1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vụ máy nhắn tin của Hezbollah đồng loạt phát nổ xảy ra thế nào?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Hàng loạt thuyết âm mưu xuất hiện sau vụ máy nhắn tin của Hezbollah nổ liên tiếp tại Li Băng làm gần 3.000 người thương vong, trong khi Israel bị nghi ngờ đứng sau vụ việc.

Vụ máy nhắn tin của Hezbollah đồng loạt phát nổ xảy ra thế nào? - 1

Hàng nghìn người bị thương hoặc thiệt mạng trong vụ máy nhắn tin đồng loạt phát nổ ở Li Băng (Ảnh: EPA).

Kể từ thời điểm các máy nhắn tin bắt đầu nổ tung theo dây chuyền ở Li Băng vào ngày 17/9, các giả thuyết bắt đầu lan truyền về việc các thiết bị được coi là lỗi thời trên thế giới lại biến thành vũ khí nguy hiểm khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và gần 2.800 người bị thương.

CNN dẫn nguồn tin nói rằng Israel có thể đứng đằng sau vụ tấn công khiến hàng nghìn máy nhắn tin của các thành viên Hezbollah đồng loạt phát nổ hôm 17/9. Theo nguồn tin, chiến dịch này được cho là kết quả giữa sự hợp tác của cơ quan tình báo Israel, Mossad và quân đội nước này.

Trong khi đó, New York Times dẫn nguồn tin từ quan chức Mỹ nói rằng, Israel bị nghi ngờ đã đặt vật liệu nổ vào một lô máy nhắn tin do Đài Loan sản xuất, được nhập khẩu vào Li Băng để Hezbollah sử dụng. 

Vụ máy nhắn tin của Hezbollah đồng loạt phát nổ xảy ra thế nào? - 2

Hình ảnh chưa được xác minh, được mô tả là một trong những chiếc máy nhắn tin bị phát nổ (Ảnh: X).

Israel chưa bình luận về những thông tin này. Câu chuyện mà New York Times nêu ra là một trong những giả thuyết đằng sau vụ việc vẫn chưa được vén màn bí ẩn. Hezbollah đã cáo buộc Israel đứng sau vụ việc và thề trả đũa nhưng họ vẫn chưa nêu rõ lỗ hổng nào đã biến những chiếc máy nhắn tin trở thành vũ khí tấn công hàng loạt.

Phần lớn cuộc tranh luận tập trung vào khả năng chuỗi cung ứng cho các thiết bị nhắn tin đã bị xâm nhập. Một giả thuyết phổ biến là máy nhắn tin đã được thiết kế sao cho pin của chúng có thể nóng lên cho đến khi thiết bị phát nổ.

Nhưng một chuyên gia an ninh mạng, Robert Graham, đã bác bỏ giả thuyết đó. Ông cho rằng việc chế tạo được viên pin nóng đến mức phát nổ hàng loạt là không dễ thực hiện. "Điều hợp lý hơn nhiều là ai đó đã cài thuốc nổ đồng loạt vào những chiếc máy này", ông cho hay.

Khoảnh khắc máy nhắn tin của Hezbollah phát nổ (Video: Dailymail).

Mặt khác, một số giả thuyết cho rằng, tín hiệu điện tử là thứ đã gây ra vụ nổ.

Ông Mark Montgomery, một đô đốc Mỹ đã nghỉ hưu, nhận định: "Tôi nghi ngờ đó là một khiếm khuyết trên máy nhắn tin có chủ ý được kích hoạt bởi tín hiệu mạng hoặc tần số vô tuyến".

Trong khi đó, quan chức Hezbollah Ibrahim Mousawi cáo buộc Israel đã kích hoạt những máy nhắn tin này "bằng công nghệ cao".

Bà Deepa Kundur, giáo sư kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Toronto (Canada), cho biết bà nghi ngờ đây là một kế hoạch tấn công từ chuỗi cung ứng sản xuất.

Theo bà, với giả thuyết này, phía tấn công sẽ tìm cách xâm nhập vào quy trình sản xuất máy nhắn tin để cài thuốc nổ vào một trong những bộ phận của máy nhắn tin. Bộ phận nổ có thể nằm trong máy nhắn tin nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi bị kích hoạt phát nổ đồng loạt.

Trước đó, Hezbollah đã chuyển từ điện thoại sang dùng máy nhắn tin, thiết bị tương đối lỗi thời. Đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ hoạt động giao tiếp giữa các thành viên bị tình báo Israel nghe lén, hoặc định vị được địa điểm chính xác.

Vụ nổ hàng loạt cho thấy, kênh an ninh của Hezbollah đã bị xâm nhập từ lâu, chuyên gia Matthew Levitt thuộc Viện Washington (Mỹ) nhận định. 

Theo Bloomberg