Wagner đã vươn mạng lưới đánh thuê tới các điểm nóng trên thế giới thế nào?
(Dân trí) - Sau 9 năm thành lập, công ty quân sự tư nhân Nga Wagner đã hiện diện tới các điểm nóng ở Trung Đông, châu Phi và được cho thu được nhiều tiền từ hoạt động đánh thuê, tư vấn, khai khoáng.
Cuối tuần qua, dư luận thế giới đã đổ dồn sự quan tâm về Nga, nơi diễn ra vụ nổi loạn chóng vánh của lực lượng Wagner sau mâu thuẫn với Bộ Quốc phòng Nga. Vụ việc đã được giải quyết với sự trung gian hòa giải của Belarus, tuy nhiên, nó làm dấy lên câu hỏi về tương lai của công ty quân sự tư nhân sau 9 năm Wagner đẩy mạnh mở rộng mạng lưới ra các "điểm nóng" trên thế giới.
Vươn rộng hiện diện
Yevgeny Prigozhin, người đã nhận án tù 12 năm vào năm 1981 vì tội cướp và tấn công, bắt đầu kinh doanh nhà hàng ở St. Petersburg vào đầu những năm 1990 sau khi ra tù. Vào thời điểm đó, ông đã quen biết Phó thị trưởng thành phố Vladimir Putin, người hiện giữ chức Tổng thống Nga.
Sau đó, Prigozhin giàu lên nhờ giành được các hợp đồng phục vụ ăn uống cho quân đội, chính phủ Nga và các trường học, rồi ông quyết định rẽ hướng ra các lĩnh vực khác.
Năm 2014, Prigozhin thành lập Wagner - một công ty cung cấp lính đánh thuê. Dấu ấn đầu tiên của Wagner chính là sự xuất hiện ở vùng Donbass vào thời điểm khu vực này xảy ra xung đột giữa lực lượng chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga vào tháng 4/2014.
Theo New York Times, vào thời điểm đó, Wagner đã cùng với các nhóm dân quân ly khai ở Donetsk và Lugansk đối phó với lực lượng chính phủ Ukraine.
Cuối năm 2015, Tổng thống Putin quyết định can thiệp quân sự tại Syria để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến sau khi nhận được lời đề nghị từ ông Assad. Công ty của ông Prigozhin đã giành được các hợp đồng cung cấp thực phẩm và vật tư, đồng thời cử lực lượng Wagner đến Syria.
Tại Syria, Wagner hỗ trợ lực lượng chính phủ đối đầu với các nhóm khủng bố và các nhóm vũ trang đối lập với chính quyền Assad. Syria cũng là một trong số ít các khu vực xung đột có ghi nhận những cuộc giao chiến giữa lực lượng Mỹ với Wagner khi Washington đưa quân sang Trung Đông làm nhiệm vụ chống khủng bố.
Trong vài năm sau, Wagner bắt đầu mở rộng mạng lưới hoạt động tới một vài quốc gia châu Phi trong lĩnh vực chính là an ninh và cố vấn. Wagner hoạt động tích cực nhất ở một số quốc gia như Cộng hòa Trung Phi (CAR), Libya, Mali và Sudan, tất cả đều có mối quan hệ mong manh với phương Tây do di sản thuộc địa và sự khác biệt về quan điểm chính trị.
Theo tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), Wagner triển khai khoảng 5.000 quân ở trên khắp châu Phi với thành phần gồm cả cựu quân nhân Nga, tù nhân, người quốc tịch nước ngoài.
BBC trích dẫn một bản lịch sử hoạt động mà Wagner đăng tải trên Telegram cho thấy, lực lượng này bắt đầu hoạt động ở châu Phi từ năm 2018 khi họ điều động các cố vấn quân sự tới CAR và Sudan, sau đó tới Libya vào năm sau.
Phương Tây cho biết Wagner triển khai ở Syria và các nước châu Phi một phần vì lý do an ninh do các quốc gia này vẫn đang xảy ra xung đột giữa chính phủ và các nhóm đối lập. Ngoài ra, Wagner tăng hiện diện ở châu Phi dường như để thực hiện các hợp đồng khai thác khoáng sản có giá trị cao.
Trong bài phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hồi đầu năm, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cáo buộc Wagner đang sử dụng quyền tiếp cận vàng và các nguồn tài nguyên khác ở châu Phi để tài trợ cho các hoạt động của nhóm này.
Ví dụ, CAR là quốc gia bất ổn trong hàng chục năm qua, rất giàu khoáng sản quý như kim cương, vàng, dầu mỏ và uranium. Theo phương Tây, Wagner đã giúp Tổng thống Faustin-Archange Touadéra làm giảm đáng kể sức ảnh hưởng của Pháp, đồng thời giúp quốc gia châu Phi giành ưu thế trước các nhóm phiến quân nổi dậy. Đổi lại, Wagner được cho đã được quyền tiếp cận với "miếng bánh" tài nguyên dồi dào.
Giới học giả phương Tây cho rằng, Wagner không chỉ là một nhóm lính đánh thuê đơn thuần. "Chiến lược hoạt động của Wagner trong 2-3 năm qua là mở rộng cả dấu ấn kinh tế và quân sự ở châu Phi", chuyên gia Julia Stanyard, từ tổ chức Sáng kiến Toàn cầu chống Tội phạm có Tổ chức Xuyên quốc gia, nhận định.
Theo nhà phân tích trên, Wagner có một mạng lưới các công ty liên kết - và nhóm đã thực hiện các hoạt động thương mại ở các quốc gia mà nhóm lính đánh thuê hoạt động.
Mặt khác, Phương Tây cũng cáo buộc Wagner dùng chiến lược cung cấp thông tin không đúng sự thật để tác động tới chính trị châu Phi. Theo New York Times, từ tháng 10/2019, Facebook đã đóng hơn 300 tài khoản Facebook và Instagram bị nghi là liên kết với Wagner.
Tầm ảnh hưởng của Wagner thậm chí còn vươn tới lĩnh vực văn hóa. Ở CAR, Wagner được cho đã tài trợ cho cuộc thi hoa hậu, cấp ngân sách cho một đài phát thanh và thậm chí sản xuất phim.
Điện Kremlin nhiều lần cho biết Wagner là công ty quân sự tư nhân và hoạt động độc lập theo hợp đồng, không liên quan tới chính quyền Nga. Tuy nhiên, giới chuyên gia phương Tây cho rằng, Wagner có thể được xem là lực lượng giúp Nga gia tăng tầm ảnh hưởng trên các khu vực mà thiện cảm với Moscow ở mức tương đối cao. Tuy nhiên, các ý kiến này vẫn chưa được các bên liên quan xác nhận.
Kể từ năm 2016, Mỹ đã áp đặt ít nhất 7 biện pháp trừng phạt đối với ông Prigozhin, các công ty và cộng sự của ông. Liên minh châu Âu cũng đã trừng phạt ông Prigozhin vào năm 2020 vì vai trò của Wagner ở Libya.
Trước đó, ông Prigozhin từng tuyên bố hoạt động của Wagner ở châu Phi được thực hiện để "bảo vệ người dân Châu Phi khỏi những kẻ cướp, khủng bố và những người hàng xóm không đáng tin cậy".
Tương lai của Wagner ở châu Phi sau vụ nổi loạn tại Nga
Cuối tuần qua, Wagner đã thực hiện một hoạt động mà họ mô tả là "hành quân" để bày tỏ sự phản đối với Bộ Quốc phòng Nga nhằm tránh kịch bản lực lượng quân sự "bị xóa bỏ". Tổng thống Putin đã gọi hành động của ông Prigozhin là "phản quốc", dù Nga sau đó đã dừng cuộc điều tra hình sự nhằm vào ông trùm Wagner khi ông nhượng bộ.
Trả lời phỏng vấn RT, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo rằng, nước này sẽ không cấm Wagner hoạt động ở châu Phi sau vụ nổi loạn. Hàng nghìn binh sĩ, cố vấn Wagner sẽ không bị rút về từ châu Phi.
Tại Mali hay CAR, Wagner được đánh giá là ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc nội chiến kéo dài ở những quốc gia bất ổn này khi giúp chính phủ đối đầu với các nhóm phiến quân.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, hoạt động của Wagner ở châu Phi có thể sẽ không bị ảnh hưởng bất chấp vụ binh biến xảy ra vào cuối tuần qua.
Guardian dẫn các nguồn tin nói rằng, Wagner vẫn tiếp tục hoạt động cùng với lực lượng Mali chiến đấu với quân nổi dậy trên khắp miền trung và phía bắc đất nước trong 72 giờ qua, tức là sau thời điểm Wagner nổi loạn ở Nga.
Tại Libya, Wagner chưa có động thái bất thường nào trong những ngày qua khi lực lượng này vẫn đang được triển khai ở phía đông của đất nước do tướng Khalifa Haftar của phe đối lập kiểm soát.
"Wagner không có lực lượng quá đông ở Libya nhưng hoạt động khá hiệu quả và từng thực hiện một số chiến dịch thành công", Jalel Harchaoui, một chuyên gia về Libya tại viện RUSI (Anh), nhận định.
Các nhà quan sát tại CAR cho biết họ không phát hiện hoạt động quy mô lớn nào của Wagner trên các con đường chính hoặc sân bay quốc tế duy nhất của đất nước châu Phi những ngày qua. Cơ sở hạ tầng hạn chế trong CAR có nghĩa là Wagner sẽ rất khó di chuyển một số lượng lớn người hoặc số lượng lớn vũ khí, khí tài mà không sử dụng các tuyến đường chính.
Theo các chuyên gia phương Tây, khi ông Prigozhin thương lượng với Nga, ông có thể đã có các nhượng bộ nhất định để có thể tiếp tục duy trì quyền kiểm soát với Wagner và hoạt động của Wagner ở châu Phi.
Lo ngại của phương Tây
Thỏa thuận của Wagner với Moscow cuối tuần qua đã xoa dịu bầu không khí căng thẳng với lo ngại về một cuộc nội chiến ở Nga. Tuy nhiên, thỏa thuận này có điều khoản lãnh đạo và các binh sĩ Wagner tham gia nổi loạn sẽ chuyển sang Belarus - bên đứng ra làm trung gian hòa giải.
Điều này đã gây ra một làn sóng lo ngại ở NATO. Các nước NATO ở Đông Âu cảnh báo, việc ông trùm công ty quân sự tư nhân Wagner Yevgeny Prigozhin hiện diện ở Belarus có thể gây ra mối đe dọa lớn hơn ở khu vực.
Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda thừa nhận: "Nếu Wagner triển khai lực lượng ở Belarus, các nước láng giềng có thể đối mặt với nguy cơ bất ổn lớn hơn".
Trong cuộc họp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và lãnh đạo 6 quốc gia thành viên, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng nhấn mạnh: "Việc Wagner chuyển sang Belarus thực sự nghiêm trọng và rất đáng lo ngại, chúng ta cần có những quyết định dứt khoát. Nó đòi hỏi NATO đưa ra câu trả lời cứng rắn".
Ông Duda hy vọng chủ đề về mối đe dọa từ Wagner sẽ là một trong những trọng tâm trong chương trình nghị sự thượng đỉnh của NATO vào tháng 7 tới.
Mặt khác, theo Washington Post, việc Wagner gia tăng mạng lưới hoạt động ở châu Phi dường như đang khiến Mỹ lo ngại. Một số quan chức quân sự và tình báo của Washington cho rằng, việc Nga gia tăng tầm ảnh hưởng ở châu Phi sẽ là diễn biến bất lợi cho Mỹ.
Tại Mỹ, trong những năm qua, đã có hàng loạt lời kêu gọi về việc tìm cách để ngăn chặn Wagner tiếp tục mở rộng hiện diện thông qua các biện pháp trực tiếp hay gián tiếp như trừng phạt.
Theo tài liệu tình báo Mỹ bị rò rỉ trên mạng xã hội trong năm nay, giới chức Washington đã vạch ra nhiều phương án đối phó với việc Wagner mở rộng mạng lưới tới các nước châu Phi.
Anas El Gomati, giám đốc Viện nghiên cứu Sadeq có trụ sở tại Tripoli, Libya cho biết sự trỗi dậy của Wagner báo trước một làn sóng cạnh tranh quyền lực lớn mới ở châu Phi giữa các cường quốc.
Trong tài liệu bị rò rỉ, tình báo Mỹ đã nhắc tới những kế hoạch của Wagner nhằm làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ và Pháp tại Burkina Faso, Eritrea, Guinea, Mali và các nước khác trong khu vực. Mỹ cho rằng điều này có thể làm ảnh hưởng tới lợi ích của họ tại châu Phi.
Đức Hoàng
Theo New York Times, Washington Post, Guardian, BBC