1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vũ khí đích thực của “Ngày tận thế” có thực sự đáng sợ?

Tên lửa Bulava được tích hợp thành công trên tàu ngầm lớp Borei là một trong những công cụ răn đe mạnh nhất hành tinh, sẽ là cú phản đòn hạt nhân cuối cùng một khi chiến tranh hạt nhân tổng lực nổ ra và người ta gọi chúng là vũ khí đích thực của “Ngày Tận thế”.

Vũ khí đích thực của “Ngày tận thế” có thực sự đáng sợ? - 1

Tên lửa Bulava phóng thử từ tàu Yuri Dolgoruky. (Nguồn: Newshub)

Tàu ngầm lớp Borei A

Lớp Borei (Borey, hay Dự án 955 Borei, Dự án 955A Borei-A), còn được gọi là lớp Dolgorukiy, là lớp tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân được thiết kế bởi Viện thiết kế Rubin và Sevmash chế tạo cho Hải quân Nga nhằm thay thế các lớp Delta III, Delta IV và Typhoon thời Liên Xô đang có trong biên chế của Hải quân Nga. Đến nay, đã có 4 tàu ngầm lớp Borei được chế tạo, gồm chiếc Yuri Dolgoruky thuộc phiên chế của Hạm đội phương Bắc, chiếc Alexander Nevsky và Vladimir Monomakh thuộc Hạm đội Thái Bình Dương và chiếc Knyaz Vladimir đang được thử nghiệm, sẽ là nền tảng của lực lượng hạt nhân chiến lược Hải quân Nga.

Yury Dolgoruky là chiếc đầu tiên của dự án 955 Borey-A, tàu ngầm tên lửa chiến lược hiện đại của Nga. Với chiều dài 170m, rộng 13,5m (được phủ cao su giảm âm, giúp tàu ngầm không bị phát hiện) lượng giãn nước khi lặn 24 ngàn tấn, Borey-A mang theo 107 thủy thủ và khả năng hoạt động độc lập suốt gần 3 tháng dưới nước giúp tàu có thể ở ngoài bờ biển trong thời gian dài mà không bị lộ. Siêu tàu ngầm này có 2 lò phản ứng hạt nhân OK-650M với khả năng hoạt động không giới hạn mỗi khi được tiếp liệu đầy đủ, có vận tốc 29 hải lý/giờ khi lặn. Dự trữ nhu yếu phẩm của Borei cho phép nó hoạt động liên tục hơn 1 năm mà không cần tiếp tế.

Vũ khí đích thực của “Ngày tận thế” có thực sự đáng sợ? - 2

Tàu ngầm Alexander Nevsky của Nga. ( Nguồn: Defense-update)

Tàu ngầm hạt nhân lớp Borey-A có thể mang theo 16 tên lửa đạn đạo liên lục địa (SLBM) RSM-56 Bulava; được trang bị 8 ống có thể phóng ngư lôi hoặc tên lửa chống tàu ngầm RPK-2 Viyuga (SS-N-15), có thể phản đòn tàu ngầm đối phương ở cự ly 45 km; được trang bị tên lửa phòng không Igla có khả năng hạ các loại máy bay tầm thấp… Với kho vũ khí mang theo, tàu ngầm này đủ khả năng “thổi bay” cả vùng lãnh thổ chỉ bằng một đợt tấn công. Chính vì vậy, tạp chí Mỹ National Interest cho rằng, cần phải gọi chúng là vũ khí đích thực của “Ngày Tận thế”.

Tàu ngầm Knyaz Vladimir được chế tạo theo dự án Borey-A cải tiến, hạ thủy năm 2017 và đang trong giai đoạn thử nghiệm trên biển. Knyaz Vladimir có động cơ tạo ra ít tiếng ồn hơn, các hệ thống liên lạc, cảm biến, hệ thống cơ động và chân vịt hiện đại hơn, có khả năng vận hành vũ khí hiện đại, hỏa lực cực mạnh, số lượng thủy thủ đoàn cao hơn. Đây là lớp tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 4, được thiết kế dành riêng cho Hải quân Nga.

Bulava - “Chiếc chùy” hạt nhân đáng sợ

RSM-56 Bulava (nghĩa tiếng Nga là “chiếc chùy”, định danh NATO SS-NX-30 hoặc SS-N-32) là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), dùng nhiên liệu rắn, được phát triển cho Hải quân Nga và được triển khai vào năm 2013 trên lớp tàu ngầm hạt nhân Borei mới - là nền tảng tương lai của bộ ba hạt nhân của Nga và là dự án vũ khí đắt đỏ nhất của nước này. Được thiết kế bởi Viện Công nghệ Nhiệt Moscow vào cuối những năm 1990, tên lửa được dự kiến thay thế SLBM nhiên liệu rắn R-39 Rif.

Vũ khí đích thực của “Ngày tận thế” có thực sự đáng sợ? - 3

Chiếc Knyaz Vladmir trong buổi thử nghiệm tháng 2/2019; (Nguồn: Wikipedia.)

Các tàu ngầm lớp Borei 955/955A có thể mang 16 tên lửa Bulava có chiều dài 12,1m, đường kính 2 m và nặng 36,8 tấn, được thiết kế để bay trong 3 giai đoạn, 2 giai đoạn đầu dùng nhiên liệu rắn, giai đoạn cuối dùng nhiên liệu lỏng để tăng cường khả năng cơ động trong quá trình tách các đầu đạn hạt nhân phóng đến mục tiêu. Bulava có thể được bắn từ vị trí nghiêng và trong lúc tàu ngầm đang chuyển động. Do quỹ đạo bay không quá cao nên Bulava còn được gọi là tên lửa đạn đạo lưỡng tính.

Mỗi tên lửa có thể chứa 6-10 đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ từ 150 kT, có khả năng tái nhập khí quyển tấn công đa mục tiêu - MIRV. Một tàu ngầm Borei có thể dội 72 đầu đạn hạt nhân (với sức hủy diệt gấp 10 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima), xuống các thành phố và các căn cứ quân sự cách xa nó 9.300km. Với tổng đương lượng nổ lên tới 24.000 kt, một đòn tấn công của Borey-A có thể hủy diệt cả một quốc gia chỉ trong tích tắc. Trên tạp chí National Interest, chuyên gia quân sự Mỹ Roblin cho biết Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh và Ấn Độ cũng đang sở hữu những loại tàu ngầm tương tự. Tuy nhiên, sức mạnh của tàu ngầm lớp Borei gần như không thể tưởng tượng nổi - gây ra sự hủy diệt các thành phố của kẻ thù, thậm chí khi các lực lượng hạt nhân khác bị xóa sổ ngay từ cuộc tấn công đầu tiên.

Thêm nữa, Bulava bay theo quỹ đạo phức tạp và có thể được phóng trong lúc tàu Borei đang di chuyển khiến cho việc đánh chặn nó là cực khó. Các quả tên lửa nặng 40 tấn có thể triển khai tới 40 mồi nhử để đánh lạc hướng tên lửa phòng thủ của đối phương, chẳng hạn như hệ thống phòng thủ giữa hành trình (GMD) của Mỹ đặt tại Alaska. Thử nghiệm đã cho thấy, quả tên lửa nặng 40 tấn này có thể vượt qua được khoảng bốn chục dàn pháo phòng không với hỏa lực đánh chặn dữ dội.

Các nhà thiết kế của Viên Công nghệ Nhiệt Moscow cũng đưa ra một phiên bản đặc biệt của Bulava chỉ mang 1 đầu đạn duy nhất nhưng sức công phá lên đến 500 kT, dùng để tấn công những mục tiêu trọng điểm, cần phá hủy triệt để. Hiện nay, cả Nga và Mỹ đều đã không còn mặn mà với việc phát triển các đầu đạn đa mục tiêu MIRV, do đó có thể phiên bản đầu dạng đơn 500 kT của Bulava sẽ được ủng hộ trong tương lai. Cả 2 loại đầu đạn này đều có khả năng cơ động trong khi bay và tái định vị với các mục tiêu di động.

Liên thủ thành công?

Cuối tháng 8 đầu tháng 9/2019, các tàu ngầm của lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược cả Nga và Mỹ đều tiến hành phóng thử nghiệm. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc vẫn đánh giá cao các phương tiện mang (tên lửa) của Mỹ hơn các phương tiện mang của Nga, theo đó, Trident II có khả năng mang ít nhất 8 đầu đạn hạt nhân nặng 2,7 tấn, và cự ly bắn chắc chắn tới 11.000km, trong khi Bulava chỉ mang được tối đa 8 đầu đạn và tầm bắn tối đa chỉ 8.000km. Tờ Sohu nhấn mạnh thêm rằng Nga đã thử nghiệm Bulava 19 lần nhưng chỉ có 11 lần trong số đó là thành công. Trong khi đó, từ năm 1987 tới nay, Mỹ đã thử nghiệm Trident 168 lần và chỉ một vài lần phóng thất bại, và như vậy, điều đó chứng minh rằng Trident II có độ tin cậy cao hơn mười lần so với Bulava.

Hôm 30/10, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Knyaz Vladimir mang số thân K-549, lớp Borei A của Nga đã bắn thử thành công RSM-56 Bulava từ vị trí dưới nước trên Biển Trắng đến thao trường Kura trên Bán đảo Kamchatka (vùng Viễn Đông). Đường bay của tên lửa bình thường, đầu đạn giả của tên lửa bắn trúng mục tiêu đúng thời gian đã định. Rõ ràng, Nga đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song để tàu ngầm Borei và tên lửa Bulava được như kỳ vọng, con đường phía trước vẫn còn rất dài.

Theo Lê Ngọc

Thế giới & Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm