nên nhẹ hơn, trở thành bệnh đặc hữu như cảm lạnh thông thường và dịch bệnh sẽ không còn nguy hiểm nữa. Một số nhà khoa học thậm chí tin rằng, Omicron có thể đánh dấu sự kết thúc của đại dịch Covid-19.

"Những gì chúng ta cần làm là giảm tỷ lệ nhiễm bệnh bằng cách tiêm chủng nhiều nhất cho cộng đồng dân cư của chúng ta, để không ai phải chết. Theo quan điểm của tôi, điều đó sẽ kết thúc tình trạng khẩn cấp. Đó là sự kết thúc của đại dịch", chuyên gia Ryan nói thêm.

Ông Ryan dự đoán làn sóng tử vong và nhập viện có thể chấm dứt vào cuối năm 2022 thông qua các biện pháp y tế công cộng, trong đó biện pháp đi đầu là tiêm chủng vaccine.

"Tuy nhiên, chúng ta sẽ không xóa sổ được virus trong năm nay. Chúng tôi có thể không bao giờ xóa sổ được virus. Các virus đại dịch sẽ trở thành một phần của hệ sinh thái. Những gì chúng ta có thể làm là chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng", ông Ryan cho biết.

Chuyên gia của WHO cũng đề cập đến khả năng tiêm 3-4 liều vaccine để tăng cường khả năng bảo vệ lâu dài trước nguy cơ dịch bệnh nghiêm trọng.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos hôm 17/1, Tiến sĩ Anthony Fauci, nhà dịch tễ học hàng đầu nước Mỹ và là cố vấn y tế của Tổng thống Joe Biden, cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu biến chủng Omicron có báo hiệu sự chuyển đổi của Covid-19 từ đại dịch toàn cầu thành bệnh đặc hữu hay không.

Trước đó, nghiên cứu của các nhà khoa học Nam Phi, Mỹ và Anh cho thấy các kháng thể được tạo ra trong quá trình nhiễm Omicron có thể bảo vệ con người khỏi Delta cũng như các biến chủng khác và Omicron có thể là loại "vaccine tự nhiên" đẩy lùi làn sóng dịch bệnh. Giới chuyên gia nhận định kịch bản đại dịch trong tương lai có thể sẽ khả quan hơn.

Giám đốc điều hành của hãng vaccine Pfizer, Albert Bourla, cho rằng cuộc sống có thể sớm trở lại bình thường. Chủ tịch kiêm người đồng sáng lập hãng dược Moderna, Noubar Afeyan, cũng dự đoán "năm 2022 có thể là năm mà đại dịch bước vào giai đoạn bệnh đặc hữu, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào những gì xảy ra trên thực tế và các quyết định được đưa ra trên toàn thế giới".

Đại diện của WHO tại Nga Melita Vujnovic ngày 16/1 cho biết, cách đại dịch Covid-19 phát triển cho thấy virus SARS-CoV-2 sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn, thay vào đó nó sẽ lưu hành như một bệnh đặc hữu.

Theo www.straitstimes.com