1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vũ khí, khí tài Mỹ triển khai "áp sát" biên giới Nga

(Dân trí) - Washington tuyên bố triển khai 250 xe tăng cùng xe bọc thép và các vũ khí, khí tài khác tới các nước châu Âu sát biên giới Nga, nhằm "đáp trả sự khiêu khích của Nga" ở Châu Âu (?)

Mỹ dự định đưa 250 xe tăng đến các nước sát biên giới Nga. (Ảnh minh họa:

Mỹ dự định đưa 250 xe tăng đến các nước sát biên giới Nga. (Ảnh minh họa: EPA)

Tờ Independent của Anh dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm qua 23/6 xác nhận việc triển khai này, đồng thời nêu rõ: các xe bọc thép, vũ khí và pháo binh sẽ được triển khai ở 6 nước châu Âu.

Bộ trưởng Carter cho hay các thiết bị này có thể được di chuyển khắp khu vực, phục vụ cho diễn tập và huấn luyện quân sự. Trong đó có cả xe chiến đấu Bradley và pháo tự hành.

"Chúng tôi dự định sẽ luân chuyển các thiết bị này trong khu vực theo biễn biến của các cuộc tập trận chung, giúp huấn luyện tốt hơn và tăng tính cơ động cho các lực lượng ở Châu Âu", Bộ trưởng Carter nói.

Ông Carter cũng khẳng định sự hiện diện của Mỹ ở châu Âu nhằm đảm bảo các tính "liên tục" và tính “cơ động”.

Theo Independent, Mỹ sẽ gửi các thiết bị đến Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Balan và Romania để cung cấp đủ cho một tiểu đoàn. 

Lầu Năm Góc cho biết, những nước này được lựa chọn vì nằm gần với khu vực huấn luyện, giúp giảm bớt chi phí vận chuyển khi tham gia diễn tập chung với Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. (Ảnh:

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. (Ảnh: RT)

Ông Carter hôm 3/6 phát biểu như trên cùng với Bộ trưởng Quốc phòng các nước Estonia, Latvia và Lithuania - một ngày sau khi tuyên bố Mỹ sẽ đóng góp vũ khí, máy bay và binh sĩ, kể cả đặc nhiệm, cho lực lượng phản ứng nhanh của NATO.

“Thông điệp” của Mỹ và châu Âu gửi Nga

Independent dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cùng những người đồng cấp 6 nước châu Âu trên cho rằng đây là "thông điệp" gửi Nga. 

"Nga không phải là đối thủ của Mỹ hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên thế giới ... Nhưng ông Putin có ưu thế trong khu vực này", Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Sven Misker nhấn mạnh, đồng thời bổ sung: Tallinn sẵn sàng và muốn tổ chức đồn trú cho các phương tiện Mỹ càng sớm càng tốt.

Hôm qua, giới lập pháp Romania cũng đã bỏ phiếu phê duyệt xây dựng 2 trung tâm mới của NATO tại thủ đô Bucharest.

Mỹ cùng các đồng minh NATO nhiều lần lên án "sự gây hấn" của Nga, cáo buộc Mátxcơva liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine. 

NATO gần đây còn thông báo kế hoạch tăng cường lực lượng phản ứng nhanh ở châu Âu lên 40.000 người.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước cảnh báo Mátxcơva sẽ đáp trả "thích đáng" việc NATO tiếp cận lãnh thổ nước này. Ông Putin khẳng định Nga "sẽ phân tích mọi khía cạnh" và luôn trong tình trạng cảnh giác.

Bộ Quốc phòng Nga bày tỏ lo ngại rằng kế hoạch triển khai vũ khí hạng nặng đến Đông Âu của Mỹ có thể khiến căng thẳng leo thang. 

"Nếu Mỹ thực hiện kế hoạch này,  đây sẽ là bước đi gây hấn nhất của NATO và Lầu Năm Góc từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc…" - Interfax dẫn lời tướng Yury Yakubov, quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Nga, tuần trước cho biết.
 
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO hôm nay 24/6 tổ chức một cuộc họp nhằm phản ứng lại tuyên bố tăng thêm 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào kho vũ khí hạt nhân (VKHN) của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tuần trước.

Ngày 22/6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng tuyên bố của ông Putin "khẳng định mô hình và cách hành xử của Nga suốt một thời gian qua".

BBC dẫn lời nhà lãnh đạo NATO nhấn mạnh: “Mối đe dọa hạt nhân này của Nga là phi lý, gây bất ổn và nguy hiểm". 

Hãng tin Anh hôm qua dẫn lời Đại sứ Mỹ tại NATO Douglas Lute cho biết: “Mỹ và NATO đang xem xét các phương án, và Mỹ cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân trung bình (INF) …”

Theo AFP, Hiệp ước INF cấm Mỹ và Nga triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung bình ở châu Âu.

Cuộc họp 28 Bộ trưởng quốc phòng các nước NATO tại Brussels sẽ bàn thảo về các vấn đề từ chi phí quân sự đến đề xuất triển khai khí tài quân sự hạng nặng đến Đông Âu của Mỹ. Trong đó, trọng tâm của cuộc họp sẽ xoay quanh mối quan hệ căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh giữa Nga và NATO.

Bạch Trúc
Theo Independent, BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm