Vũ khí quân sự Hàn Quốc đắt hàng
(Dân trí) - Cuộc chiến khốc liệt tại Ukraine đang "giúp" thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc phát triển, khi ngày càng có nhiều quốc gia tìm đến mua thiết bị vũ khí quân sự của Seoul.
Một năm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các nhà sản xuất vũ khí Hàn Quốc nhận thêm nhiều các đơn đặt hàng tên lửa, pháo tự hành, xe tăng, máy bay và bệ phóng nhiều tên lửa từ khắp nơi trên thế giới.
Theo Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc (KIET), xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc đã tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái lên 17,3 tỷ USD.
Mặc dù vẫn không thể qua mặt những ông lớn trong ngành sản xuất vũ khí như Mỹ hay Nga, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 8 trên thế giới trong năm 2021, chiếm 2,8% thị phần xuất khẩu toàn cầu trong 5 năm qua. Đây là mức tăng 1% so với con số trong 5 năm trước, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.
Nhà phân tích công nghiệp quốc phòng Jang Won-joon của KIET cho biết: "Những khách hàng mua vũ khí từ nước ngoài đang tìm đường đến với Hàn Quốc".
Một trong những hợp đồng vũ khí béo bở mà Hàn Quốc ký kết được trong năm nay là của Korea Aerospace Industries, nhà sản xuất máy bay duy nhất của nước này.
Công ty này đã ký một thỏa thuận trị giá 1,2 nghìn tỷ won (920 triệu USD) với Malaysia, theo đó bán 18 máy bay tấn công hạng nhẹ FA-50 sang quốc gia Đông Nam Á. Thậm chí, Malaysia đang xem xét mua thêm 18 chiếc máy bay kiểu này.
Hợp đồng với Bộ Quốc phòng Malaysia đánh dấu chiến thắng lớn của Hàn Quốc trước các loại máy bay của các đối thủ lớn khác, bao gồm Tejas của Ấn Độ, JF-17 của Pakistan, MiG-35 của Nga và Hurizet của Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều này tạo thêm động lực cho Seoul mở rộng sang thị trường Đông Nam Á sau khi đã xuất khẩu máy bay quân sự, tàu chiến và xe sang Indonesia, Philippines và Thái Lan.
Theo các chuyên gia, Hàn Quốc là một trong những nhà cung cấp hiếm hoi có thể cung cấp vũ khí quân sự giá rẻ và giao hàng nhanh. "Cuộc chiến tại Ukraine đã đánh thức các cơ quan an ninh về tầm quan trọng của vũ khí thông thường", chuyên gia Jang nói.
"Đối mặt với các mối đe dọa về nguy cơ xung đột dai dẳng từ sau chiến tranh Triều Tiên trong nhiều thập kỷ, Hàn Quốc đã liên tục phát triển và sản xuất vũ khí đang được thử nghiệm và bảo trì mọi lúc", ông nói thêm.
Vào tháng 12/2022, Ba Lan đã nhận chuyến hàng xe tăng và pháo đầu tiên từ Hàn Quốc, hoan nghênh Seoul giao hàng nhanh.