Video tàu ngầm “sát thủ” Nga lần đầu phóng siêu tên lửa
(Dân trí) - Tàu ngầm năng lượng hạt nhân mạnh hàng đầu thế giới của Nga Knyaz Vladimir phóng thử siêu tên lửa đạn đạo Bulava lần đầu tiên.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 30/10 xác nhận tàu ngầm Knyaz Vladimir đã phóng thử tên lửa Bulava lần đầu tiên.
“Lần đầu tiên, tàu ngầm hiện đại lớp Borei Knyaz Vladimir đã phóng thử tên lửa đạn đạo Bulava”, thông báo cho hay.
Tên lửa Bulava được phóng đi từ Bạch Hải ở tây bắc Nga tới bãi thử Kura nằm tại bán đảo Kamchatka ở vùng Viễn Đông, Nga.
Theo Dailymail, tàu ngầm Knyaz Vladimir gây ấn tượng cho giới chuyên gia quân sự với thông số kỹ thuật “khủng” khi đạt tầm tấn công lên tới 9.300 km, có thể khai hỏa hàng chục đầu đạn hạt nhân cùng một lúc.
Đặc biệt, tàu ngầm Knyaz Vladimir có thể lặn xuống độ sâu 400 mét, ngoài tầm dò tìm của các radar, biến tàu ngầm này trở nên “tàng hình”. Ngoài ra, giống với các tàu ngầm lớp Borei, Knyaz Vladimir được phủ lớp chất liệu cao su cách âm bên ngoài giúp tàu không bị phát hiện trong một khoảng thời gian đủ lâu để tấn công mục tiêu.
Theo RT, Bulava là loại tên lửa liên lục địa hoạt động bằng nhiên liệu rắn, có tầm bắn khoảng 8.000 - 11.000 km. Hiện tại, Bulava là “xương sống” cho lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, là một trong những tên lửa có sức công phá mạnh mẽ nhất thế giới. Tên lửa này có thể mang tối đa 10 đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn mỗi có sức công phá 150 kiloton.
Ngoài ra, Bulava có quỹ đạo bay khá khác thường khiến tên lửa này khó bị đánh chặn và có thể được phóng đi trong lúc tàu ngầm đang di chuyển. Tên lửa nặng 40 tấn này có thể triển khai hàng chục mồi nhử để đánh lừa lá chắn phòng thủ đối phương, khiến Bulava trở nên đáng sợ hơn nữa.
Sự kết hợp giữa 2 siêu vũ khí của Nga đã khiến giới chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng tàu ngầm lớp Borei nói chung và Knyaz Vladimir nói riêng đã trở thành “sát thủ” thầm lặng dưới lòng đại dương và có uy lực phá hủy trên diện rộng, thậm chí có thể vô hiệu hóa hệ thống vũ khí hạt nhân của đối thủ trước khi chúng kịp triển khai.
Đức Hoàng
Theo Sputnik