Tổng thống Brazil tin "Omicron báo hiệu kết thúc đại dịch", WHO lên tiếng
(Dân trí) - Đại diện của WHO đã lên tiếng sau khi Tổng thống Brazil cho rằng Omicron có thể được gọi là "virus vaccine" và là một biến chủng "được hoan nghênh", bất chấp số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng lên.
"Một số người nghiên cứu kỹ lưỡng và nghiêm túc - và không liên quan tới các công ty dược phẩm - nói rằng Omicron là biến chủng được hoan nghênh và trên thực tế, có thể báo hiệu sự kết thúc của đại dịch", Tổng thống Bolsonaro cho biết hôm 12/1 trong một cuộc phỏng vấn với trang Gazeta Brasil.
Ông Bolsonaro từng gây chú ý vì những phát ngôn gây tranh cãi về đại dịch Covid-19. Ông nhiều lần gọi Covid-19 là "một đợt cúm nhỏ", bất chấp hơn 600.000 người Brazil đã chết vì đại dịch trong 2 năm qua. Ông cũng phản đối mạnh mẽ việc tiêm vaccine Covid-19.
Tổng thống Brazil tuyên bố sẽ không để con gái tiêm vaccine, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục phản đối lệnh phong tỏa, ngay cả khi Omicron đổ bộ vào nước này, khiến số ca nhiễm tăng hơn 70.000 người mỗi ngày.
Mặc dù số ca nhập viện tăng cao hơn ở Brazil trong những tuần gần đây, cho đến nay, nước này chưa ghi nhận làn sóng bệnh nhân tại phòng điều trị tích cực tăng cao như đợt giữa năm 2021, trước khi vaccine được phổ biến rộng rãi. Đây cũng là xu hướng dịch bệnh tại nhiều quốc gia, từ Argentina tới Nam Phi và Đan Mạch.
Ngay cả khi số ca nhiễm tăng vọt, biến chủng Omicron vẫn gây ít ca bệnh nặng và nhập viện hơn so với các biến chủng trước đây của virus SARS-CoV-2. Theo một số nhà khoa học, dữ liệu này báo hiệu một chương mới ít lo ngại hơn của đại dịch Covid-19.
Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi 2 tháng trước và các chuyên gia cảnh báo vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về biến chủng với số lượng đột biến nhiều chưa từng có này. Giới chức y tế cảnh báo nó vẫn có thể gây quá tải cho các bệnh viện và hệ thống y tế do tốc độ lây lan nhanh chóng.
Giám đốc phụ trách chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Mike Ryan ngày 12/1 đã bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Bolsonaro.
Ông Ryan cho rằng mặc dù Omicron ít gây bệnh nghiêm trọng hơn, nhưng điều đó không có nghĩa đây là một biến chủng nhẹ.
Theo chuyên gia của WHO, hiện vẫn còn rất nhiều người trên toàn thế giới đang được điều trị trong các bệnh viện, trong các phòng điều trị tích cực, điều này "rõ ràng cho thấy đây không phải là một căn bệnh nhẹ".
"Đây là một căn bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine, một căn bệnh có thể được phòng ngừa bằng cách thực hiện - ở mức độ lớn hơn - các biện pháp phòng ngừa cá nhân mạnh mẽ để tránh lây nhiễm, kết hợp với tiêm chủng", ông Ryan nói thêm.
"Còn rất nhiều điều chúng ta có thể làm. Đây không phải là lúc để từ bỏ, đây không phải là lúc để nhượng bộ, đây không phải là lúc để tuyên bố rằng Omicron là một loại virus đáng hoan nghênh", ông Ryan nhấn mạnh.
Theo chuyên gia của WHO, "không có loại virus nào đáng hoan nghênh khi nó gây chết người, nhất là khi tỷ lệ tử vong và thiệt hại do nó gây ra có thể ngăn ngừa được bằng việc sử dụng vaccine thích hợp".
Nhiều chuyên gia dự báo, Covid-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu trong năm 2022 khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng tăng nhờ miễn dịch tự nhiên và nhờ vaccine. Tuy nhiên, trước khi đạt đến giai đoạn đó, thế giới sẽ phải tiếp tục đối phó với làn sóng lây nhiễm do Omicron và Delta gây ra.