Nga sử dụng vũ khí đặc biệt đối phó với lưới lửa phòng không Ukraine
(Dân trí) - Quân đội Nga được cho là đang sử dụng các UAV bằng gỗ để đánh lừa lưới lửa phòng không Ukraine.
Trang Defense Express dẫn nguồn tin từ quân đội Ukraine, cho biết lực lượng này đã bắn hạ một loại máy bay không người lái (UAV) được làm bằng gỗ của Nga. Đây có thể xem là một loại vũ khí mới nhất mà Nga đưa vào sử dụng tại chiến trường Ukraine.
Theo Defense Express, UAV mới của Nga được thiết kế hết sức đơn giản bằng các vật liệu dễ tìm kiếm như gỗ và nhựa. UAV này được trang bị một động cơ và một máy ảnh, cho phép nó tiến hành các nhiệm vụ do thám và trinh sát thông thường.
Một số chuyên gia nhận định các UAV này còn có thể được sử dụng nhằm mục đích gây rối loạn hệ thống phòng không Ukraine. Theo đó, khi các tổ hợp phòng không Ukraine phát hiện và phóng hỏa lực tiêu diệt UAV này, vị trí của vũ khí phòng không Ukraine sẽ bị lộ diện. Bên cạnh đó, với giá thành rất rẻ, Nga có thể sử dụng UAV này cho nhiệm vụ làm hao hụt đạn phòng không của Ukraine.
Ngoài UAV làm bằng gỗ, quân đội Nga còn sử dụng các UAV E95M với nhiệm vụ đóng giả đường bay của tên lửa hành trình nhằm đánh lạc hướng hệ thống phòng không Ukraine.
Theo Defense Express, với việc được trang bị một động cơ đẩy khí gas cùng khả năng bay khoảng 30 phút, UAV E95M sẽ khiến radar của quân đội Ukraine lầm tưởng đây là một tên lửa hành trình đang lao tới mục tiêu. Hỏa lực phòng không Ukraine sau đó sẽ khai hỏa vào UAV này thay vì những tên lửa hành trình thực thụ của Nga. Với giá thành chỉ khoảng 50.000 USD, UAV E95M đã được Nga sử dụng tương đối thành công với vai trò nghi binh trong các trận tập kích của Nga nhằm vào Ukraine.
Trước đó, quân đội Nga cũng tiến hành "gài bẫy" hệ thống phòng không Ukraine bằng tên lửa hành trình Kh-55 được sản xuất từ thời Liên Xô. Các tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân này đã được tháo bỏ đầu đạn và bắn về phía Ukraine.
Theo các chuyên gia, ngoài việc gây rối loạn hệ thống phòng không Ukraine, các tên lửa Kh-55 tháo đầu nổ vẫn có thể gây thiệt hại cho Ukraine nhờ động năng và lượng nhiên liệu chưa tiêu thụ.
"Nga dường như dùng chúng để làm mồi bẫy, nhằm đánh lạc hướng và gây khó khăn cho lực lượng phòng không Ukraine. Dù ý định của họ là gì đi nữa, quá trình hoán cải cũng thể hiện tình trạng cạn kiệt kho tên lửa tầm xa trong biên chế quân đội Nga", lực lượng tình báo quốc phòng Anh viết trong một báo cáo hồi cuối năm 2022.