Vũ khí đặc biệt của Ukraine khiến Nga thay đổi chiến thuật "mưa hỏa lực"
(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, việc Ukraine đánh chặn tương đối hiệu quả máy bay không người lái (UAV) của Nga trong thời gian qua đã buộc Moscow phải thay đổi chiến thuật tập kích quy mô lớn.
Chuyên gia Justin Bronk từ Viện RUSI (Anh) nhận định, nỗ lực phòng không linh hoạt của Ukraine đã buộc Nga phải thay đổi chiến thuật sử dụng máy bay không người lái trong thời gian qua.
Theo ông Bronk, thay vì phóng một vài UAV Geran-2 (Ukraine, Mỹ nghi là Shahed do Iran sản xuất) trong cùng một lúc, Nga đang phóng đi ồ ạt số lượng lớn UAV và cẩn thận định tuyến chúng để tránh né hệ thống phòng thủ của Ukraine.
Chuyên gia trên nhận định: "Tỷ lệ đánh chặn của Ukraine đã đủ tốt để Nga trữ các UAV tự sát đến khi đạt đủ số lượng lớn mới tấn công. Giờ đây, Nga phóng ra 30-40 chiếc trong một đợt tấn công".
Trước đó, theo ông Bronk, Nga thường bắn ra một lượng không quá lớn UAV tự sát, nhưng liên tục trong vài tháng để làm cạn kiệt kho tên lửa phòng không của Ukraine.
Để thích nghi với tình hình, Ukraine thành lập các đội phòng không cơ động được trang bị nhiều loại vũ khí tầm ngắn, bao gồm pháo phòng không tự hành như Shilka thời Liên Xô và Gepard do Đức sản xuất, tên lửa vác vai của Mỹ sản xuất Stinger và thậm chí cả súng máy hạng nặng DShK do Liên Xô thiết kế kết hợp với đèn rọi. Cách tiếp cận này tương đối hiệu quả vì chúng có giá cả phải chăng hơn nhiều việc phải phóng tên lửa phòng không trị giá hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD mỗi quả để bắn rơi các UAV trị giá chỉ vào khoảng 20.000 USD.
"Ngay cả những người dùng súng máy cũng có thể nâng cao kỹ năng vì họ thực hành rất nhiều lần. Khi đã biết nhằm mục tiêu thì ngay cả những vũ khí không có radar dẫn đường như súng máy cũng hiệu quả", ông nói.
Một "vũ khí" giúp Ukraine nhắm mục tiêu bằng súng máy hiệu quả là phần mềm đặc biệt, có sự góp sức của người dân. "Họ có một số ứng dụng thông minh giúp người dân thường có thể nhanh chóng báo cáo về việc nhìn thấy UAV, tên lửa và máy bay", ông Bronk nói thêm.
Vì Ukraine tương đối rộng lớn nên các UAV tự sát của Nga phải bay một đoạn đường dài để tập kích vào sâu bên trong quốc gia này. Geran có tầm tấn công gần 2.500km nhưng tốc độ tối đa chỉ vào khoảng 185km/h.
"Chúng bay tương đối chậm. Nếu bạn có thể hình dung ra đường bay của chúng, bạn sẽ dễ bắn chúng hơn", ông cho biết. Vì vậy, các thông tin mà người dân Ukraine cung cấp đang giúp nước này có được bức tranh toàn cảnh về cuộc tấn công của Nga và đưa ra biện pháp đánh chặn phù hợp.
Để gia tăng khả năng đánh trúng mục tiêu, Nga bắt đầu linh hoạt hơn trong việc tấn công UAV. Họ thường dùng một vài UAV tập kích mở màn để thu hút sự chú ý của các nhóm phòng không Ukraine. Lúc này, radar phòng không sẽ được kích hoạt, hoặc vũ khí sẽ được khai hỏa để đánh chặn và dựa vào vũ khí trinh sát, Nga có thể nắm được vị trí Kiev triển khai tổ hợp phòng thủ.
"Nếu Nga tìm ra được vị trí của hệ thống phòng không trong một khu vực cụ thể, thì họ sẽ thay đổi đường bay của UAV của cuộc tấn công chính để né khu vực này. Điều này cho thấy Nga đang thích nghi với tình hình chiến trường, đồng thời cũng là bằng chứng về sự hiệu quả của hệ thống phòng thủ Ukraine", chuyên gia Bronk cho hay.