1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga làm gì với vũ khí thu được của phương Tây ở Ukraine?

Minh Phương

(Dân trí) - Nga đang nghiên cứu kỹ lưỡng các vũ khí thu được của phương Tây ở chiến trường Ukraine để tận dụng kinh nghiệm hữu ích, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết.

Nga làm gì với vũ khí thu được của phương Tây ở Ukraine? - 1

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: RT).

"Ngành quốc phòng của chúng ta đang hoạt động theo cách mà không một nguồn cung cấp vũ khí quy mô lớn nào của phương Tây cho kẻ thù của chúng ta có thể đảm bảo cho Ukraine lợi thế trên chiến trường", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Natsyonalnaya Oborona ngày 25/2.

Ông Medvedev chỉ ra, trong suốt chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga luôn tìm cách không chỉ mở rộng sản xuất khí tài quân sự, mà còn giới thiệu những công nghệ mới, cải tiến chúng.

"Ngoài ra, chúng tôi cũng nghiên cứu vũ khí thu giữ được của đối phương dưới dạng chiến lợi phẩm và tháo rời từng mảnh trong văn phòng thiết kế của quân đội. Chúng tôi đã học được rất nhiều điều hữu ích và biến kinh nghiệm của đối phương thành lợi thế của mình", ông Medvedev nói.

Cựu Tổng thống Nga cũng cho biết, ông từng đến thăm nhiều cơ sở sản xuất thuộc các tổ hợp công nghiệp - quân sự trong năm qua và chứng kiến những cơ sở này hoạt động ổn định, không có sự cố. Các nhà máy này đáp ứng được sản lượng theo yêu cầu của quốc gia tăng nhiều lần do phục vụ chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo ông, các đối thủ của Nga ngạc nhiên khi Moscow có thể xoay xở để làm điều này trong thời gian ngắn như vậy.

Bộ Quốc phòng Nga tháng trước nói rằng, các hệ thống phòng không của họ, trong đó có Pantsir-S1 đã được nâng cấp bằng một phần đặc biệt, giúp chúng hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn các tên lửa HIMARS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Theo giới chuyên gia quân sự, chương trình trên được phát triển sau khi Moscow nghiên cứu đạn pháo HIMARS bị đánh chặn.

Ông Medvedev cho hay, Mỹ đã cung cấp hơn 40 tổ hợp HIMARS cho Kiev và đa số đã bị Moscow phá hủy.

Nga nhiều lần chỉ trích việc phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài và có nguy cơ lan rộng, trong khi không thể thay đổi cục diện chiến trường. Moscow cảnh báo, phương Tây cấp cho Kiev vũ khí tầm xa bao nhiêu, thì Nga sẽ đẩy lùi mối đe dọa ra xa nhất có thể, thậm chí tới sát biên giới Ba Lan. Ngoài ra, Moscow cũng tuyên bố, việc Mỹ và đồng minh viện trợ khí tài, huấn luyện cho binh sĩ Ukraine đồng nghĩa với các nước này đã trở thành bên trực tiếp tham gia xung đột.

Bất chấp cảnh báo, các nước thành viên NATO cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine đến khi cần, giúp Kiev giành chiến thắng trên chiến trường, từ đó giành ưu thế trên bàn đàm phán với Moscow. Mỹ hiện là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine. Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm bất ngờ đến Kiev, khẳng định cam kết ủng hộ mạnh mẽ của Washington dành cho Ukraine khi cuộc xung đột ở đây bước sang năm thứ hai

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm