1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

“Vũ khí” giúp Philippines đối phó Trung Quốc tại Biển Đông

Thành Đạt

(Dân trí) - Philippines muốn sử dụng lực lượng dân quân biển để bảo vệ lợi ích của nước này tại Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hoạt động cứng rắn trong khu vực.

“Vũ khí” giúp Philippines đối phó Trung Quốc tại Biển Đông - 1

Các tàu được cho là tàu bán quân sự của Trung Quốc. (Ảnh: Reddit)

Một cuộc đua vũ trang “vùng xám” đang trỗi dậy tại Biển Đông, và việc Trung Quốc sử dụng lực lượng bán quân sự ngày càng tăng nhằm thực hiện các yêu sách gây tranh cãi tại vùng biển này có thể sớm bị lực lượng dân quân biển của các nước Đông Nam Á ngăn chặn.

Bị Trung Quốc áp đảo cả về vũ khí và ngân sách, Philippines đang hướng đến mục tiêu tự thành lập lực lượng dân quân biển của riêng nước này, với tên gọi Cơ quan Hỗ trợ Tích cực Cafgu (CAAS), nhằm bảo vệ các lợi ích của Philippines tại các vùng biển lân cận, bao gồm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).

Theo Asia Times, nếu chính thức được phê duyệt, động thái quân sự trên được xem là phản ứng của Philippines trước việc Trung Quốc tăng cường triển khai lực lượng bán quân sự, bao gồm việc sử dụng các tàu nhỏ để tiếp cận ồ ạt các đảo tranh chấp và các thực thể chiến lược, xâm nhập sâu hơn vào các vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

Trong bài phát biểu gần đây trước Thượng viện, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cáo buộc “bên kia”, ám chỉ Trung Quốc, đang triển khai “cái mà gọi là “dân quân” nhưng thực chất là một bộ phận của hải quân Trung Quốc… Lực lượng này cũng đánh bắt cá, hoạt động như những ngư dân và đánh bắt cá bằng những con tàu lớn”.

Chiến lược bán quân sự tiềm ẩn những rủi ro lớn và làm gia tăng nguy cơ xung đột, trong bối cảnh có nhiều lo ngại về sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu kiểm soát của dân quân biển Trung Quốc, nhất là ở những khu vực giàu tài nguyên cá và dầu khí như Biển Đông.

Philippines đang nỗ lực củng cố lực lượng quốc phòng sau nhiều năm bị Trung Quốc hăm dọa tại Biển Đông, đặc biệt sau vụ Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines hồi năm 2012. Bãi cạn này đóng vai trò quan trọng đối với Trung Quốc trong việc thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, một động thái có thể dẫn tới phản ứng quân sự từ Mỹ - đồng minh có hiệp ước phòng vệ chung với Philippines.

Trong bài phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhấn mạnh nhu cầu chiến lược của việc phải có thêm các lực lượng đối phó với Trung Quốc. Ông Duterte cũng phản bác mọi nỗ lực nhằm làm suy yếu tuyên bố chủ quyền trên biển của Philippines và đây được xem là lời cảnh báo tới việc Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân biển ngày càng tăng trong khu vực.

Phó Đô đốc Giovanni Carlo Bacordo, Tư lệnh hải quân Philippines, là một trong những chỉ huy quân đội có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc thông qua việc xây dựng lực lượng dân quân biển.

“Đây là biện pháp tạm thời để lấp đầy khoảng trống mà chúng ta còn thiếu, khoảng trống mà cả lực lượng hải quân và cảnh sát biển chưa làm được”, Tư lệnh hải quân Philippines nói về việc thành lập lực lượng dân quân biển.

Hãng tin Rappler ngày 13/10 dẫn lời Tư lệnh Bacordo cho biết Philippines dự tính sẽ điều 240 dân quân biển tới Biển Đông để thực hiện tuần tra và bảo vệ ngư dân trước hành vi “quấy rối” từ Trung Quốc, đồng thời làm nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát để thu thập thông tin hữu ích cho quân đội Philippines.

Lực lượng không được vũ trang

“Vũ khí” giúp Philippines đối phó Trung Quốc tại Biển Đông - 2

Tàu cá Philippines được đưa lên bờ sau khi bị tàu Trung Quốc đâm chìm năm 2019. (Ảnh: Rappler)

Tư lệnh hải quân Philippines cho biết lực lượng dân quân biển sẽ được xây dựng dựa trên nỗ lực hợp tác chung. Các thành viên của lực lượng được tuyển từ lục quân Philippines, quân chủng đông đảo nhất của quân đội Philippines, nhưng do hải quân hiện đại của Philippines huấn luyện, cụ thể là lực lượng thuộc các đơn vị hải quân Bắc Luzon và phía tây.

Cả 2 đơn vị hải quân trên đều đang ở tuyến đầu trong tranh chấp Biển Đông. Hải quân Philippines cho biết lực lượng dân quân sẽ có khu vực hoạt động chuyên biệt nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất và ngăn chặn các chiến dịch mang ý đồ xấu.

“Chúng tôi tuần tra khu vực, sau đó rời đi”, Phó Đô đốc Bacordo nói để trấn an những người chỉ trích rằng, kế hoạch triển khai lực lượng dân quân biển chỉ nhằm nâng cao nhận thức và hoạt động trinh sát của Philippines tại Biển Đông, không phải vì mục đích chính trị.

“Chắc chắn họ sẽ không được trang bị vũ khí”, Đô đốc Loumer Bernabe, chỉ huy một hạm đội của Philippines, cho biết.

Đô đốc Bernabe khẳng định trong một phiên điều trần gần đây rằng CAAS sẽ chỉ được trang bị các thiết bị theo dõi và liên lạc khi hoạt động ở vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

Phó Đô đốc Bacordo khẳng định mục tiêu cuối cùng là nhằm cho phép các lực lượng của Philippines hoạt động ở bất kỳ đâu, và lực lượng dân quân biển mới sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho lực lượng hải quân và tuần duyên chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, một số nghị sĩ Philippines lo ngại về nguy cơ xảy ra va chạm giữa lực lượng dân quân biển Philippines với lực lượng bán quân sự Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros cho rằng Philippines chỉ nên trang bị vũ khí cho quân đội và cảnh sát, đồng thời tăng cường năng lực của hải quân và cảnh sát biển, thay vì đầu tư vào lực lượng dân quân biển.

Thượng nghị sĩ Risa cũng lo ngại rằng lực lượng dân quân biển mới sẽ có sự tham gia của các ngư dân Philippines, trong khi họ không phải lực lượng chuyên nghiệp. Điều này cũng tạo thêm cớ để Trung Quốc gia tăng hành vi quấy rối, thậm chí bạo lực, trong khu vực.

Năm ngoái, một tàu nghi là dân quân biển Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Philippines, khiến 22 thuyền viên Philippines suýt mất mạng.

Jay Batongbacal, chuyên gia về luật biển của Philippines, cảnh báo nếu không được huấn luyện phù hợp và có quy tắc hoạt động rõ ràng, lực lượng dân quân biển nước này có thể gặp rủi ro tại một vùng biển tranh chấp căng thẳng.

Các học giả Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo tương tự. Chen Xiangmiao, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Biển Đông, cho rằng xung đột giữa các lực lượng dân quân hoặc các lực lượng phi quân sự khác có thể gia tăng khi các bên tăng cường các hoạt động ở “vùng xám”.

Quyết định cuối cùng của việc thành lập lực lượng dân quân biển sẽ thuộc về Tổng thống Duterte - nhà lãnh đạo có phản ứng thiếu đồng nhất trong việc ứng phó với sự cứng rắn ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Tổng thống nói rằng chúng ta vẫn chưa sẵn sàng để triển khai lực lượng đó. Ông ấy nói rằng chúng ta nên hoãn lại vì chúng ta vẫn chưa có ngân sách để duy trì lực lượng. Trước hết là không có tiền. Thứ hai là chúng ta không biết tiền liệu có được dùng để mua những con tàu lớn hơn với phần thân bằng thép. Không thể sử dụng tàu gỗ trong lực lượng dân quân, chúng sẽ bị phá hủy dễ dàng”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết.